Món quà ta tự tặng cho mình

“Chị ơi, em là Linh, em sẽ qua chỗ chị lấy vải ạ”. “Chị ơi em là Ly, em sẽ may khẩu trang, nếu chị cần cho ai cứ nói em ạ”. Tôi chẳng biết họ là ai, chưa gặp bao giờ.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh phỏng vấn Giáo sư, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, Trưởng khoa Phổi bệnh viện Cochin - Paris (Pháp).
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh phỏng vấn Giáo sư, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, Trưởng khoa Phổi bệnh viện Cochin - Paris (Pháp).

Mạng xã hội mùa dịch bệnh khiến người ta xích lại gần nhau hơn, mọi khách khí có thể để sang một bên một cách dễ dàng. Tôi liên lạc với các giáo sư của Pháp để xin phỏng vấn, nếu bận thì thôi, không bận thì rất sẵn lòng. Tôi túm bất kỳ một người đang đi trên đường nào, hỏi cho tôi phỏng vấn điều tra một chút được không? Dạ được. Dịch bệnh làm người ta dễ dàng hơn, hay thời gian rộng rãi làm người ta dễ dàng hơn?

Nước Pháp từ khi có dịch bệnh đời sống bớt căng như dây đàn, không còn những hối hả chờ tàu, tất bật đợi xe, nhân gian như chỉ cần được nghỉ ngơi là trở nên đôn hậu.

Từ khi có dịch, từ đoàn kết được nói đến ở khắp mọi nơi, Tổng thống phát biểu cũng nói về đoàn kết. Thủ tướng phát biểu cũng nói về đoàn kết, nói nhiều đến độ khiến bật cười. Đoàn kết luôn là điều kiện cần cho mọi cuộc chiến, hóa ra chẳng có quốc gia, thể chế nào dám tỏ ra bất chấp, kể cả tôn sùng chủ nghĩa tự do.

Tôi rất tò mò muốn biết người Pháp đoàn kết theo cách nào. Tuân thủ mọi quy định của chính phủ ư? Cùng nhau vượt qua mọi khó khăn ư? Đùm bọc nhau người giàu giúp người nghèo, nhường cơm sẻ áo ư? Thế thì thật ra mọi nơi đều như nhau, không hề khác.

Nếu ở Việt Nam có tình nguyện viên thì ở Pháp cũng có. Nếu ở Việt Nam có hiến máu thì ở Pháp cũng làm. Nếu ở Việt Nam ủng hộ vật chất cho các y bác sĩ thì ở Pháp cũng có người xung phong nấu ăn cho bệnh viện, ủng hộ tiền cho các tổ chức y tế. Về cơ bản không khác. Tôi chỉ nhìn thấy sự khác trong tình thân ái của con người bình thường dành cho nhau. Những người không khổ hơn nhau, không nghèo hơn nhau, cùng stress như nhau vì bị giam trong nhà nhiều ngày, có thể sẽ thất nghiệp như nhau, có thể bị trừ lương thưởng như nhau.

Nó không phải tình đoàn kết giống như ta đem cho đi một thứ gì mà ta có, nó là sự đoàn kết ta thương người khác như thể thương mình.

Khu nhà tôi ở bắt đầu thấy xuất hiện những tờ giấy viết “tôi tên là Paul, tôi có thể giúp những người lớn tuổi trong building đi chợ mua đồ ăn, hoặc mua thuốc. Số điện thoại của tôi đây, tôi sẽ đi vào những ngày này trong tuần...”. Tiệm bánh mỳ đầu phố cũng xuất hiện một tờ giấy mầu vàng, “tôi là sinh viên ngành ngôn ngữ, tôi có thể trông con tại gia cho các y bác sĩ phải đi làm trong mùa dịch. Tôi làm tự nguyện, không tính phí, có thể trông một tuần hai buổi”. Siêu thị chỗ tôi hay đi, khách hàng đem khẩu trang tự may ra dúi cho nhân viên “che đi, các chị tiếp xúc nhiều người thế, nguy hiểm lắm”.

Món quà ta tự tặng cho mình ảnh 1

Khẩu trang được người dân tự may gửi tặng các lực lượng phòng, chống dịch.

Tôi không tận mắt thấy cảnh chen lấn tranh cướp mua hàng hóa nào, dù đi làm phóng sự ở siêu thị giá rẻ hay tại những siêu thị tại các quận sang trọng. Hàng hóa còn nhiều hay còn ít, đều không thấy cảnh ai cướp của ai cái gì, nhanh tay bỏ xe của mình để lại người khác ngơ ngác.

Một nhà hàng trong trung tâm Paris, thứ năm vừa nhập hàng để chuẩn bị bán cho cuối tuần, tối nghe lệnh đóng cửa toàn bộ các nhà hàng ngay trong ngày hôm sau, nghĩa là sẽ phải vứt hết thực phẩm đã nhập. Cô chủ quán vừa khóc vừa kêu gọi trên mạng xã hội rằng: các anh chị hãy giúp tôi, mỗi người ai muốn lấy gì chỉ cần mang hộp đến lấy, tôi không có đủ hộp để cho mọi người. Hãy giúp tôi, tôi không muốn phải tự tay vứt đi bất cứ thứ gì, đau lòng lắm vì tôi biết nhiều người còn không có mà ăn. Rồi tôi thấy người đến lấy lẫn người cho, đều ngậm ngùi cảm ơn nhau, dặn nhau cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tâm lý cộng đồng mùa dịch bệnh có lẽ là một tâm lý khá đặc biệt. Những nỗi lo mơ hồ về một căn bệnh rình rập, về cái chết có thể đến với người thân không hiển hiện rõ bằng cảm giác buồn chán, bất ổn, lo lắng về một tương lai nhiều bất trắc. Thậm chí hiện tại khốn khó.

Cũng như tất cả mọi nơi trên thế giới, nhiều doanh nghiệp Pháp đứng trước nguy cơ phá sản, nhiều người dân đứng trước nguy cơ mất việc. Bạn bè tôi hỏi nhau xem lương thưởng năm 2019 có còn được lĩnh, nếu lĩnh thì có còn được nguyên. Nhiều gia đình trẻ vào đời với dự định mua nhà đã đành phải bỏ khi ngân hàng tuyên bố tăng lãi suất. Con trai tôi lo lắng hè này không xin được thực tập, năm tới không ai cần sinh viên đi làm theo dạng bán thời gian để kiến tập.

Nỗi lo về cái chết rình rập có vẻ không đủ mạnh, minh chứng bằng việc người ta không ở nhà mà vẫn tìm cách ra phố để thở hít khí trời, để thấy mình còn mỗi liên hệ thực tế với xã hội chứ không chỉ là ảo, nhưng nỗi lo về đời sống khiến người ta căng thẳng hơn, dễ stress hơn, dễ tiêu cực. Pháp đã có án mạng chồng giết vợ, đã có cảnh hàng xóm tố cáo nhau khi thấy anh em họ tá túc trong nhà bởi luật là ai phải ở đúng nhà nấy.

Cách đây chỉ hơn một tháng, trên báo chí Pháp viết về tệ phân biệt chủng tộc đối với người Á Đông, cảnh báo để những hiện tượng lẻ tẻ không trở thành một làn sóng. Sống tại Pháp, tôi đã khá ngạc nhiên vì ngoài việc ai đó bị từ chối bắt tay, bị nhổ bọt, bị nói dăm ba câu nặng lời thì chưa thấy có gì bạo lực hơn. Tôi cũng đã từng khá ngạc nhiên vì báo chí Pháp hầu như chỉ nhắc rất lướt qua về bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên là một khách du lịch Trung Quốc hơn 80 tuổi. Sau này thì tôi hiểu, nếu chỉ cần xoáy sâu hơn một chút thì liệu những khu phố châu Á tại Paris và các thành phố khác có tránh được ảnh hưởng bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hay sinh viên châu Á có thể sống yên ổn.

Đoàn kết, hóa ra không phải chỉ là đứng cạnh chính phủ, tuân thủ những quy định xã hội. Cũng không chỉ là tham gia vào những phong trào xã hội, mà là thái độ sống. Ta biết trước xã hội chắc chắn sẽ bước ra khỏi dịch bệnh với những khủng hoảng về nhiều mặt, tâm lý con người sẽ trở nên phức tạp, dễ tổn thương, đoàn kết chính là để cố gắng triệt tiêu đi những hậu họa, những di chứng tinh thần mà thảm dịch để lại cho con người. Những di chứng này, đôi khi không hiện hữu để dễ dàng nhìn thấy những sức phá hủy của nó cũng khôn lường.

Đoàn kết, hóa ra không phải là món quà mà ta mang tặng cho người khác, là sự hy sinh mà ta cứ ngỡ mang tặng cho xã hội, hóa ra nó là món quà mà ta tặng cho chính mình. Đoàn kết để bảo vệ cộng đồng nhưng đoàn kết lại cũng là liệu pháp để tự bảo vệ tinh thần, lý trí và tình cảm của bản thân trước những sức ép đổi thay của đời sống, lại là đời sống của một cơn thảm dịch có tính chất toàn cầu. Đừng ai nghĩ mình sẽ không bị tác động.

Con tôi hỏi “mẹ, mình sẽ làm gì? có đăng ký vào lực lượng tình nguyện quốc gia của Pháp không?”. Tôi bảo có, đấy không phải cơ hội mà tôi nghĩ sẽ mang lại cho người khác, mà là cơ hội cho chính mình, để nhiều năm nữa sẽ không phải lúng túng khi tự hỏi “lúc ấy ta làm gì, ở đâu”.

Món quà ta tự tặng cho mình ảnh 2

Nước Pháp cũng đang trong những ngày cách ly xã hội, để chống dịch Covid-19.