Tiêu thụ nông sản giúp nông dân

Những ngày này, trên nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện các điểm bán hàng “giải cứu” nông sản cho nông dân Hải Dương, Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Cẩm Mỹ (Ðồng Nai)… nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhiều người còn đưa xe đến tận nơi thu mua, sau đó mang về thành phố bán cho người dân với giá 0 đồng…

Gian hàng nông sản 0 đồng của Ðoàn Thanh niên phường 4, quận 3 thu hút nhiều người ủng hộ.
Gian hàng nông sản 0 đồng của Ðoàn Thanh niên phường 4, quận 3 thu hút nhiều người ủng hộ.

Trưa 26-2, tại một điểm tập kết rau, củ trên đường Bình Quới (phường 27, quận Bình Thạnh) xuất hiện tấm bảng nhỏ “Hướng về Hải Dương - Mỗi củ su hào là một nghĩa tình đồng bào”. Dừng xe tại điểm bán nông sản, anh Thanh Bình (ngụ TP Thủ Ðức) ghé vào mua liền 10 kg. “Xem báo, nghe đài thấy bà con Hải Dương đang phải vừa chống dịch, vừa lo ứng phó vì nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng không ai mua, thương lắm. Hôm nay tình cờ đi ngang, thấy rau, củ của địa phương này đã có mặt ở thành phố cho nên mình mua ủng hộ ngay. Mình không quan tâm giá cả, chỉ mong có thể chung tay giúp nông dân mau chóng vượt qua khó khăn”, anh Bình bộc bạch.

Chị Trang, quản lý điểm bán hàng nông sản này cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hải Dương quê nhà, chị cùng bạn bè lên kế hoạch “giải cứu” phần nào nông sản giúp nông dân. “Chúng tôi đã chuyển về thành phố 20 tấn bắp cải, su hào đều là nông sản của Hải Dương. Thấy mọi người đến mua ủng hộ mừng lắm. Chỉ trong buổi sáng đã bán gần hết”, chị Trang hồ hởi cho hay.

Gần đây, nhiều người đi ngang đường Cao Thắng (quận 3) đều dừng lại trước tấm bảng “Gian hàng nông sản 0 đồng, giải cứu nông sản giúp bà con tỉnh Hải Dương” nhận bắp cải và ủng hộ tiền “tùy tâm” để giúp đỡ nông dân vùng dịch vượt qua khó khăn. Ðây là ý tưởng của nhóm chị Thái Nguyệt Nhi kêu gọi trên mạng xã hội, sau đó cùng Ðoàn Thanh niên phường 4, quận 3 vận động thanh niên tình nguyện tham gia.

Nhận bắp cải tươi rói, cô Như Bình (60 tuổi, ngụ quận 10) xúc động: “Các bạn trẻ hăng say, nhiệt tình với hành động ý nghĩa này khiến tôi mừng lắm. Chúng ta hãy cùng nhau ủng hộ, chung một tấm lòng giúp đồng bào mình vượt khó, chiến thắng đại dịch”…

Với sự chủ động vào cuộc của Ðoàn Thanh niên, các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ… của phường đã chung sức, đồng lòng hỗ trợ nông dân Hải Dương. Phó Bí thư Ðoàn phường 4, quận 3 Nguyễn Tấn Phi cho biết, đoàn xe giải cứu nông sản cho người dân đã được tỉnh Hải Dương cấp phép cho vào TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình vận chuyển, xe chở nông sản đã qua các chốt kiểm dịch và khử khuẩn an toàn trước khi vào thành phố. Khi xe đến thành phố, các tình nguyện viên tập kết nông sản và phân phát cho người đi đường. Mỗi người có thể ủng hộ tùy tâm để nhóm thực hiện các đợt hỗ trợ tiếp theo. Sắp tới, nhóm tiếp tục nhập cà rốt và su hào để giúp nông dân vì số lượng nông sản tồn đọng rất lớn, rất cần sự chung tay của đồng bào cả nước nói chung và người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng…

Không chỉ nông dân Hải Dương gặp khó, nhiều nông sản của một số địa phương khác như Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Cẩm Mỹ (Ðồng Nai)…, cũng ách tắc đầu ra, không thể xuất khẩu do dịch. Mới đây, tại khuôn viên của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) miền nam (quận 1), cả trăm người đến mua ủng hộ bưởi đào của nông dân huyện Cẩm Mỹ (Ðồng Nai).

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp của Viện KHKTNN miền nam Ngô Xuân Chinh cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại đúng cao điểm tiêu thụ trước Tết khiến sản phẩm bưởi đào của nông dân không bán được. Qua khảo sát cho thấy, toàn huyện Cẩm Mỹ có từ 500 đến 600 tấn bưởi đào chưa có đầu ra. Viện đã phối hợp Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, Công đoàn cơ sở của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở ba điểm giải cứu tại các quận 1, 10 và 12. Giá bán hỗ trợ là 15.000 đồng/kg. Giá này rất rẻ bởi so với mọi năm, thương lái vào tận vườn cắt đã khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Chị Ðỗ Thị Ngọc Phượng (ngụ quận 1) cũng đang kêu gọi giải cứu nông sản Ðà Lạt không thể chuyển ra bắc. Tất cả bán đồng giá 10.000 đồng/kg. Chị Phượng cho hay, nếu bán hết toàn bộ số rau củ, sau khi trừ chi phí vận chuyển, dư ra được vài triệu đồng chị sẽ chuyển lại cho các nông hộ để họ mua hạt giống cho vụ mới…

Các hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh cũng đã tích cực tham gia “giải cứu” nông sản. Hệ thống MM Mega Market nhập lô hàng đầu tiên là 24,3 tấn rau quả, gồm su hào, cải bắp và ổi từ Hải Dương phân phối về các trung tâm của hệ thống tại Hà Nội, khu vực miền trung và miền nam. Giá nông sản theo tiêu chí “bán hàng không lợi nhuận” là 5.900 đồng/kg. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) bán hàng “giải cứu” của nông dân Hải Dương  với giá từ 3.900 đến 16.900 đồng/kg.

Giám đốc đối ngoại của MM Mega Market Trần Kim Nga cho biết, quá trình vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương đi các tỉnh, thành phố khác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch như: Xe chuyên chở hàng hóa thiết yếu phải có đủ xét nghiệm PCR trong vòng ba ngày (đối với lái xe, nhân viên đi theo xe chở hàng…); giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp vận tải; phun khử khuẩn toàn bộ xe chở hàng và phương tiện; tuân thủ nghiêm quy tắc 5K… Tại TP Hồ Chí Minh và khu vực miền trung, dự kiến sẽ có hai chuyến hàng “giải cứu” mỗi tuần, tổng sản lượng lên đến 70 tấn/tuần.