Thông điệp sau một quyết định

Ác cảm của ông chủ Nhà Trắng

Lính Mỹ và xe tăng thuộc đội chiến đấu Lữ đoàn 2, Sư đoàn Bộ binh 3 Hoa Kỳ tại cảng Bremerhaven (Đức) ngày 21-2. Ảnh: GETTY IMAGES
Lính Mỹ và xe tăng thuộc đội chiến đấu Lữ đoàn 2, Sư đoàn Bộ binh 3 Hoa Kỳ tại cảng Bremerhaven (Đức) ngày 21-2. Ảnh: GETTY IMAGES

Những tin đồn lơ lửng lâu nay dường như đã trở thành sự thật: Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức phê duyệt kế hoạch Mỹ sẽ rút 9.500 binh sĩ trong tổng số 34.500 quân của nước này đang đồn trú trên lãnh thổ Đức. Mối quan hệ giữa Mỹ với Đức, đồng minh quan trọng vào bậc nhất trong NATO, đã xuống đến mức lạnh nhạt.

Như ví von của một chính trị gia Đức, ông Peter Beyer, người phụ trách điều phối các mối quan hệ của Đức với Mỹ thì tuy hai bên chưa “ly hôn” nhưng mức độ “chung sống” đã thấp hơn nhiều so với trước đây!

Điều này thì ai cũng rõ. Không một ai nghi ngờ rằng động thái cắt giảm gần 1/3 quân số tại châu Âu của Mỹ này sẽ tiếp tục giáng một đòn mạnh vào quan hệ đồng minh lâu năm giữa hai bên, vốn đã trải qua không ít sóng gió kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng.

Mà ông Trump cũng chưa bao giờ che giấu mối ác cảm của mình đối với các đồng minh châu Âu, cho dù trong những hội nghị chính thức của NATO hay các cuộc gặp song phương, đa phương khác, những từ ngữ bóng bảy về tình hữu nghị giữa hai bên vẫn thường xuyên được sử dụng.

Ác cảm của ông chủ Nhà Trắng không phải bỗng dưng mới xuất hiện trong một sớm một chiều mà nó mang tính hệ thống, nếu xét theo những gì mà ông Trump tuyên bố trong thời gian dài. Ngay từ khi còn đang tiến hành chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, ông Trump đã kêu gọi phải “cải tổ” lại NATO. Rồi ngay khi vừa trúng cử, trả lời phỏng vấn hai tờ báo hàng đầu châu Âu là tờ Times của Anh và tờ Bild của Đức, ông Trump gây sốc toàn bộ các đồng minh châu Âu của mình với tuyên bố: “NATO đã lỗi thời!”.

Lý do của nhận định này, theo ông Trump giải thích, là bởi hai nguyên nhân: thứ nhất, NATO lỗi thời bởi là một tổ chức đã được thiết kế từ nhiều năm trước; thứ hai, các thành viên châu Âu của NATO đã không bỏ tiền túi ra để trả cho những gì mà lẽ ra họ phải trả.

Nguyên nhân ban đầu có thể là đúng. NATO, được hình thành trong Chiến tranh Lạnh, là tổ chức được xây dựng lên với mục đích ngăn ngừa sự lan tỏa chủ nghĩa cộng sản từ Liên Xô, quốc gia đi đầu trong chiến tranh thế giới thứ hai chống lại Đức quốc xã và quân phiệt Nhật Bản, cứu nhân loại thoát khỏi hiểm họa phát xít. Nay thì Liên Xô không còn tồn tại, tổ chức Hiệp ước Warsaw cũng đã giải tán. Vậy thì NATO, mà mục đích tự thân của nó là để đối đầu với những lực lượng nay đã không còn nữa, hẳn nhiên phải xem xét lại cái cơ cấu già nua đã kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Nhưng nguyên nhân thứ hai mới là chính yếu. Chính xác là ông Trump luôn cảm thấy bất mãn bởi vì các nước châu Âu thành viên NATO đã không chịu tăng chi phí quốc phòng của họ lên để giảm bớt gánh nặng tài chính của Mỹ, vốn chịu trách nhiệm chính bảo đảm an ninh cho châu Âu trong nhiều năm qua. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một mình Mỹ vẫn chi trả cho một nửa khả năng quân sự của châu Âu, một thực tế mà các đời Tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đều phàn nàn nhưng không làm được gì nhiều để có thể thay đổi hiện trạng đó.

Chung quy lại, ẩn sâu đằng sau mối ác cảm này là tiền!

Những căn nguyên lịch sử của một quyết định

Nhưng liệu những gì ông Trump nói về việc các nước châu Âu đã không chịu chi trả đúng mức cho an ninh của chính họ, hay việc quân đội Mỹ đóng quân ở châu Âu chỉ có lợi cho châu Âu, có thỏa đáng hay không?

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra đã hơn hai năm, Mỹ đã bị giáng một đòn choáng váng với vụ tấn công bất ngờ của không quân phát xít Nhật Bản nhằm vào căn cứ Trân Châu Cảng tại Hawaii, đánh dấu một trong những tổn thất lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Thất bại này, cùng với sự phát triển các mẫu máy bay ném bom tầm xa đã buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, sau chiến tranh thế giới thứ hai, đi tới quyết định thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Những căn cứ này, tiếng là để bảo vệ các đối tác, nhưng thực chất và trước hết, là để bảo vệ cho chính nước Mỹ. Bởi vì lợi thế phòng thủ của nước Mỹ do đặc điểm địa lý cách xa các lục địa khác đã không còn nữa. Nước Mỹ cần phải phòng thủ từ xa bằng các căn cứ quân sự ở nước ngoài, buộc các đối thủ tiềm tàng phải tránh xa lục địa Mỹ cũng như ngăn ngừa các đòn tấn công bất ngờ nhằm vào những trung tâm công nghiệp của Mỹ.

Sự phát triển của vũ khí đạn đạo cũng như tàu ngầm hạt nhân đã khiến cho những tính toán này không còn chính xác hoàn toàn nữa nhưng những căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài, trong đó đặc biệt là tại châu Âu, vẫn không mất đi lợi thế mang tính chiến lược của chúng. Các căn cứ quân sự của Mỹ vẫn là trung tâm đầu não giúp Mỹ triển khai quân đến các điểm nóng trên khắp thế giới ở mức nhanh nhất có thể, có khả năng điều phối các chiến dịch quân sự Mỹ tại chỗ, đồng thời là những cơ sở huấn luyện chiến đấu và trung tâm y tế hỗ trợ cho quân nhân Mỹ trong các chiến dịch tác chiến.

Do vậy, các căn cứ quân sự này hoạt động trước hết chính vì lợi ích an ninh của nước Mỹ.

Theo một thỏa thuận hồi năm 2014 thì các nước thành viên NATO phải đóng góp ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Ông Trump thường xuyên nêu lên con số 2% GDP này như là một trong những đòi hỏi bắt buộc để bảo đảm cho “tình bạn” bền vững của Mỹ, nhưng bản thân việc “số hóa” sự đóng góp đó đã mang tính cơ học, một chiều.

Trong số 28 thành viên NATO, đúng là chỉ có tám nước hiện đạt được mức chi tiêu quốc phòng bằng hoặc lớn hơn 2% GDP (khi ông Trump mới vào Nhà Trắng đầu năm 2017 thì mới có năm nước đạt chỉ tiêu này); tuy vậy, mức độ đóng góp phản ánh không chỉ qua tỷ lệ GDP mà còn vào con số tuyệt đối. Chẳng hạn như Đức, quốc gia lớn nhất và giàu có nhất trong các thành viên châu Âu NATO, tuy mới chỉ đạt mức 1,5% GDP dùng chi tiêu cho quốc phòng nhưng do là một nền kinh tế lớn, nước này đã đóng góp tới 54 tỷ USD/năm.

Nói cách khác, cáo buộc rằng các nước châu Âu đã không chịu chi tiền ra để bảo đảm an ninh cho chính mình, là không hoàn toàn chính xác. Nó chỉ phản ánh một thực tế: nước Mỹ dưới chính quyền ông Trump không còn cam chịu chấp nhận sự bất bình đẳng quá lớn trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh chung nữa.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ đang diễn ra hết sức quyết liệt, châu Âu dường như chẳng làm gì được để hỗ trợ Mỹ trong việc xử lý vấn đề an ninh lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc. Bởi nói đến chính sách của châu Âu đối với Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc không có một chính sách thống nhất nào. Với tính cách thực dụng của một nhà tỷ phú, ông Trump rõ ràng không chấp nhận thực tế đó.

Một mũi tên bắn rơi hai con nhạn

Chưa có một tuyên bố chính thức nào về thời hạn chính xác cho việc rút gần 10.000 quân khỏi Đức, nhưng chỉ riêng việc thông báo này được xác thực cũng đủ khiến cho nhiều quốc gia thành viên châu Âu trong NATO rúng động. Nếu chỉ tính riêng số quân Mỹ đồn trú ở Đức cùng với thân nhân của họ tổng cộng lên đến khoảng 50.000 người đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho 12 nghìn người Đức đang được thuê tại các căn cứ quân sự của Mỹ, chưa kể số người gián tiếp được hưởng lợi. Nay nếu quân Mỹ rút đi, chắc chắn là sẽ ảnh hưởng kinh tế đến số người này.

Một quan chức Đức đã ví von rằng nếu như đại dịch Covid-19 đã là cơn đột quỵ thứ nhất đối với bệnh nhân người Đức thì quyết định rút quân của Mỹ sẽ gây ra cơn đột quỵ thứ hai, khi bệnh nhân đang trên xe cứu thương tới bệnh viện!

Nhưng câu hỏi lớn hơn là ngoài hậu quả kinh tế, quyết định rút một phần quân Mỹ khỏi các căn cứ quân sự ở Đức sẽ dẫn tới những hệ lụy gì?

Chắc chắn, nó sẽ gây áp lực rất mạnh lên những người ra quyết định chính sách của Đức, buộc nước này phải cân nhắc về việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP. Điều này sẽ giúp làm giảm bớt áp lực cho Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga ở lục địa châu Âu.

Mặt khác, nếu Đức quyết định tăng chi ngân sách cho quốc phòng, khoản tiền bỏ ra này chạy đi đâu nếu không phải là dùng để mua vũ khí của Mỹ? Điều đó có nghĩa là tiền bạc lại chảy vào túi các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Một mũi tên bắn rơi hai con nhạn, tội gì mà Washington không gây sức ép?

Hơn thế nữa, với quyết định rút một phần quân Mỹ khỏi Đức trong một thời gian chưa xác định, thông điệp này của Mỹ đối với những “đồng minh” châu Âu còn lại, đặc biệt là những nước chưa đạt mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, chẳng phải đã hết sức rõ ràng sao: Muốn an toàn ư? Hãy chi thêm tiền!