Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

TP Hồ Chí Minh đang đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục nhằm thực hiện hiệu quả, dẫn đầu cả nước về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD - ĐT). Để mục tiêu này trở thành hiện thực, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của hơn 90 nghìn thầy, cô giáo đang miệt mài thực hiện sứ mệnh cao cả “trồng người” tại thành phố mang tên Bác…

Lễ tuyên dương khen thưởng các gương điển hình ngành giáo dục và đào tạo thành phố năm 2020.
Lễ tuyên dương khen thưởng các gương điển hình ngành giáo dục và đào tạo thành phố năm 2020.

Hơn 30 năm đứng lớp, cô Hồ Thị Thanh Thảo, giáo viên môn địa lý Trường trung học phổ thông Củ Chi (huyện Củ Chi) gặp không ít khó khăn trong nghề nghiệp. Với sự tâm huyết của một giáo viên ở quê hương “Đất thép thành đồng” Củ Chi, cô đã vượt qua tất cả.

Cô Thanh Thảo chia sẻ: “Nghề giáo của mình nhiều khó khăn, trăn trở, có những lúc cũng khiến mình chùn bước, nhưng với tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng trong gia đình, truyền thống của quê hương Củ Chi không cho phép mình dừng bước. Từ những khó khăn về vật chất, tinh thần, rồi khó khăn từ áp lực của phụ huynh, từ xã hội… mình chấp nhận tất cả. Đến giờ này, đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, mình được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là niềm tự hào của bản thân. Mình thấy rất vui, có thể nói, con đường đi nhiều chông gai của mình đã được ghi nhận tương xứng”.

Với đặc thù của môn địa lý, cô Thanh Thảo rất quan tâm đến việc làm sao để truyền cho các em lòng yêu quê hương, đất nước, con người. Khi dạy các bài học liên quan đến quê hương Củ Chi, hay ở những địa danh khác của đất nước, cô luôn đổi mới trong cách truyền đạt bằng cả tâm huyết để trao truyền tình yêu quê hương đất nước, yêu con người Việt Nam đến các em học sinh.

Từ năm 2000 đến 2020, cô Thanh Thảo liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, hai lần được trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố. Từ năm 2003 đến nay, cô đã bồi dưỡng các em thi học sinh giỏi đạt 30 huy chương các loại cấp thành phố… Phần thưởng lần này là động lực tiếp sức cho cô Thanh Thảo vượt qua những khó khăn trong quá trình giảng dạy theo hướng đổi mới, sáng tạo, góp phần từng bước đưa giáo dục thành phố tiếp cận với nền giáo dục hiện đại của thế giới. Đồng thời, là nguồn năng lượng để cô truyền cảm hứng cho các thế hệ giáo viên trẻ của nhà trường yêu nghề, yêu học sinh, phấn đấu giảng dạy tốt và đạt được nhiều kết quả trong sự nghiệp “trồng người”. Tại TP Hồ Chí Minh, còn rất nhiều giáo viên không ngừng nỗ lực vươn lên như cô Thanh Thảo…

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là những nhân tố trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện các giải pháp đổi mới giáo dục để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế cho thành phố. Năm học vừa qua là năm học mà ngành GD-ĐT thành phố đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự tích cực, năng động, mỗi thầy, cô giáo đã sớm thích nghi qua hình thức dạy học trực tuyến, đưa năm học 2019 - 2020 về đích an toàn, tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành vào những năm học tiếp theo. Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra nhiệm vụ đối với ngành giáo dục thành phố phải “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm GD-ĐT của cả nước”. Trong thời gian tới, chính các thầy, cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu trên thành hiện thực, giúp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.

“Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi giáo viên phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nghề giáo là nghề đặc biệt, giáo viên vừa là kỹ sư kiến thiết nền tảng về tri thức và nhân cách cho học sinh, vừa là nghệ sĩ trên bục giảng để truyền cảm hứng, niềm đam mê và hoàn thiện tâm hồn cho những công dân trẻ. Thầy, cô giáo có tác động rất lớn đến nhân sinh quan, thái độ, tình cảm của học trò cho nên phải luôn trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực học tập để không bị lạc hậu trong kỷ nguyên số”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh...

Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới giáo dục, đây là sự đổi mới mang tính bản lề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự đổi mới này gặp không ít khó khăn đến từ những luồng tư tưởng cũ - mới; từ lộ trình thay đổi Chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2020 - 2021; từ việc triển khai các quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và từ những kỳ vọng ngành giáo dục sẽ tạo ra động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước, của thành phố trong giai đoạn mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, những khó khăn, thách thức mà ngành GD-ĐT thành phố đối mặt trong giai đoạn tới còn rất lớn. Khó khăn đó đến từ áp lực của một đô thị trung tâm, nơi thu hút rất đông nguồn nhân lực của cả nước. Đến từ việc bảo đảm an sinh, trong đó có việc đáp ứng chỗ học tốt cho con em lực lượng lao động đến từ mọi miền đất nước. Nhiệm vụ của ngành giáo dục là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành GD-ĐT thành phố phải chú ý nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thu hút nhiều hơn nữa những người giỏi, tâm huyết đến với nghề sư phạm và giúp thầy, cô giáo yên tâm công tác. Đội ngũ nhà giáo cần được nâng cao nhận thức, trang bị những kiến thức sát thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, phương pháp dạy học hiện đại, hướng đến việc giáo dục học sinh năng lực tự học, hội nhập và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Đây là yếu tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới ngành giáo dục thành phố, đổi mới chương trình và sách giáo khoa, do đó, phải ưu tiên đầu tư, ưu tiên triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ gắn với những nhu cầu đặc thù của thành phố…

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, ngành giáo dục thành phố có 73 tập thể và 131 nhà giáo được vinh danh, khen thưởng. Trong đó, có hai tập thể nhận Huân chương Lao động hạng nhì, một tập thể và một cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước; hai tập thể nhận Cờ thi đua của Chính phủ; bốn tập thể và 26 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…