Vượt lên số phận, sống có ích cho gia đình và xã hội

Không may bị tai nạn lao động, phải đối diện với vô vàn khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực và sự động viên, quan tâm của tổ chức công đoàn, không ít công nhân bị tai nạn lao động ở TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực vươn lên, sống có ích cho gia đình, xã hội…

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố thăm hỏi, động viên chị Mai Thị Kim Nhàn (ngồi giữa), ngụ phường 7, quận Phú Nhuận, bị tai nạn lao động phải nghỉ việc sớm.
Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố thăm hỏi, động viên chị Mai Thị Kim Nhàn (ngồi giữa), ngụ phường 7, quận Phú Nhuận, bị tai nạn lao động phải nghỉ việc sớm.

Trong đồng phục bảo vệ, với vẻ mặt cương nghị, anh Nguyễn Trường Sỹ cùng nhóm bảo vệ của một Trung tâm đào tạo cán bộ đóng tại phường 15 (quận 10) nhiệt tình hướng dẫn vị trí để xe, vị trí các lớp học cho học viên ra vào trung tâm. Bị mất bàn tay phải do tai nạn lao động nhưng anh Sỹ vẫn giữ được sự tháo vát, lúc thì đi kiểm tra các thiết bị điện bảo đảm an toàn cháy nổ, lúc lại túc trực tại chỗ để giữ an ninh trật tự cho toàn trung tâm vào giờ tan sở.

Năm 2000, anh Sỹ từ Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh xin việc và được nhận vào làm công nhân trực tiếp đứng máy tại Công ty Dệt Đông Nam (đường Âu Cơ, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Một năm sau, khi vừa tròn 20 tuổi, khi đã quen với công việc thì rủi ro ập đến với chàng trai trẻ này. Trong lúc thao tác với máy se bông, do sơ ý, máy đã cuốn gần hết bàn tay phải của anh Sỹ. Bị thương với tỷ lệ thương tật lên đến 58%, anh Sỹ phải nằm điều trị tại bệnh viện hơn một tháng. Sau khi xuất viện, anh được Công đoàn công ty hỗ trợ kinh phí cho đi an dưỡng để hồi phục sức khỏe và được bố trí làm việc tại một khâu nhẹ nhàng hơn.

Năm 2012, Công ty Dệt Đông Nam giải thể, anh Sỹ đưa vợ và hai con trở về quê nhà tìm việc. Anh Sỹ chia sẻ: “Tôi gõ cửa nhiều nơi nhưng rất khó kiếm được việc làm phù hợp. Xoay xở đủ việc nhưng chỉ kiếm được một, hai triệu đồng mỗi tháng, cộng với 1,1 triệu đồng/tháng tiền trợ cấp tai nạn của cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, không thể nuôi sống cả gia đình”. Đầu năm 2014, anh Sỹ để vợ con ở quê rồi quay lại TP Hồ Chí Minh xin vào làm nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Phi Long Hải, được phân công làm bảo vệ tại Trung tâm đào tạo cán bộ. Với thu nhập năm triệu đồng/tháng, được trung tâm lo ăn ở tại chỗ, anh Sỹ đã ổn định công việc tại đây gần 5 năm.

Anh nhận thấy công việc này phù hợp hoàn cảnh và sức khỏe, có điều kiện dành dụm tiền gửi về quê phụ giúp vợ con… Trong căn nhà nhỏ ở đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, anh Trần Văn Tài (37 tuổi), nhân viên bộ phận nghiên cứu kỹ thuật của Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa cùng vợ là công nhân làm chung công ty đang ríu rít với hai con nhỏ và cùng vào bếp chuẩn bị bữa cơm chiều. Năm 2004, khi còn làm việc ở bộ phận sản xuất, chỉ vì bất cẩn trong lúc sửa máy, anh Tài đã mất cánh tay phải do máy dập chạm phải. Với nghị lực của tuổi trẻ cùng sự quan tâm, động viên, hỗ trợ nhiệt tình từ Ban giám đốc đến Ban chấp hành Công đoàn công ty, anh Tài đã vượt qua, tiếp tục trụ lại với công việc cho đến hôm nay.

Anh Tài kể, một năm sau thời điểm tai nạn, anh được công ty bố trí làm ở bộ phận nghiên cứu kỹ thuật. Để bổ sung kiến thức thực hiện nhiệm vụ mới, năm 2006, anh Tài ôn tập và thi đậu vào Khoa Tự động hóa, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Hiện, anh Tài đã là kỹ sư và luôn tự tin với công việc nghiên cứu kỹ thuật tại đơn vị. Anh Tài tâm sự: “Không phải bị tai nạn lao động là mất tất cả. Nếu chúng ta có niềm tin và nghị lực cùng sự động viên, chia sẻ của gia đình, đồng nghiệp thì mọi khó khăn sẽ được hóa giải và giúp mọi người có thể chiến thắng số phận”…

Ngụ phường 17, quận Phú Nhuận, chị Mai Thị Kim Nhàn (sinh năm 1965), là công nhân phân xưởng bao bì thuộc Xí nghiệp chế biến nông thổ sản Phú Nhuận, đã phải nghỉ việc sớm vì tai nạn lao động. Kể lại tai nạn lao động cách đây hơn 20 năm, chị Nhàn rơm rớm nước mắt: “Lúc đó vừa vào ca đêm, tôi bỏ bao ni-lông vào máy xay, máy khựng lại thế là tôi điếng người khi bàn tay phải bị máy cuốn theo. Tỉnh lại trong bệnh viện, tôi không thể tin mình chỉ còn tay trái…”.

Phải mất vài tháng chị Nhàn mới vượt qua cú sốc này. Được gia đình động viên, Công đoàn công ty hỗ trợ, tiếp sức, chị tiếp tục làm việc. Với tỷ lệ thương tật 51%, chị Nhàn được bố trí làm bảo vệ công ty, nhưng chỉ một thời gian ngắn, chị nộp đơn xin nghỉ việc vì không đủ sức khỏe. Không có gia đình riêng, không có nhà, phải ở nhà các em cùng với người mẹ già, chị Nhàn quyết định phải đi làm thêm để không là gánh nặng cho các anh chị em trong gia đình. Từ đó đến nay, hằng ngày chị Nhàn làm công việc giúp việc nhà để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, đồng thời tham gia công tác địa phương cùng với Ban điều hành khu phố. Chị Nhàn chia sẻ: Liên đoàn Lao động quận Phú Nhuận, Liên đoàn Lao động thành phố thường xuyên đến thăm hỏi, động viên chị như một sự tiếp sức về tinh thần để chị cố gắng vươn lên, không đầu hàng số phận. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1-5) năm nay, đại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã đến thăm và trao tặng chị Nhàn sổ tiết kiệm 10 triệu đồng...

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ chia sẻ, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả sự chủ quan, thiếu kiến thức, mà nhiều người lao động phải chịu mất đi một phần cơ thể do tai nạn lao động. Không chỉ là nỗi đau thể xác, họ còn phải đối diện nỗi đau về tinh thần rất khó bù đắp. Thế nhưng, điều đáng quý là phần lớn họ không chịu đầu hàng số phận, luôn biết vượt qua nỗi đau để sống tốt, sống có ích cho xã hội. Ngoài việc thường xuyên chăm lo, động viên, Liên đoàn Lao động thành phố mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cuộc sống của những người lao động bị tai nạn, đồng thời chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, môi trường an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân để giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tai nạn khi làm việc…