Một cuộc đua tranh khốc liệt

Gay cấn như phim trinh thám

Người ủng hộ liên danh Biden - Harris ăn mừng ở Oakland. Ảnh: AP
Người ủng hộ liên danh Biden - Harris ăn mừng ở Oakland. Ảnh: AP

Tối 7-11 theo giờ Việt Nam, sau khi tòa án bác bỏ yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang Pennsylvania, các hãng thông tấn lớn của Mỹ đồng loạt đưa tin ông Joseph Biden đã chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng với 290 phiếu đại cử tri, trở thành vị Tổng thống thứ 46 trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đấy là một cuộc đua khốc liệt với những tình tiết biến đổi liên tục, những diễn biến bất ngờ tưởng chừng chỉ có trong những bộ phim trinh thám hồi hộp. Ông Trump khởi đầu như vũ bão với hàng loạt các bang nhanh chóng được nhuộm đỏ, màu sắc ủng hộ đảng Cộng hòa. Chiến thắng ở bang Florida, một trong những bang chiến địa cực kỳ quan trọng đối với cả hai đảng đã khiến cho ông Trump cực kỳ phấn khởi. Ngay ở chiến địa Pennylvania, có những thời điểm ông Trump vượt qua ông Biden với chênh lệch lên đến 700.000 ngàn phiếu, một con số đủ làm nản lòng bất cứ đối thủ nào.

Những kết quả khả quan ban đầu đó khiến ông Trump vô cùng tự tin, họp báo tuyên bố chiến thắng từ rất sớm. Thậm chí, trong niềm hứng khởi, ông Trump còn nói với những người ủng hộ mình rằng “thật ra chúng ta có cần chiến thắng ở tất cả các bang hay không?”.

Nhưng ở cuộc bầu cử năm nay xuất hiện một “đối tác” mà ông Trump, vốn tự cho mình là một nhà thương thuyết đại tài, đã không thể nào thỏa thuận được: Covid-19. Đại dịch này đã tàn phá nước Mỹ, gây ra cái chết của hơn 220.000 ngàn người tính đến thời điểm bầu cử; nó cũng đồng thời khiến cho cử tri Mỹ năm nay tận dụng những khả năng mà luật bầu cử cho phép: đi bầu cử sớm hoặc gửi phiếu bầu cử qua đường bưu điện, cả hai hình thức đều đạt đến mức kỷ lục trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đây chính là điểm mấu chốt tạo ra những bước ngoặt vô cùng kịch tính trong cuộc bầu cử, bởi trong số những cử tri đi bầu cử sớm (trực tiếp) hoặc gửi phiếu bầu qua đường bưu điện (do lo ngại dịch Covid-19), đa phần đều ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân chủ!

Chính vì vậy mà ngoại trừ một số bang truyền thống ủng hộ mỗi đảng không thay đổi lập trường nên kết quả có thể dự đoán trước, hai đối thủ đã bám đuổi sít sao ở những bang chiến địa, nơi mà trước khi diễn ra cuộc bầu cử các cử tri đã không bộc lộ rõ chính kiến sẽ bầu cho ai. Càng về cuối cuộc kiểm phiếu, khi mà số phiếu bầu cử sớm và gửi qua đường bưu điện được kiểm nhiều hơn, ở những bang mà trước đấy ông Trump dẫn trước ông Biden, khoảng cách chênh lệch ngày càng ngắn lại. Bắt đầu xuất hiện những cáo buộc gian lận phiếu bầu, những đòi hỏi của đảng Cộng hòa đòi được giám sát chặt chẽ hơn quá trình kiểm phiếu.

Đến khi ông Biden lần lượt san bằng rồi sau đó vượt lên về số phiếu so với ông Trump, các bang chiến địa then chốt như Arizona, Georgia, Pennsylvania lần lượt chuyển xanh thì số lượng các lời cáo buộc cũng tăng lên nhanh chóng.

Hứa hẹn những rắc rối pháp lý ở phía trước

Nhưng đúng với tính cách của mình, ông Trump không dễ dàng chấp nhận thua cuộc. Ngay khi quá trình kiểm phiếu còn đang diễn ra, đội ngũ cố vấn pháp lý của ông Trump đã thực hiện một số đơn kiện tại những bang mà chiến dịch tranh cử của ông cho rằng quá trình kiểm phiếu đã không được thực hiện theo đúng luật.

Ngoại trừ một kiến nghị về việc tách riêng những phiếu gửi theo đường bưu điện nhận được tại bang Pennsylvania sau ngày 3-11 để kiểm riêng, hầu hết các kiến nghị còn lại của đội ngũ cố vấn pháp lý ông Trump đều bị bác bỏ.

Ngay cả khi các hãng thông tấn đồng loạt công bố kết quả phần thắng nghiêng về phía ông Biden và một số nhà lãnh đạo các quốc gia như Anh, Pháp, Đức gửi lời chúc mừng đến ông Biden, ông Trump, ít nhất là với vẻ bề ngoài, vẫn tự tin tuyên bố rằng “cuộc bầu cử năm nay còn lâu mới kết thúc”.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã ngay lập tức chuẩn bị cho các hành động pháp lý tiếp theo vô cùng rắc rối và tốn kém nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Trước mắt là vận động các nhà tài trợ chiến dịch tranh cử của ông Trump đóng góp 60 triệu USD cho các hoạt động này và con số có thể được yêu cầu tăng lên 100 triệu USD.

Những động thái này khiến người ta không khỏi nhớ về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 giữa ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Al Gore và ứng cử viên đảng Cộng hòa, Thống đốc bang Texas G.Bush.

Khi ấy, khoảng cách sít sao về số phiếu bầu giữa hai ứng cử viên này ở Florida đã dẫn tới một loạt các hành động pháp lý khiến phải 37 ngày sau ngày bỏ phiếu, nước Mỹ mới biết được vị tân Tổng thống là ai. Mà quyết định đó lại do Tòa án tối cao liên bang đưa ra, khiến cho nhiều nhà phân tích bình luận rằng Tổng thống Mỹ do tòa án chứ không phải là cử tri Mỹ quyết định.

Có thể hình dung ra rằng các hành động pháp lý mà phía đảng Cộng hòa và đội ngũ tranh cử của ông Trump sẽ tìm cách hướng đến nơi phân xử cuối cùng là Tòa án liên bang Mỹ. Chỉ tám ngày trước hôm bầu cử 3-11, Thượng viện Mỹ (do đảng Cộng hòa chiếm đa số) đã nhanh chóng thông qua ứng cử viên do Tổng thống Trump đề cử là nữ thẩm phán Amy Coney Barret, vào Tòa án liên bang Mỹ.

Quyết định này đã nâng số thẩm phán theo đường lối bảo thủ của đảng Cộng hòa trong Tòa án liên bang lên sáu người, so với ba thẩm phán theo đường lối tiến bộ. Nếu các vụ kiện được đẩy lên Tòa án liên bang, chắc chắn sẽ gây nên những tranh cãi lớn của cả hai bên. Một nước Mỹ bị phân cực do cuộc bầu cử sẽ tiếp tục chia rẽ nếu như quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng diễn ra không êm thấm.

“Thuốc thử” Covid-19

Trong khi các hành động pháp lý của cả hai phía vẫn tiếp tục thì ông Biden cũng đã đi những bước đầu tiên nhằm chuẩn bị cho các hoạt động trên cương vị tân Tổng thống của nước Mỹ. Mà nhiệm vụ khó khăn hơn cả chính là phải xử lý di sản nặng nề do chính quyền tiền nhiệm để lại.

Cấp bách nhất chính là xử lý đại dịch Covid-19 đang tiếp tục tổng tấn công nước Mỹ với những làn sóng ngày càng hung hãn. Quyết định nới lỏng giãn cách xã hội từng phần nhằm cứu vãn nền kinh tế đã phải trả giá cực đắt. Ngay trong những ngày bầu cử căng thẳng, nước Mỹ đã phải ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ ở mức cao chưa từng thấy, trên 120.000 ca mỗi ngày. Bản thân nước Mỹ cũng đang đứng đầu thế giới với hơn 10 triệu ca mắc Covid-19, hơn 242.000 ca tử vong, trở thành quốc gia bị tàn phá nặng nề nhất bởi dịch bệnh này.

Covid-19 đã từng là một lá bài quan trọng trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Từ một tiến trình chính trị bầu chọn Tổng thống, cuộc bầu cử trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về cách thức xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại của chính quyền ông Trump, mà nổi cộm nhất là cách thức xử lý đại dịch Covid-19. Khi cuộc bầu cử đã kết thúc thì giờ là lúc phải nhanh chóng chặn đứng sức tàn phá của đại dịch thế kỷ.

Có thể hình dung ra một nước Mỹ đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng dưới chính quyền của ông Biden. Những hướng dẫn nghiêm khắc về giãn cách xã hội sẽ được gấp rút triển khai. Miễn phí xét nghiệm cho toàn bộ người dân Mỹ, đồng thời thiết lập hệ thống liên kết theo dõi tình trạng Covid-19 ở cấp quốc gia.

Trong khi ông Trump giao trách nhiệm chống dịch bệnh Covid-19 cho chính quyền các bang thì ông Biden đã không chỉ một lần khẳng định rằng chính cấp liên bang phải chịu trách nhiệm xử lý khủng hoảng với việc dùng ngân sách liên bang để giúp các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Đối với quy trình sản xuất vaccine chống Covid-19, ông Biden sẽ không thúc bách đẩy nhanh tiến độ vì những lý do chính trị mà để cho các nhà khoa học tự quyết định khi nào thì đưa vaccine vào thực tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đạo luật sản xuất quốc phòng sẽ được huy động để gia tăng xét nghiệm và sản xuất trang thiết bị vật tư y tế...

Bằng những giải pháp tổng hợp mà không chỉ một lần ông Biden từng tuyên bố cũng như khẳng định trong các cuộc tranh luận với ông Trump về cách thức xử lý dịch bệnh Covid-19 như vậy, ông Biden mới có khả năng đưa nước Mỹ ra khỏi một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của siêu cường số một thế giới. Việc xử lý đại dịch Covid-19 sẽ là “thuốc thử” nghiệt ngã đối với ông Biden. Những vấn đề khác, cả về đối nội lẫn đối ngoại, dù cho không kém phần cấp bách cũng được để lại sau trong nghị trình của tân Tổng thống Hoa Kỳ.

8_1-1606635323936.jpg
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris. Ảnh: AFP