Xây dựng nền giáo dục chia sẻ

Xây dựng hệ thống giáo dục mở (nền giáo dục chia sẻ) tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là một chủ trương lớn của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập còn nhiều hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ.

Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tham khảo các kiến thức học tập trên trang web của nhà trường.
Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tham khảo các kiến thức học tập trên trang web của nhà trường.

Đánh giá về thực trạng tiếp thu tri thức của đội ngũ người lao động của nước ta hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn đội ngũ này vẫn còn nghèo nàn về tri thức, những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nguyên nhân chủ yếu do nền giáo dục còn khép kín, chưa mở ra những con đường tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức cho người học, nhất là cho lực lượng lao động. Hiện tượng này làm xuất hiện những "khoảng cách tri thức" giữa các cộng đồng dân cư, giữa các vùng kinh tế.

GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận:
"Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã đi được chặng đường khá dài, có nhiều thành tựu. Nhưng tại sao chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước trong khu vực còn khoảng cách lớn. Nếu cứ đà này thì đất nước sẽ tụt hậu xa hơn và người phải suy nghĩ trước tiên về sự tụt hậu này là chính những người được giao nhiệm vụ nặng nề: Ðào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Bởi một đất nước muốn phát triển thì phải có hệ thống đào tạo có đẳng cấp quốc tế, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn với người học, muốn có được tri thức đáp ứng yêu cầu công việc và sáng tạo thì cũng cần thay đổi nhận thức về cách tiếp cận tri thức bằng cách: học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cách học. Muốn làm được điều này, các trường đại học phải có hệ thống tài nguyên giáo dục mở phong phú, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu học tập suốt đời của mọi đối tượng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế kết nối". GS, TS Nguyễn Thị Doan cũng cho biết thêm, điều đáng lo lắng, suy nghĩ nhất để thực hiện việc chuyển đào tạo đại học theo hướng mở và xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở phục vụ học tập suốt đời lại nằm ngay trong tư duy, nhận thức của chính lãnh đạo nhiều trường đại học. Nhiều trường đã duy trì quá lâu một công nghệ đào tạo: từ khâu tuyển sinh đến phương pháp đào tạo kiểu hàn lâm nên đã kìm hãm sự phát triển của nhà trường.

Tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên này được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng đối tượng người học, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng giúp những người học tự trang bị tri thức cho mình. Ðể thực hiện được vấn đề này, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tài nguyên giáo dục mở giúp cho nhiều đối tượng, như: công chức, viên chức, người lao động, nông dân... có thêm nhiều kênh để học tập không bị cách ly với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay. Theo đó, việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở phải hướng đến hai vấn đề lớn: Thứ nhất, xây dựng kho tư liệu giáo dục càng lớn càng tốt dưới hình thức đầu tư phần mềm cho giáo dục thường xuyên. Qua đó, phát huy tinh thần hiếu học của người học và tạo cho họ năng lực tự học với cách học hiện đại, sử dụng các công nghệ học tập để truy cập, tiếp cận, sử dụng, phổ biến, chia sẻ tri thức. Thứ hai, xây dựng tài nguyên giáo dục mở cần kèm theo cơ chế chia sẻ tri thức từ tài nguyên giáo dục mở linh hoạt, đa dạng và phong phú về giá trị sử dụng để giúp người học tự học ở bất cứ đâu, thời gian nào.

PGS, TS Nguyễn Tiến Công (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 là vạn vật kết nối và do đó, điều kiện tất yếu cần có là phải có khoa học mở, truy cập mở, giáo dục mở và dữ liệu mở. Ðây là nguồn chứa tài liệu khổng lồ của nhân loại và cho phép mọi đối tượng được tiếp cận với tri thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau. Thực trạng nước ta hiện nay là đang có nhiều người khó có khả năng trả chi phí cho việc mua sách vở, đến trường lớp. Qua hệ thống giáo dục mở, các đối tượng này hoàn toàn có thể tự học, tích lũy kiến thức, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức, đặc biệt trong điều kiện mà nhân lực, vật lực của chúng ta còn rất hạn chế. Bằng việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, các trường đại học còn có thể đánh giá được những đóng góp của giảng viên, đồng thời nắm bắt được nhu cầu của người học để có kế hoạch cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học của trường mình. Việc cho phép truy cập mở đối với các chương trình đào tạo cũng giúp các trường thu thập được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, phản biện từ cộng đồng người đọc. Qua đó, góp phần cập nhật, cải tiến công tác dạy và học đạt kết quả ngày càng cao".

Theo các chuyên gia, nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới hiện đã chia sẻ nguồn học liệu miễn phí trên mạng từ rất lâu. Nước ta hiện nay có 50% dân số sử dụng in-tơ-nét và hàng trăm đơn vị đào tạo trực tuyến cho nên việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở có thuận lợi. Huy động tiềm năng, tiềm lực của các trường đại học và cách các trường đại học tham gia vào xây dựng xã hội học tập, chính là cách tốt nhất để huy động xã hội hóa nguồn lực trí tuệ. Tri thức càng chia sẻ thì tài nguyên giáo dục càng phát triển và càng bền vững. Ðây là kênh giáo dục quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khai thác, làm giàu thêm nguồn tài nguyên tri thức của đất nước.