Yêu âm nhạc dân tộc qua làn điệu quê hương

Những năm gần đây, nhiều trường học ở TP Hồ Chí Minh nỗ lực giúp học sinh tiếp xúc với âm nhạc dân tộc. Từ những buổi sinh hoạt như thế, các em đã dần cảm thụ và yêu hơn những giai điệu ngọt ngào của quê hương.
Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản hứng thú khi tiếp cận âm nhạc truyền thống.
Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản hứng thú khi tiếp cận âm nhạc truyền thống.

Ngày 22-11 vừa qua, học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản (quận 2) có một buổi sinh hoạt đặc biệt. Chiều hôm ấy, các em được các cô, các chú nghệ sĩ của Trung tâm văn hóa TP Hồ Chí Minh giới thiệu về âm nhạc dân tộc. Gần 16 giờ, chương trình bắt đầu. Các nghệ sĩ lần lượt biểu diễn những bài dân ca ba miền khá quen thuộc: Trống cơm, Lý kéo chài, Lý dĩa bánh bò…

Sau những ca khúc dân ca ngọt ngào, nhà giáo, nghệ sĩ Nhứt Dũng đã cho học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản làm quen với từng loại nhạc cụ dân tộc. Bằng sự hướng dẫn nhiệt tình của ông, những bạn nhỏ đã biết được vì sao đàn nhị lại có tên khác rất Nam Bộ là đờn cò, bộ gõ có vị trí thế nào trong âm nhạc dân tộc, vì sao đàn tranh lại phát ra những âm thanh nghe réo rắt như tiếng suối… Sau mỗi lần giới thiệu, nghệ sĩ Nhứt Dũng đều có câu hỏi kèm theo những phần quà hấp dẫn. Và dù nhiều bạn lần đầu được tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc nhưng sân trường hôm ấy vẫn rợp những cánh tay xin trả lời câu hỏi của chương trình. Điều quan trọng nhất là các em đã cảm nhận được cái hay và nét độc đáo của những nhạc cụ làm nên bản sắc văn hóa của đất nước mình.

Anh Phạm Thái Bình, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi khi xây dựng chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường, trung tâm cố gắng cho các em tiếp xúc nhiều loại hình âm nhạc quê hương như dân ca, ca cổ, đờn ca tài tử… Cuối chương trình, Ban tổ chức còn cho các em làm quen với cải lương qua những trích đoạn nổi tiếng do các nghệ sĩ tên tuổi thể hiện.

Là người có mặt “trên từng cây số” với chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường, nghệ sĩ Minh Đức luôn diễn hết mình để giúp các em cảm nhận trọn vẹn cái hay, cái đẹp của loại hình âm nhạc truyền thống. Trong chương trình phục vụ học sinh Trường Trần Quốc Toản lần này, anh cùng NSƯT Lam Tuyền diễn trích đoạn vở cải lương Lục Vân Tiên, tiết mục trở thành điểm nhấn đặc sắc để kết thúc chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử và âm nhạc dân tộc hôm ấy. Theo chị Trần Ngọc Lan, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật dân gian - Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, tùy vào điều kiện từng trường, chương trình sẽ tổ chức thêm nội dung dạy hát dân ca, hay những bản tài tử quen thuộc, vui tươi, gần gũi với thiếu nhi, với mong muốn cho các em tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc dân tộc.

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (quận 2) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trường luôn khuyến khích thầy, cô giáo cho học sinh làm quen với âm nhạc truyền thống. Thời gian vừa qua, trường đã tổ chức cuộc thi viết lời mới cho dân ca. Cuộc thi đã được các em hưởng ứng nhiệt tình. Những buổi đưa âm nhạc tài tử vào trường học sẽ dần dần giúp khơi gợi cho các em tình yêu với loại hình âm nhạc này. Các em sẽ được giáo dục về tình yêu quê hương, yêu những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2 Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để âm nhạc dân tộc thật sự “sống” trong trường học, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp. Hiện nay, chương trình âm nhạc trong nhà trường vẫn chưa có nội dung giảng dạy âm nhạc dân tộc. Đội ngũ giáo viên am hiểu âm nhạc truyền thống, nhất là việc trang bị nhạc cụ dân tộc trong nhà trường, vẫn còn thiếu rất nhiều. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn, phát triển âm nhạc dân tộc hiện nay.