Xây dựng, phát triển văn hóa, con người đi vào chiều sâu

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết số 33), TP Hồ Chí Minh đã đạt những kết quả tích cực. Những truyền thống tốt đẹp, đức tính đặc trưng của người dân thành phố được phát huy, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa ngày càng được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân.

Chương trình Ðưa âm nhạc quê hương vào trường học do Trung tâm văn hóa thành phố tổ chức thực hiện tại Trường THCS Trần Quốc Toản, quận 2.
Chương trình Ðưa âm nhạc quê hương vào trường học do Trung tâm văn hóa thành phố tổ chức thực hiện tại Trường THCS Trần Quốc Toản, quận 2.

Thời gian qua, thành phố đã tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, cộng đồng xã hội. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được xây dựng văn hóa theo tiêu chí văn minh - sạch đẹp - an toàn, kết hợp với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từng cơ quan, đơn vị đã tiến hành loại bỏ những thủ tục gây phiền hà cho người dân, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, văn minh lịch sự trong giao tiếp ứng xử, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ðồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: 5 năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư công tác xây dựng đời sống văn hóa trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia nhằm chăm lo phát triển văn hóa, củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú. "Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với trọng tâm là các phong trào người tốt - việc tốt, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố - ấp văn hóa, điểm sáng văn hóa…đạt nhiều kết quả tích cực. Các phong trào này đã phát triển sâu rộng, lan tỏa, tính tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố ngày càng cao", đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 33, quận 10 đã chỉ đạo, từng bước nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Ðến nay, quận có 13 trong tổng số 15 phường được công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 79 khu phố văn hóa, 155 cơ quan, đơn vị văn hóa, 11 doanh nghiệp văn hóa, 43 mô hình văn hóa. Theo Trưởng phòng Văn hóa và thông tin quận 10 Nguyễn Hữu Thanh, thông qua các phong trào, cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhiều phong trào đã phát triển mạnh mẽ, được người dân đồng tình ủng hộ, cam kết thực hiện như: Phong trào "Toàn dân tham gia phòng ngừa, tấn công, tố giác tội phạm", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phong trào "15 phút vì thành phố văn minh, sạch, đẹp", cuộc vận động "Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước"...

Từ việc thực hiện Nghị quyết số 33 thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền, người dân thành phố tiếp tục được bồi đắp, phát huy, trở thành nét văn hóa phổ biến. Hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn thành phố ngày càng phong phú, với nhiều tác phẩm có giá trị. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh nhận xét, những tác phẩm nghệ thuật của đơn vị nhà nước hay các đơn vị xã hội hóa ra mắt công chúng và được đón nhận nồng nhiệt trong thời gian qua như Tiên Nga, Dấu xưa, Cánh đồng rực lửa, Tổ quốc nơi cuối con đường, Châu về Hợp Phố, Rặng trâm bầu... đều phát huy chủ nghĩa yêu nước, tính nhân văn, phản ánh thực tiễn cuộc sống một cách sinh động, sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, những mặt trái của kinh tế thị trường, đã tác động tiêu cực không nhỏ đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Ðồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhận xét, sự xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội, ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng, đe dọa đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Ðảng. Những nỗ lực giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa chưa tạo nội lực đủ mạnh để tạo nên sức đề kháng trước sự xâm lấn, lây lan của những yếu tốc độc hại gây hủy hoại nhân cách, gây suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội. Những vụ bạo hành gia đình, bỏ mặc người bị nạn trên đường... xảy ra trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy hệ thống chuẩn mực xã hội đang bị lung lay.

Thời gian tới, để Nghị quyết số 33 đi vào chiều sâu, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn đến phát triển văn hóa, xây dựng con người. Trong xây dựng con người, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước và hoàn thiện nhân cách, trong đó xây dựng "con người thành phố" phải có lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, nhân ái, nghĩa tình. Các nhân tố văn hóa cần gắn kết chặt chẽ với đời sống và các hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp... Như vậy mới có thể biến thành nguồn lực nội sinh, yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững.