Thúc đẩy chuỗi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm

Giá trị của các loại thực phẩm, đồ tiêu dùng chua được nâng cao là do chưa hình thành được chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Để tăng giá trị của hàng hóa cần phải tổ chức tốt khâu trao đổi, kết nối về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ.

Nhân viên cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh giới thiệu ống hút cỏ bàng với khách hàng.
Nhân viên cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh giới thiệu ống hút cỏ bàng với khách hàng.

Tại TP Hồ Chí Minh, chị em phụ nữ là những người đi đầu trong phong trào sản xuất, tổ chức hình thành mạng lưới đưa các sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Trần Thị Phương Hoa cho biết, trong thời gian qua, hội đã phối hợp Saigon Co.op tổ chức chương trình bình ổn thị trường thông qua mô hình cửa hàng liên kết, tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất để cung cấp hàng hóa cho công nhân, người có thu nhập thấp. Hiện tại, hội vận động thành lập được 65 cửa hàng Co.op Smile liên kết trên địa bàn thành phố và hình thức này đang tiếp tục được mở rộng. Mô hình cửa hàng liên kết ngoài không những tạo thêm cơ hội cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống mà còn khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam, tạo thuận lợi cho mọi người tiếp cận hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng với giá bình ổn.

Cùng với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Ðến nay, tại các chợ truyền thống như Bà Chiểu, Bến Thành, Nguyễn Tri Phương, Tân Ðịnh... hội phụ nữ, hợp tác xã, nông dân, tiểu thương đã phối hợp xây dựng hàng trăm điểm bán rau củ an toàn. Tại các quận huyện, 26 điểm bán rau, thực phẩm an toàn tại các khu dân cư cũng được hình thành.

Ðại diện Saigon Co.op cho biết, hiện tại doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống kinh doanh tại 43 tỉnh, thành phố và hình thành chuỗi sản xuất từ kết nối với các địa phương để tìm nguồn hàng, hỗ trợ vốn cho nông dân thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo đúng quy trình theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, chuỗi an toàn đã được thực hiện. Tính đến nay, Saigon Co.op có hơn 500 hợp đồng thương mại ký kết với các tỉnh, thành phố, các đơn vị sản xuất để tạo nguồn hàng kinh doanh ổn định. Trong đó, siêu thị đặt hàng thu mua của các cơ sở sản xuất ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi các loại rau, củ, quả với sản lượng 1.100 tấn/tháng, tương ứng 18 tỷ đồng, đồng thời tổ chức thu mua rau xanh, trái cây, thịt gia súc, gia cầm của các tỉnh miền Ðông Nam Bộ như Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... 1.800 tấn/tháng, trị giá khoảng 50 tỷ đồng. Ðể hàng hóa do hợp tác xã, nông dân làm ra được giá, khâu kết nối trong sản xuất, tiêu thụ là quan trọng, sản xuất phải theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, có đăng ký nhãn mác và truy xuất nguồn gốc mới dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối.

Cơ sở sản xuất Miền Tây Xanh ở Cần Ðước (Long An) giới thiệu sản phẩm ống hút làm bằng thân cây cỏ bàng vừa sạch và lạ, vừa có thể sử dụng lại nhiều lần thay thế cho ống hút bằng nhựa. Ông Bùi Thành Ðược, chủ cơ sở cho biết, ống hút cỏ bàng dù mới chào hàng trên thị trường nhưng đã được một số cơ sở ở Long An, TP Hồ Chí Minh đặt mua để cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng. Sản phẩm do cơ sở làm ra đạt chuẩn và phù hợp nhu cầu của thị trường trong xu hướng tiêu dùng xanh để góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự liên kết tiêu thụ hàng hóa là khâu yếu nhất của các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, vì vậy rất cần sự hợp tác liên kết của các nhà phân phối để sản phẩm lan tỏa rộng rãi trên thị trường.

Công ty cổ phần Viện nghiên cứu công nghệ Newton 789 giới thiệu sản phẩm tỏi đen chiết xuất với mật ong và các sản phẩm chế biến từ tỏi đen. Chị Nhung, đại diện công ty cho biết, công ty có canh tác vùng nguyên liệu tỏi ở Phan Rang. Các sản phẩm chế biến từ tỏi đen bằng công nghệ hiện đại, phần lớn dùng để xuất khẩu. Tại thị trường TP Hồ Chí Minh tỏi đen Newton đang được tiêu thụ tốt, hầu hết khách hàng là những người quan tâm đến sức khỏe. Cơ sở Vườn Lan Sơn Hà ở xã Ða Phước, huyện Bình Chánh mỗi tháng cung cấp hàng nghìn giò lan cho thị trường nhưng vẫn cần kết nối với các kênh tiêu thụ ổn định và lâu dài. "Một khi sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, người nông dân có thêm điều kiện để đầu tư vào chất lượng sản phẩm và tính đến chuyện làm ăn lớn hơn", anh Hùng, đại diện Vườn Lan Sơn Hà cho biết.

Kết nối cung cầu hàng hóa ngày nay là yêu cầu cấp thiết không chỉ cho nhà sản xuất mà cả các nhà phân phối, bán lẻ. Cụ thể, qua bảy năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, đã có hàng nghìn hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm được ký kết. Tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa diễn ra mới đây quy tụ 558 doanh nghiệp tại 45 tỉnh, thành phố tham gia trưng bày 449 gian hàng và thực hiện được hơn 500 hợp đồng kết nối sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, chương trình kết nối cung cầu là dịp để nhà sản xuất và nhà phân phối gặp gỡ nhau, từ đó góp phần định hướng hoạt động sản xuất chuyển dịch từ sản xuất cái mình có sang sản xuất cái người tiêu dùng cần. Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Lý Kim Chi đánh giá, sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là một trong những việc làm cần thiết và mở ra cơ hội để doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ thông tin, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam ngay trên thị trường trong nước và cả xuất khẩu đi các nước.