Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo chiều sâu

TP Hồ Chí Minh là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của thành phố có dấu hiệu chững lại (dưới 10%/năm), cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch. Trước thực trạng này, thành phố cần có các giải pháp đồng bộ để duy trì, thúc đẩy các nhóm sản phẩm xuất khẩu có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao.

Sản xuất sản phẩm tại Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Sản xuất sản phẩm tại Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh đạt hơn 38 tỷ USD; chín tháng năm 2019, ước đạt 30,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, thành phố có nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị hơn một tỷ USD/năm. 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của thành phố gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt, may; giày dép; các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng thủy sản; gạo; cà-phê; phương tiện vận tải khác và phụ tùng; hàng rau quả; gỗ và sản phẩm gỗ. Dự kiến năm 2019, sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỷ USD; giày dép ước đạt 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ ước đạt 1,6 tỷ USD…

Xuất khẩu hàng hóa của thành phố dù vẫn liên tục phát triển nhưng đang có dấu hiệu chững lại do chịu tác động mạnh từ diễn biến kinh tế thế giới, nhất là xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tiến sĩ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Gần đây, xuất khẩu của thành phố đã và đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. Xuất khẩu vẫn theo mô hình tăng trưởng chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển. Sản phẩm truyền thống (dệt may, da giày, nông - thủy, hải sản, cao-su - hóa chất và đồ gỗ) vẫn giữ vị trí quan trọng, vì đây là sản phẩm quy mô xuất khẩu lớn, có lợi thế so sánh, có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, nhóm sản phẩm này đã đến ngưỡng tăng trưởng bão hòa và đang mất dần lợi thế do giá lao động và mặt bằng sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng, đồng thời mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa thấp. Trong khi đó, các mặt hàng điện tử, cơ khí chế tạo linh kiện, máy móc thiết bị... là sản phẩm có mức độ tinh vi cao, có tiềm năng, nhưng do nền tảng năng lực sản xuất và công nghệ còn thấp (chủ yếu thuộc doanh nghiệp FDI) cho nên giá trị xuất khẩu mang lại cho thành phố chưa cao.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, thành phố cần duy trì những nhóm ngành hiện hữu có quy mô xuất khẩu lớn, tạo nhiều công ăn việc làm và thu ngân sách cao như dệt may, da giày, nông - thủy, hải sản, cao-su - hóa chất và đồ gỗ theo lợi thế so sánh, nhưng phải tích cực chuẩn bị các nền tảng cho việc nâng cấp công nghiệp và dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu trong dài hạn.

Theo đó, cần giảm dần các hoạt động sản xuất hàng hóa thâm dụng lao động để chuyển sang cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn. Nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu thông qua các chính sách như nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu, chuyên môn hóa theo lợi thế so sánh của thành phố, tham gia vào các công đoạn thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa thị trường.

Tích cực chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thuộc nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, quan điểm chiến lược xuất khẩu của thành phố đến năm 2030 là chú trọng lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...).

Đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa thành phố và các tỉnh, thành phố phía nam. Cùng với đó, tập trung phát triển nhóm dịch vụ hỗ trợ xuất, nhập khẩu như phát triển dịch vụ logistics, tái cơ cấu thị trường, tận dụng tốt cơ hội thị trường của các quốc gia đã ký kết FTA, CPTPP.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: Phát triển xuất khẩu của thành phố là nhiệm vụ quan trọng nhưng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và doanh nghiệp. Thành phố cần xác định tình hình vị trí hàng hóa đang đứng ở đâu trong tổng thể thị trường hàng hóa thế giới để xây dựng định hướng phát triển phù hợp. Từ đó, xác định nguyên nhân và những vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu, đề xuất những giải pháp cụ thể và khả thi mà thành phố có thể triển khai, thực hiện trước mắt cũng như những giải pháp lâu dài.