Uganda, mặt trời xích đạo vẫn sáng

“Khách đến nhà như Thượng đế đến nhà”. Lòng mến khách có ở muôn phương nhưng tới lục địa đen, tôi mới ngấm câu thành ngữ Phi Châu phổ biến ấy.

Trẻ em vui nhộn với những điệu nhảy ngẫu hứng.
Trẻ em vui nhộn với những điệu nhảy ngẫu hứng.

Khách dung dăng với món quà là một nải chuối bự ôm trong lòng, chưa đến nơi trẻ con dọc đường đã xin hết. Bạn cứ mấy phút lại gọi điện hỏi tới đâu rồi vì ngoài trung tâm thị trấn, định vị lối mòn nơi đây thực sự muốn nhũn não. Khách vừa đặt chân tới cổng, cả nhà ùa ra hỏi han và trách móc cậu con không đi đón bạn...

Không gì gắn kết người lạ với nhau hơn màn chào hỏi, cái bắt tay và tràng cười lắm khi chẳng cần lý do nơi đây. Hai người bạn có thể chào tới vài phút khi mắt nhìn mắt, tay nắm tay không rời dù nội dung chỉ xoay quanh hỏi thăm sức khỏe. “Ừ các bác khỏe. Stella khỏe. Lila con Stella cũng khỏe. Cháu khỏe không? Đêm qua ngủ ngon chứ? Gầy quá, chịu khó ăn vào. Thế bố mẹ cháu ổn chứ? Thế còn ông bà haha?”. Màn cười chưa xong, một chiếc điện thoại thình lình dúi vào tay tôi. “Này nói chuyện với bà tớ đi, bà chỉ nói một tí tiếng Anh thôi đấy”. “Cháu chào bà. Bà khỏe không? Cháu đến từ Việt Nam. Vâng Việt Nam đánh nhau với Mỹ. Hôm nay bà ăn matoke ạ? Dạ cháu không phải Mchina Trung Quốc, cháu là Mbongo người châu Phi mà haha” . Rồi “Ớ ai đấy? À chị chào em. Em khỏe không?...Ơ cháu chào cô. Cô khỏe không? Vầng vầng haha”. Văn hóa giao tiếp của người Á Đông so với phương Tây về cơ bản đã nồng nhiệt hơn nhưng chưa là gì so với châu Phi, khách lắm lúc toát mồ hôi.

Màn chào đón tôi của một gia đình địa phương trên đây là cảnh tượng hết sức phổ biến ở vùng đất này. Một “đặc sản” khác là nắng. Cái nắng khiến người lả dần nơi đây không phải thứ để đùa. Ở giữa những cư dân da đen mượt di chuyển tự nhiên dưới hơi lửa mặt trời, người “da trắng” trở nên lạc lõng thừa thãi. Mọi người sẽ cười lớn nếu ta cãi “tôi không phải người da trắng, da tôi màu vàng”. Dù lớn lên cùng khí hậu nhiệt đới, tôi vẫn choáng ngợp với cái nắng chính giữa xích đạo này. Nhưng nắng không là gì so với cảm giác bứt rứt khi biết mình xuất hiện nhầm chỗ.

Tôi tình cờ tới Katanga, nơi trú chân của hơn 20.000 cư dân trong một khu vực rộng 1,5 km². Ta đành gọi Katanga là slum. Tôi không biết vì sao và từ bao giờ tiếng Việt dịch slum thành “khu ổ chuột” khi chúng là nơi ở của người. Và người sống nơi đây bị gọi là slumdog. Nhà cửa ở Katanga được chắp vá từ bất cứ chất liệu nào, nếu tươm sẽ có cửa, không thì mảnh vải treo hờ hững cũng đủ. Mọi ngõ ngách đều phủ tranh vẽ tường hoặc tờ dán: hội nhà thờ slogan siêu việt, poster vận động bầu cử photoshop quá tay, quảng cáo Tecno hãng điện thoại Trung Quốc thống trị châu lục…Trước nhà, phụ nữ nướng sắn, chiên cá, nói cười rôm rả. Bên rãnh nước, trẻ em chơi trò đẩy lốp xe và chế ô-tô từ vỏ nhựa hay mẩu gỗ, đồng loạt hét Mchina và càng cười tợn khi tôi hô Mbongo. Cánh mày râu la liệt bên đường, ở Uganda họ có tên gọi riêng là bayayes - những thanh niên lang thang muôn đời nơi đô thị.

Đi xuyên Katanga, lòng tự tin của tôi rơi dần theo từng bước chân, không biết phải hành xử sao, nên nghĩ thế nào. Bao ánh mắt hướng về phía mình: tò mò, trìu mến, chòng ghẹo, tán tỉnh, thù ghét, khinh bỉ..., đủ cả. Tôi từng từ chối lời rủ tham gia tour đi bộ len lỏi vào các khu ổ chuột ở Ấn Độ dù biết lợi nhuận một phần giúp trẻ em đường phố. Ở Nam Mỹ, slum tour không thiếu. Dù sứ mệnh tốt hay lợi dụng cộng đồng cư dân, đói nghèo không nên là một hình thức thu hút du lịch. Poorism (du lịch tham quan nơi đói khổ) hay Voluntourism (du lịch kết hợp tình nguyện) là hiện tượng không mới nhưng chưa bao giờ dứt tranh luận về tính đúng đắn. Tôi không thích khi người ta nói về những người bần cùng với lòng thương hại. Họ không muốn sự thương hại. Thứ họ cần là một tình cảm chân thành và ấm áp.

Katanga chỉ là một trong số hàng trăm khu ổ chuột, nơi cư ngụ của hơn 900 triệu người ở đủ các châu lục. Khi ta chỉ tập trung nghĩ về nghèo đói rồi mường tượng ra lười biếng, bạo lực, bệnh tật, tội phạm, thấp hèn, ta vô tình quên mất ở đó có cả tình người, tình làng xóm và trên tất cả, niềm mơ ước cho tương lai tươi sáng. Ở Katanga hay nhiều khu ổ chuột lớn tại châu Phi như Kibera (Kenya), Khayelitsha (CH Nam Phi) hay Ezbet El Haggana (Ai Cập), bệnh viện, trường học, chợ, sân chơi, câu lạc bộ thể thao, hợp tác xã thủ công, nhà thờ hay thánh đường xuất hiện nhờ nỗ lực của các bên. Đây thường là nơi sản sinh ra diễn viên, rapper, nữ vô địch quyền anh, thậm chí một “nữ hoàng Katwe” cách Katanga vài cây số. Chuyện các khu ổ chuột là chuyện của niềm hy vọng.

Người ta gọi Uganda là “hòn ngọc châu Phi”, cái tên Winston Churchill đặt dưới thời thuộc địa Anh. Biệt danh ấy chỉ mảnh đất trù phú được thiên nhiên ưu ái tặng hồ nước ngọt Victoria lớn thứ hai thế giới, các rặng núi cao đỉnh phủ tuyết giữa xích đạo, những cánh rừng nguyên sinh nay là nhà của một nửa trong hơn 1.000 cá thể gorilla hoang dã còn lại trên trái đất và nơi trú ẩn của “người lùn” Pygmy - một trong những tộc người cổ đại nhất hành tinh.

Năm 1962 khi độc lập đến cùng niềm lạc quan ngây ngất, hòn ngọc năm nào bước vào một giai đoạn không như kỳ vọng. Chuyện chính trị Uganda vừa dài nhưng cũng vừa ngắn, có thể gói gọn bằng gạch đầu dòng người này lật đổ người kia, người kia ám sát người khác... Tổng thống hiện tại của Uganda nắm quyền từ 1986, dân chúng người bất mãn người tự an ủi “vẫn tốt hơn Idi Amin” - nhà độc tài kiêm nhà vô địch quyền Anh. Tám năm nắm quyền, Idi Amin đã sát hại gần hàng trăm nghìn người, đa phần là chính trị gia, giới trí thức hoặc bất cứ ai chống đối.

Cư dân Katanga là thế hệ tìm đường tới thành phố những năm chế độ độc tài như Idi Amin vắt kiệt đất nước. Không ai chào mừng họ nơi thị thành, chỉ là cái nghèo ở quê đuổi họ đi. Ít nhất cuộc sống tạm bợ nơi đông đúc đem lại cảm giác gắn kết cộng đồng như tinh thần Ubuntu ngấm trong máu người dân. Uganda ngày nay là một trong các quốc gia trẻ nhất ở lục địa trẻ nhất: một nửa dân số dưới 15 tuổi. Sẽ không sai nếu gọi châu Phi là mảnh đất của trẻ thơ. Luôn có cảnh trẻ vẫy chào tôi qua cửa sổ xe hay ùa tới vuốt tóc sờ má hay nắn chân tay đầy hiếu kỳ. Thiếu nhi ở lục địa đen có một bản năng chỉ chờ cơ hội tỏa sáng: tự động nhảy khi nghe thấy nhạc. Không chỉ “trẻ” nhất thế giới, Uganda còn che chở nhiều trẻ mồ côi nhất, hơn 2,4 triệu em mất cha mẹ trên tổng số dân 43 triệu. Khó khăn đồng nghĩa sáng tạo, rất nhiều dự án nghệ thuật và đào tạo được thành lập. Trung tâm Phát triển Kỹ năng Nghệ thuật và Tái chế (UCASDR) sáng lập bởi họa sĩ Tusiime và nhóm nhảy trứ danh Masaka Kids Africana (MKA) là hai trong số đó. Cậu bé mồ côi Tusiime ngày nào tạo ra tranh từ vật liệu tái chế nhờ công việc dọn vệ sinh khoa Mỹ thuật Trường Makerere cần mẫn 20 năm nay. MKA dùng chính tài năng âm nhạc của mình kêu gọi hỗ trợ giáo dục.

6_1-1608702578752.jpg
 Nghệ thuật gắn kết cộng đồng.

Giao tiếp ở Uganda dễ dàng vì tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức dù Uglish tiếng Anh kiểu Uganda lắm lúc khiến người phì cười. “I’m going to make a short call” không có nghĩa “mình ra ngoài gọi điện thoại tí nhé” mà đơn giản là “xin phép đi toi let một tí”. Hàng ngày tôi có lái xe riêng tức các anh xe ôm Uber lạng lách lên xuống các quả đồi. Chuối xanh matoke và súp lạc G-nut sauce làm linh hồn của bữa ăn. Thủ đô Kampala sở hữu nền nghệ thuật đương đại phát triển và cuộc sống về đêm sôi động. Như bất kỳ nước nào tại lục địa, đàn ông nơi đây ám ảnh với bóng đá. Katanga có hẳn ba đội bóng nam-nữ-nhí chia nhau tập luyện giữa khoảng đất hòa nắng bụi tung mù. Mặt trời vẫn sáng đấy thôi và cuộc sống luôn chảy trôi.

6_2-1608702578838.jpg
Khu Katanga.