Tính toán số lượng cán bộ không chuyên trách phù hợp thực tiễn

Dự kiến sẽ có gần 2.300 cán bộ không chuyên trách tại TP Hồ Chí Minh phải nghỉ việc theo Tờ trình của UBND thành phố về số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn…

Người dân làm thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường 6, quận 3.
Người dân làm thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường 6, quận 3.

Tại kỳ họp thứ 20 HÐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 9 vừa diễn ra, bà Phạm Quỳnh Anh, Phó Trưởng ban Pháp chế HÐND thành phố cho biết, theo Tờ trình của UBND thành phố về số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn, đến tháng 12-2019, số lượng tổng hợp tại các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 6.787 người. Với đề án sắp xếp theo Nghị định số 34/NÐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về "Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố" thì thành phố sẽ dôi dư 2.299 người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn. Những trường hợp dôi dư này phải nghỉ việc, được đề nghị hỗ trợ thêm mỗi năm công tác với mức trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn. Sở Nội vụ thành phố dự kiến mức kinh phí chi trả chế độ cho 2.299 đối tượng nêu trên là 12 tỷ đồng/năm.

Cũng theo Tờ trình, đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn loại 1 sẽ chỉ có nhiều nhất là 14 người hoạt động không chuyên trách; đơn vị loại 2 có nhiều nhất là 12 người và đơn vị loại 3 nhiều nhất là 10 người. Việc cắt giảm này sẽ khiến quá tải công việc tại nhiều địa phương đông dân trên địa bàn thành phố.

Theo đại biểu HÐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Dung, dân số xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) hiện nay khoảng 170 nghìn người. Nếu áp theo quy định, xã này chỉ còn 14 cán bộ không chuyên trách (trước là 57). Với khối lượng công việc lớn như hiện nay thì việc giảm cán bộ không chuyên trách sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương vì chắc chắn 14 người sẽ không thể kham hết công việc. "TP Hồ Chí Minh cần kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho thành phố áp dụng Nghị định số 34/NÐ-CP đối với các phường, xã, thị trấn có dân số dưới 30 nghìn người; từ 30 nghìn người trở lên, cứ hơn 5.000 dân thì bố trí thêm một cán bộ không chuyên trách để đáp ứng yêu cầu công việc", đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung kiến nghị.

Ðại biểu Huỳnh Ðặng Hà Tuyên cũng cho biết, quận Bình Tân hiện có gần 800 ngàn nhân khẩu, trong đó, phường Bình Hưng Hòa A có đến hơn 126 ngàn dân. Với số dân đó thì phường Bình Hưng Hòa A cần có 65 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách để đảm đương công việc. Tuy nhiên, chiểu theo Nghị định số 34/NÐ-CP thì số cán bộ, công chức của phường phải giảm gần một nửa, xuống còn 37 người. Nếu bây giờ cắt giảm đột ngột thì bộ máy chính quyền phường sẽ không thể bảo đảm giải quyết hết công việc một cách kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.

Ghi nhận thực tế tại phường Bình Hưng Hòa A cho thấy, riêng lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, mỗi ngày phường tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ. Những lúc cao điểm thì con số này đến 500 - 600 hồ sơ. Riêng việc khai sinh, mỗi năm phường Bình Hưng Hòa A làm thủ tục cho hơn 1.000 em bé… Tất cả những đầu việc này đều do bốn cán bộ (hai cán bộ chuyên môn và hai cán bộ không chuyên trách) giải quyết. Hai cán bộ không chuyên trách có nhiệm vụ ngồi ở bộ phận "một cửa" để tiếp nhận, đọc hồ sơ, hướng dẫn và giải thích cho dân. Sau khi hồ sơ đầy đủ thì chuyển vào cho hai cán bộ chuyên môn để xác nhận. Với bốn cán bộ còn làm không xuể, giờ cắt giảm không biết sẽ giải quyết công việc thế nào.

Trước khó khăn nêu trên, đại biểu Huỳnh Ðặng Hà Tuyên kiến nghị, thành phố nên giao cho UBND các quận, huyện xây dựng lộ trình cắt giảm, đồng thời cho địa phương chủ động, có thời gian bố trí sắp xếp cán bộ phù hợp thực tế mỗi quận, huyện…

Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết, thành phố đã nhiều lần kiến nghị Trung ương, trong đó có Bộ Nội vụ, những giải pháp đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, có cả việc xin đến hết năm 2020 thành phố mới thực hiện Nghị định số 34/NÐ-CP. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ không đồng ý và cho rằng, dân số là yếu tố xác định phân loại phường, xã loại 1,2,3 chứ không cho phép tăng số lượng cán bộ không chuyên trách. Ðến cuối năm 2020, các địa phương trên địa bàn thành phố phải sắp xếp xong cán bộ không chuyên trách đúng theo Nghị định số 34/NÐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của HÐND thành phố.

Ðể các địa phương có thể hoàn thành được công việc, trong thời gian tới, thành phố sẽ tính toán thêm người làm nhưng phải bảo đảm nguyên tắc công tác chuyên môn nghiệp vụ thì không ký hợp đồng lao động mà phải là biên chế. Còn làm việc thời vụ đột xuất có thể ký hợp đồng. Quy chế sẽ được Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định…