Tiền đề cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Trong sáu tháng đầu năm 2020, cùng cả nước, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương, huy động cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện nhiệm vụ kép vừa ngăn chặn, xử lý tốt dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dù vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho sự phục hồi, tăng trưởng trong thời gian tới.

Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cho nên trong sáu tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP Hồ Chí Minh ước đạt 614.591 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%). Tuy nhiên, trong sự sụt giảm chung đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 403.540 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,8%).

Ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là nhờ vào bốn yếu tố: Nguồn cung sản phẩm, hành vi tiêu dùng, hệ thống phân phối và chương trình khuyến mãi. Theo lý giải của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu, giảm mua sắm qua chợ truyền thống, trung tâm thương mại, tăng chi tiêu qua hệ thống siêu thị và mua sắm trực tuyến. Nhờ hệ thống phân phối rộng khắp cùng với khả năng đáp ứng đầy đủ nguồn hàng dồi dào của doanh nghiệp (DN) cho nên sức mua của người dân trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn tăng mạnh. Việc các trung tâm thương mại, siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mại nhằm thu hút người tiêu dùng đến mua sắm trong và sau dịch cũng góp phần vực dậy ngành bán lẻ.

"Thành phố vẫn đang tổ chức chương trình "60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn thành phố" năm 2020 từ ngày 1-6 đến hết ngày 30-7. Chương trình là chuỗi khuyến mại tập trung kéo dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, kích cầu tiêu dùng xã hội, phục hồi sản xuất. Ðến nay, đã có 1.242 DN trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia 1.745 chương trình với tổng giá trị khuyến mại lên đến 146 tỷ đồng", đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết thêm.

Một điểm sáng đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố sáu tháng đầu năm 2020 chính là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố xác định đầu tư công là một trong những yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Từ đầu năm, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao kế hoạch đầu tư công trong năm với tổng số vốn gần 42 nghìn tỷ đồng. Vốn được bố trí có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên tập trung nguồn lực cho các chương trình đột phá của thành phố. UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án; đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án. Ðịnh kỳ hai tuần một lần, UBND thành phố tổ chức giao ban chuyên đề, nghe Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố, các chủ đầu tư báo cáo, rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án, qua đó xác định cụ thể khó khăn, vướng mắc phát sinh ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn để xử lý kịp thời.

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã đạt được kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 6-2020, khối lượng đầu tư công được giải ngân trên thực tế hơn 17.962 tỷ đồng, đạt 43,08% kế hoạch lập vốn, gấp hơn bốn lần về giá trị tuyệt đối, hơn ba lần về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2019. Thành phố phấn đấu đến tháng 10 đạt tỷ lệ giải ngân từ 80% trở lên, cả năm đạt từ 95% trở lên.

Bên cạnh đó, thành phố còn đạt được nhiều kết quả khả quan trong thực hiện các chỉ tiêu cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như y tế, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ.

Trong sáu tháng qua, thành phố có 18.493 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 246 nghìn tỷ đồng. Các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số của thành phố. Ðầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút được 2,01 tỷ USD.

Song song đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai với các biện pháp nghiêm ngặt. Thành phố đã triển khai các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động trên địa bàn thành phố; triển khai hỗ trợ những người gặp khó khăn do đại dịch, đồng thời chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ DN trên địa bàn với những chính sách thiết thực, cụ thể.

Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp, người dân, DN xác lập trạng thái ổn định trong hoạt động kinh tế - xã hội, dần đưa các hoạt động trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Về tổng thể, TP Hồ Chí Minh đã chủ động phòng, chống dịch Covid-19 một cách tích cực. Những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trong sáu tháng đầu năm là kết quả rất đáng ghi nhận.

Trong sáu tháng cuối năm 2020, bên cạnh việc tập trung chuẩn bị Ðại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ DN để duy trì, khôi phục kinh tế mạnh mẽ hơn nữa; tiếp tục hoàn thành đầu tư công, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước đưa thành phố phát triển vững chắc trong trạng thái bình thường mới.

Linh Nguyễn