Tìm cách hạn chế rác thải nhựa

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021.
Nhiều trường mẫu giáo trên địa bàn thành phố đã triển khai dùng túi giấy thay thế túi ni-lông.
Nhiều trường mẫu giáo trên địa bàn thành phố đã triển khai dùng túi giấy thay thế túi ni-lông.

Theo đó, từ ngày 1-8-2019, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Trong đó, hạn chế sử dụng nước uống đóng chai (có thể tích 330 đến 500 ml) trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (hơn 20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường. Không dùng ly nhựa, ống hút nhựa… sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hằng ngày của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế… và tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp. Bắt đầu từ năm 2020, Sở Tài chính thành phố sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần. UBND thành phố cũng yêu cầu đến hết ngày 31-12-2020, tất cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy; các tiểu thương tại chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… có hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni-lông cho người tiêu dùng; hướng đến việc tính phí túi, bao bì đựng hàng hóa đối với người tiêu dùng; nghiên cứu bố trí điểm thu hồi túi ni-lông đã qua sử dụng… Các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống… có chính sách giảm giá, tích lũy điểm cho những khách hàng có mang theo sản phẩm để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống… Ngoài ra, UBND thành phố cũng yêu cầu đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học.

Tại TP Hồ Chí Minh, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày, trong đó chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Thành phố hiện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa với chiến lược biến rác thành tài nguyên, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa vào thực tiễn.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai chương trình ERASMUS+ của Liên hiệp châu Âu tài trợ thực hiện dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông - Nam Á - châu Âu nhằm nâng cao năng lực đào tạo và giáo dục về tái chế nhựa ở Lào và Việt Nam. Dự án thực hiện từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2020 với 10 thành viên gồm các trường đại học và các đối tác công nghiệp chuyên ngành liên quan đến từ Lào, Việt Nam, Đan Mạch, Đức và Áo. Dự án tập trung tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp, các giảng viên và sinh viên về lĩnh vực tái chế nhựa và hỗ trợ quá trình tạo ra các sản phẩm nhựa và thay thế nhựa an toàn, thân thiện môi trường. Đến tháng 10-2020, dự án hỗ trợ thành lập hai trung tâm đào tạo và nghiên cứu về tái chế nhựa tại Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Lào. Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành viên tham gia dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông - Nam Á - châu Âu. Theo PGS, TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, để thực hiện vai trò thành viên của dự án, Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các khóa tập huấn về tái chế nhựa, đánh giá vi nhựa trong sản phẩm và môi trường, phân tích chất lượng sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn RoSH của châu Âu, nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng cũng như các bên liên quan. RoSH là tiêu chuẩn nhằm hạn chế nghiêm ngặt các thành phần độc hại như chì, thủy ngân… trong các thiết bị gia dụng, đồ chơi, thiết bị tiêu dùng. Trong năm 2019, trường sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xét nghiệm miễn phí về đánh giá vi nhựa trong sản phẩm nước uống và đánh giá an toàn sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn RoSH, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm nhựa vào thị trường châu Âu.