“Thiên đường” của graffiti

Đến với Athens, bạn có thể chiêm ngưỡng những bức tranh phun sơn (graffiti) với tạo hình bắt mắt và rực rỡ sắc mầu ở bất cứ nơi đâu, từ đường lớn tới ngõ nhỏ, từ tòa nhà cao tầng tới dãy phố thấp tầng... Tại xứ sở của những vị thần trên đỉnh Olympus, bộ môn nghệ thuật đường phố này đã thổi hồn vào những không gian đô thị đơn điệu và khoác cho thủ đô của Hy Lạp tấm áo mới đầy năng động và sáng tạo. Được chính quyền cho phép và khuyến khích, Athens đã trở thành “thiên đường” của graffiti, nơi mọi khoảng trống đều có thể trở thành không gian nghệ thuật của giới trẻ.

“Thiên đường” của graffiti

Điểm nhấn đô thị độc đáo

Tản bộ trên những con phố Athens để thỏa sức ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật đầy ngẫu hứng của các nghệ sĩ đường phố đã trở thành một trải nghiệm khó quên của mọi du khách, khi có dịp đặt chân tới thủ đô của đất nước Hy Lạp. Thậm chí, tour khám phá nghệ thuật đường phố đã trở thành điểm nhấn thu hút giới trẻ đam mê sáng tạo đổ về đô thị cổ đầy hấp dẫn này.

Mọi phong cách graffiti đều hiện diện nơi đây, ở mọi khoảng trống bất kỳ trên đường phố. To cỡ mặt bên của một tòa nhà cao tầng, nhỏ chỉ khoảng vài mét vuông, tất cả đều trở thành phông nền lý tưởng cho các nghệ sĩ thỏa sức thể hiện. Từ tag style với những chữ ký loằng ngoằng đến throw up với những nét chữ có thêm đường viền, từ blockbuster style (những con chữ tạo nên bởi nhiều hình đều nhau có góc vuông sắc cạnh) tới free style (các chữ tách rời về khoảng cách với hoa văn trang trí phụ trợ). Từ 3D style (phong cách 3 D) tới art style (phong cách nghệ thuật) từ visual art (nghệ thuật thị giác), contemporary art (nghệ thuật đương đại) tới pop art (nghệ thuật đại chúng)...

Không chỉ đa dạng phong cách thể hiện, những chủ đề mà các tác phẩm hướng tới cũng vô cùng phong phú. Bức chân dung sống động của triết học gia cổ đại Platon sát bên dáng nằm buông xuôi đầy mệt mỏi của một người vô gia cư, kế bên đôi bàn tay thanh thoát là một chú chó đáng yêu, lướt qua con cú tuyệt đẹp là gặp một cô gái với vẻ mặt đầy ngạc nhiên, ngay sát chiếc xe thùng uốn lượn dòng chữ I’m a legend (Tôi là huyền thoại) là một nhà vệ sinh công cộng được trang trí như một vườn hoa khoe sắc... Thậm chí, theo ông Apostolos Fanoudis - Trưởng phòng phát triển kinh doanh của Argo Travel Group, người đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những ngày khám phá Hy Lạp, sự xuất hiện của graffiti đã trở thành động lực làm thay đổi rất nhiều cảnh quan thành phố. Nhiều công trình xây mới hoặc tân trang, nhiều nhà hàng cùng hiệu sách, trên xe bus hay tàu điện ngầm đều chuyển đổi từ phong cách trang trí truyền thống sang màu sắc hiện đại, trẻ trung in đậm dấu ấn graffiti. Có vẻ như khát vọng nghệ thuật của một bộ phận người trẻ đã tạo sức ảnh hưởng, bổ sung quan niệm thẩm mỹ và từ đó khiến cộng đồng chấp nhận và ủng hộ. Nhờ thế, loại hình nghệ thuật này đã định vị và có tiếng nói riêng trong dòng chảy đời sống đô thị.

Athens được coi là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Ở xứ sở này, mỗi cư dân dường như đều tiềm ẩn tố chất nghệ thuật. Cả thành phố trở thành một tấm toan khổng lồ để mỗi cá nhân đều có thể tự tạo nên một mảnh ghép và chung tay cùng hoàn thiện một bức tranh lan truyền những xúc cảm trẻ trung, tích cực. Đâu đó vẫn tồn tại những tiếng nói phản kháng, những thông điệp bi quan bất mãn được chuyển tải trên một số ít tác phẩm nhưng nhìn tổng thể, cả chính quyền lẫn cộng đồng dân cư đều ủng hộ graffiti, coi những tác phẩm ngẫu hứng này là một phần tất yếu không thể tách rời của đô thị có tuổi đời vài nghìn năm này và coi nó là nghệ thuật chính thống.

“Thiên đường” của graffiti ảnh 1

Từ kẻ tội đồ trở thành nghệ thuật đích thực

Tên gọi graffiti được bắt nguồn từ chữ graphein trong ngôn ngữ Hy Lạp, có nghĩa là viết. Sau này, nó trở thành graffito trong tiếng La-tinh mang ý nghĩa hình vẽ trên tường. Theo các nhà nghiên cứu, graffiti xuất hiện từ thời cổ đại, ở cả hai cái nôi của nền văn minh Hy - La là Hy Lạp và La Mã.

Gần nửa thế kỷ trước, ngay khi vừa trở thành trào lưu thời thượng, graffiti đã được coi là nghệ thuật của sự nổi loạn. Và nếu hiphop là một món ăn thì graffiti chính là thứ gia vị giúp món ăn đó mang một hương vị hoàn hảo hơn. Dù được xem là bộ môn nghệ thuật đường phố (street art) đầy hấp dẫn hay bị phán xét là vẽ bậy, bôi bẩn hoặc phá hoại không gian công cộng thì nó vẫn là nơi những cá nhân nổi loạn thể hiện cái tôi hoặc bày tỏ quan điểm riêng biệt của mình về xã hội. Luôn tạo ra những luồng dư luận trái chiều bởi ranh giới mong manh giữa tính hợp pháp và bất hợp pháp, graffiti nhận được những phản ứng khác nhau. Ở nơi này, những người vẽ graffiti được trân trọng gọi là nghệ sĩ nhưng ở nơi khác có thể bị coi là tội phạm, phải nhận những hình phạt nghiêm khắc từ phạt tiền đến ngồi tù!

Graffiti được cộng đồng nghệ thuật và công chúng ủng hộ khi nó xuất hiện đúng chỗ, đúng nơi và chuyển tải những thông điệp xã hội mạnh mẽ. Hiện nay, thái độ ứng xử với graffiti tại nhiều thành phố lớn đã dần thay đổi. Bogota (Columbia) và Lisbon (Bồ Đào Nha) có chính sách khuyến khích. Tel Aviv (Israel) ôm ấp tham vọng trở thành thủ phủ thế giới của graffiti. Miami (Mỹ) cùng Stockholm (Thuỵ Điển) hình thành những con hẻm nghệ thuật. Và mê cung Laneway Degrave - ngõ nhỏ đặc trưng của Melbourne (Australia) luôn chật kín du khách nhờ những mảng tường phủ kín tác phẩm graffiti.

Thay vì cấm đoán, ban hành chế tài xử phạt nghiêm khắc, Athens chọn cách mở cửa một cách có kiểm soát cho graffiti. Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ, khi những bức tranh phun sơn có giá trị thẩm mỹ và thông điệp nghệ thuật rõ ràng mà tôi bắt gặp trên đường phố chiếm tỷ lệ tới khoảng 50%. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đủ sức mê hoặc cả những du khách khó tính nhất. Và dù phóng tay sáng tác khắp mọi nơi, các nghệ sĩ đường phố vẫn dành sự tôn trọng và tuyệt đối không xâm phạm các công trình kiến trúc cổ kính, những khoảng không đã được chủ nhân trang trí theo một ý tưởng xuyên suốt.

Ông Apostolos Fanoudis từng chia sẻ với vẻ tự hào không giấu giếm: “Athens không hổ danh là thiên đường của graffiti. Đến với những địa điểm được người trẻ đam mê nghệ thuật thị giác yêu thích như Berlin (Đức), Melbourne (Australia), Santiago (Chile)... các bạn chỉ có thể thưởng thức những bức tranh phun sơn ở một vài địa điểm cố định được cho phép. Chỉ Athens mới có thể biến cả đô thị thành một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời, vài ngày lang thang mỏi chân cũng chưa thể khám phá hết”.