Một bản kế hoạch thiên vị

Người Palestine mất quá nhiều!

Người Palestine biểu tình phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tại thành phố Gaza ngày 28-1. Ảnh: AP
Người Palestine biểu tình phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tại thành phố Gaza ngày 28-1. Ảnh: AP

Ngày cuối tháng 1, đứng bên cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng đã công bố văn kiện trứ danh dày 181 trang của ông: bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Với sự nhất trí của Thủ tướng Israel, điều đáng ngạc nhiên với nhiều người là trong bản kế hoạch này, người Palestine được hứa hẹn họ sẽ có một nhà nước! Nhưng với nhiều điều kiện kèm theo: phải tuân theo các điều kiện an ninh của Israel, không được trả tiền cho các tù nhân bị Israel giam giữ hay cho các gia đình những kẻ “tử vì đạo” mà phía Israel coi là “khủng bố”. Chính quyền Palestine cũng sẽ phải hạn chế mọi cuộc vận động trước các định chế quốc tế, mất quyền tham gia các hiệp ước. Nhà nước Palestine tương lai đó sẽ bị phi quân sự hóa và mất nhiều phần lãnh thổ cho Israel.

Về phần Israel cũng phải cam kết không được xây dựng các khu định cư mới trong bốn năm, thời gian diễn ra các cuộc đàm phán về nhà nước với người Palestine. Dường như, ngoài việc lần đầu công nhận một nhà nước Palestine với nhiều điều kiện, đây là một trong những nhượng bộ ấn tượng nhất của phía Israel với đại diện là Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, các khu định cư ở khu vực Cisjordani sẽ bị sáp nhập vào Israel.

Điều này có nghĩa là ông Trump đã đáp ứng được yêu cầu của lực lượng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa tại Israel trong khi hiển nhiên là theo luật quốc tế, những khu định cư này là bất hợp pháp vì nằm trong vùng bị chiếm đóng. Vùng thung lũng Jordan, dải đất rộng chiến lược trên khu vực biên giới với Jordani cũng thuộc về chủ quyền của Israel.

Đối với dải Gaza, khu vực hiện đang bị kiểm soát bởi lực lượng Hamas mà Israel coi là “khủng bố”, theo bản kế hoạch hòa bình này của ông Trump, sẽ bị phi quân sự hóa. Các phong trào như Hamas hay phe Hồi giáo cực đoan Jihad sẽ phải giao nộp vũ khí.

Phần hấp dẫn nhất!

Theo ông Trump thì những người dân ở dải Gaza hiện đang sống nghèo khổ và bị giữ làm “con tin”. Ông Trump cam kết nếu các điều kiện hội đủ, người dân ở Gaza sẽ có một cảng và nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế kể cả trên vùng lãnh thổ của Israel. Trong khuôn khổ thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai, dải Gaza có thể được kết nối với vùng Cisjordani bằng một đường tàu cao tốc.

Dường như đây là phần “hấp dẫn” nhất trong bản kế hoạch hòa bình của ông Trump, khi mà khía cạnh kinh tế được nhấn mạnh như một trong những “miếng mồi” ngon để người Palestine chấp nhận bản Kế hoạch hòa bình. Theo đó, người Palestine có thể nhận dưới dạng viện trợ và cho vay tín dụng lên tới 50 tỷ USD nếu tuân thủ các điều khoản trong bản kế hoạch, chẳng hạn chấm dứt giao tranh để giành thêm lãnh thổ.

Riêng về quy chế cho Jerusalem, một trong những vấn đề nhạy cảm then chốt trong mâu thuẫn khó dung hòa giữa Israel và Palestine, ông Trump không từ bỏ lập trường vốn đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của người Palestine và cả cộng đồng quốc tế, rằng Jerusalem là thủ đô của Israel và không thể bị chia cắt! Người Palestine, về phần mình, cũng sẽ có một thủ đô, nhưng phải nằm sau bức tường hay rào chắn an ninh hiện nay, nghĩa là ở khu vực bên ngoài Jerusalem! Những địa điểm thánh địa sẽ được giữ nguyên trạng.

Đối với hàng triệu người dân Palestine đang tỵ nạn ở nước ngoài, họ sẽ có ba lựa chọn: hoặc đến với nhà nước Palestine trong tương lai; ở lại nơi họ đang sinh sống, hoặc đến một nước thứ ba. Sẽ không có chuyện họ được phép quay trở về vùng lãnh thổ của Israel!

Tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Palestine-Israel luôn là nỗ lực của các Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ của mình và ông Trump không phải là ngoại lệ. Chỉ có điều, bản kế hoạch của ông Trump hoàn toàn thiên vị Israel!

Bị phản đối khắp nơi

Chỉ riêng việc Tổng thống Trump chỉ đứng với Thủ tướng Israel ở Nhà Trắng mà không có bất cứ một đại diện nào của Palestine hiện diện đã cho thấy bản kế hoạch hòa bình của ông khó có cơ may “sống sót”, khi mà đối tác của Israel là người Palestine hầu như không được tham vấn và đã phản đối kịch liệt ngay từ khi nó còn chưa ra đời.

Cho dù được ông Trump mô tả là “thỏa thuận thế kỷ”, là cơ hội cùng có lợi cho tất cả các bên, một giải pháp “hai nhà nước” thật sự để giải quyết mâu thuẫn kéo dài hàng thập niên giữa Israel và Palestine, thế nhưng với những điều khoản thiên vị rõ ràng Israel, nó giống như một văn bản hợp pháp hóa tình trạng hiện tại với ưu thế thuộc hoàn toàn về Tel Aviv, biến nó thành nguyên trạng vĩnh viễn.

Dĩ nhiên, nó rất khó được người Palestine và thế giới Arab chấp nhận.

Tổng thống Thổ nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Tổng thống D.Trump đề xuất về việc trao Jerusalem cho Israel là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” bởi vì kế hoạch này đã “bỏ qua quyền của người dân Palestine và nhằm hợp pháp hóa sự chiếm đóng của Israel”.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov lên tiếng trên đài truyền hình RT rằng những điều khoản của bản kế hoạch này rõ ràng đã “không phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc”.

Sau phiên họp khẩn tại Thủ đô Cairo của Ai Cập theo yêu cầu của phía Palestine, Liên đoàn Ả rập tuyên bố bác bỏ “thỏa thuận thế kỷ” giữa Mỹ và Israel vì nó “không đáp ứng quyền lợi tối thiểu và nguyện vọng của người dân Palestine”. Các quốc gia Arab cũng nhất trí không hợp tác với chính quyền Washington trong việc thi hành kế hoạch này và cảnh báo Israel không nên dùng vũ lực để thực thi nó.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đại diện cho hơn 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới ra tuyên bố phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, đồng thời kêu gọi 57 nước thành viên không hỗ trợ thực thi văn kiện này.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố bản kế hoạch, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas cho biết chính quyền Palestine sẽ không bao giờ chấp nhận kế hoạch này vì “quyền lợi của người dân Palestine không phải là thứ để mua bán và mặc cả”.

Chính quyền Palestine cũng đã thông báo với phía Israel về việc đoạn tuyệt mọi mối quan hệ với Israel và Mỹ, bao gồm cả khía cạnh an ninh. Trước đó, lực lượng an ninh của Israel và Palestine hợp tác giữ gìn trật tự tại khu Bờ Tây đang do phía Palestine kiểm soát. Phía Palestine cũng hủy các thỏa thuận hợp tác tình báo với Cục tình báo Trung ương Mỹ.

Một bản kế hoạch “nghi binh”?

Câu hỏi đặt ra là vì sao một thỏa thuận dường như có rất ít khả năng thành công bởi trên thực tế nó bị cả các quốc gia Arab lẫn người Palestine đồng lòng phản đối, nhưng lại vẫn được Mỹ và Israel công bố vào thời điểm này?

Đơn giản bởi vì nó đáp ứng những mục đích ngắn hạn nhưng cực kỳ quan trọng của cả Tổng thống D.Trump lẫn Thủ tướng B.Netanyahu. Ở Mỹ, Tổng thống D.Trump phải đối mặt với một phiên xét xử luận tội tại Thượng viện, sau khi Hạ viện đã thông qua tiến trình luận tội Tổng thống khá rùm beng. Ở Israel, Thủ tướng B.Netanyahu đang bị truy tố tội tham nhũng, lạm dụng tín nhiệm và gian lận trong ba vụ án riêng rẽ. Sau nhiều cố gắng, cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng B.Netanyahu đành phải từ bỏ nỗ lực yêu cầu quyền miễn trừ truy tố của Quốc hội với tội danh tham nhũng.

Cả Tổng thống D.Trump lẫn Thủ tướng B.Netanyahu cũng đều đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc bầu cử. Thủ tướng B.Netanyahu sẽ phải đọ sức với các địch thủ trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 3 tới, cuộc bầu cử thứ ba ở Israel trong vòng chưa đầy một năm; còn Tổng thống D.Trump sẽ phải cố gắng hiện thực hóa khả năng tái cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11-2020.

Như vậy, việc công bố bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông “lịch sử” ở thời điểm này, dẫu cho có biết chắc là nó sẽ bị phản đối, được cho rằng ít nhiều là “kế hoạch” đánh lạc hướng dư luận, chủ yếu là trong nước, để giúp hai ông thoát khỏi những rắc rối về các vấn đề chính trị-pháp lý.

Cho dù những cáo buộc đối với cả Tổng thống Mỹ lẫn Thủ tướng Israel đều khó có thể khiến hai ông phải rời nhiệm sở trong thời gian trước mắt, nhưng những rắc rối liên quan đến quá trình luận tội có thể khiến cả hai ông bị mất điểm trong thời điểm các cuộc bầu cử đang tới gần. Một điểm cộng về ngoại giao có thể thu hút sự chú ý của cử tri, tích điểm cho những cuộc bầu cử sẽ quyết định tương lai chính trị người đứng đầu chính phủ của Mỹ và Israel.

Mặt khác, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Trung Đông đang diễn ra gay gắt với vai trò mới nổi lên của nước Nga cùng với sự thách thức của Iran, một bản kế hoạch hòa bình, dẫu cho khó có thể trở thành hiện thực, cũng là một bảo đảm để truyền đi thông điệp rằng cả Mỹ và Israel đã và vẫn sẽ tiếp tục can dự vào các vấn đề an ninh khu vực, là những nhân tố không thể thiếu cho bất kỳ một thỏa thuận nào tại Trung Đông.

Còn bản kế hoạch đó có “sống sót” để trở thành hiện thực hay không, đấy là chuyện khác!