Vật liệu và công nghệ mới để xây nhà ở xã hội

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đặt hàng các chuyên gia, doanh nghiệp phát triển vật liệu và công nghệ mới phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp. Đây được đánh giá là một giải pháp mới nhằm phát triển nguồn cung nhà ở xã hội đang rất khan hiếm.

Dự án Ehom3, đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân - một trong những dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.
Dự án Ehom3, đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân - một trong những dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho thấy, năm 2020, TP Hồ Chí Minh có khoảng 7.114 căn nhà (42,1%) thuộc phân khúc nhà ở cao cấp, 9.618 (56,9%) nhà trung cấp và 163 căn (1%) nhà thuộc phân khúc bình dân chào bán ra thị trường. Nguồn cung nhà ở giá thấp đã giảm đến 98,6% so với năm 2019. Trong khi đó, theo Đề án xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, hiện nay chỉ 20% số người lao động tại thành phố đủ khả năng mua nhà ở thương mại phân khúc trung cấp trở lên; 40% số người lao động chỉ đủ khả năng mua nhà ở thương mại giá thấp, 40% còn lại không đủ khả năng mua nhà để ở. Tiệm cận hơn, trong nhóm người lao động có khả năng mua nhà thương mại giá thấp, 44% số hộ có khả năng chi trả dưới 500 triệu đồng; 45% số hộ có khả năng chi trả từ 500 triệu đến một tỷ đồng. Như vậy, có đến 89% nhóm đối tượng thuộc diện thu nhập thấp có khả năng chi trả dưới một tỷ đồng cho một căn nhà/căn hộ để ở.
 
 Không chỉ khan hiếm về nguồn cung nhà giá rẻ, những người thu nhập thấp trong thời gian qua cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay để mua nhà. Mới đây, Quỹ Phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh (HOF) đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cấp vốn cho người thu nhập thấp vay mua nhà trước nguy cơ nguồn vốn bị cạn kiệt. Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc HOF, năm 2021, HOF được thành phố giao chỉ tiêu giải ngân 470 tỷ đồng cho người thu nhập thấp có nhu cầu vay mua nhà. Tuy nhiên, đến hết quý I, đơn vị này mới giải ngân được 96,64 tỷ đồng, đạt 20,56% kế hoạch. Số vốn 374 tỷ đồng còn lại, HOF đang chờ thành phố cấp bổ sung. Nếu không có thêm nguồn vốn sẽ rất khó khăn trong hoạt động hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay vốn mua nhà. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, mặc dù thành phố đã ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng lượng cung tăng không đáng kể, người lao động có thu nhập thấp vẫn rất thiếu nhà ở. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng, cơ cấu nhu cầu nhà ở sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội nhằm phục vụ người lao động có thu nhập thấp hoặc không ổn định.
 
 Trong bối cảnh nhà ở xã hội ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề xuất quy đổi 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội sang giá trị tài chính để Nhà nước chủ động xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, nhà ở phân khúc cao cấp sẽ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, phân khúc trung cấp, nhà ở bình dân phải đi xa hơn, bán kính khoảng 10 - 15 km. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát triển nhà ở giá thấp ở mức dưới 25 triệu đồng/m2 nếu cân đối lại quỹ đất; đồng thời thay đổi cơ chế ưu đãi về đất đai và thủ tục đầu tư để thiết kế dạng nhà ở thương mại giá rẻ. Trước đó, UBND thành phố cũng đã kiến nghị Trung ương ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp cũng như quỹ đất do các cơ quan nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra, thành phố nên có giải pháp phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền, để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh.
 
 Hiệp hội HoREA cũng đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành Nghị quyết về “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với một số cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng (bằng khoảng 50% mức chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội), thời hạn hoàn thành nộp tiền sử dụng đất dự án... nhằm cung ứng các loại căn hộ thương mại giá thấp với mức giá tối đa không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt, không quá 23 triệu đồng/m2 tại đô thị loại 1 và không quá 20 triệu đồng/m2 tại các tỉnh còn lại. Đề án này sẽ tạo điều kiện hình thành nguồn cung rất lớn về dự án nhà ở và sản phẩm nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội tại các địa phương, là phân khúc đầy tiềm năng mà các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cần xem xét để nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh, vừa bảo đảm lợi nhuận, vừa ít rủi ro, góp phần chia sẻ khó khăn với cộng đồng xã hội.