Thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, việc đưa hàng hóa nông sản của nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) tại TP Hồ Chí Minh vào hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ còn gặp nhiều khó khăn. Để nông sản do nông dân làm ra dễ dàng tiêu thụ ở các hệ thống bán lẻ hiện đại, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì cần phải chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản…

Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại một siêu thị Co.opmart (quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại một siêu thị Co.opmart (quận 3, TP Hồ Chí Minh).

Theo Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có hiệu quả kinh tế cao. Hiện, thành phố có hơn 5.000 trang trại hộ gia đình; 104 HTX và 294 THT sản xuất nông nghiệp; các làng nghề truyền thống ở nông thôn đang dần được phục hồi tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn. Cái khó hiện nay là việc đưa hàng hóa nông sản vào hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối để làm tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, cho biết, nguyên nhân chính là hầu hết các mặt hàng của các cơ sở sản xuất, HTX, hộ nông dân tại các huyện, quận trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa quan tâm quảng bá sản phẩm... Cùng với đó, việc thu hút đầu tư xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ còn chậm; việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối gặp nhiều khó khăn khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương chưa được phát huy do các đơn vị chưa bảo đảm các quy chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp. Một số nhà cung ứng, sản xuất hàng hóa mặc dù có sản phẩm bảo đảm chất lượng nhưng do chậm thay đổi về mẫu mã, bao bì sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... theo yêu cầu của nhà phân phối nên không cung ứng được hàng hóa vào hệ thống phân phối.

Bà Trần Xuân Trang, Trưởng phòng Huấn luyện, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho hay: “Cả nước có hơn 800 sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc sản có giá trị kinh tế cao, song mới chỉ có 60 nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng chỉ dẫn địa lý; khoảng 160 nhãn hiệu đặc sản đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý. Sản phẩm được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài rất ít.

Hiện nay, chúng ta không nên đi theo lối mòn sản xuất, kinh doanh và làm nông nghiệp theo cách truyền thống. Các tập đoàn quốc tế dù được người tiêu dùng biết đến trên toàn cầu vẫn dành một khoản ngân sách không nhỏ cho hoạt động xây dựng thương hiệu. Do vậy, chúng ta cần bắt tay xây dựng thương hiệu ngay từ khi có ý tưởng phát triển sản phẩm mới, và nhất là khi hoàn chỉnh sản phẩm...”.

Số liệu từ Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho thấy, trong năm 2019, Saigon Co.op chỉ ký được gần 20 hợp đồng thương mại cung ứng hàng hóa nông sản với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tạo nguồn cung ổn định cho đơn vị. Bà Nguyễn Thanh Phượng, phụ trách thu mua nông sản của Saigon Co.op cho hay, từ chương trình hợp tác thương mại giữa thành phố với các tỉnh, thành phố ở Nam Bộ, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu với thị trường tiêu thụ thành phố. Việc thu mua được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, bảo đảm phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống trên cả nước. Saigon Co.op chọn lọc cùng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín, chất lượng tốt, sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của siêu thị Co.opmart, bảo đảm đầu ra và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các HTX, THT, doanh nghiệp ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên dành khu vực nuôi trồng riêng cho kênh siêu thị. Các đơn vị cần có sự cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc...

Nhiều chuyên gia cho rằng, để hàng hóa nông sản của nông dân, THT, HTX vào được các kênh phân phối hiện đại, các đơn vị liên quan cần phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc nuôi, trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hướng đến xây dựng thương hiệu hàng hóa đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản; xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi thực phẩm an toàn…

Kiểm soát chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm là bài toán lâu dài, là yếu tố căn cơ, quan trọng nhất đối với ngành nông sản. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá để xây dựng nên một thương hiệu là yếu tố then chốt. Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có sự cải tiến rõ rệt về chất lượng sản phẩm, tuy vậy các đơn vị liên quan cần tăng cường các chính sách nhằm thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu...