Thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Không chỉ hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn…, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hồ Chí Minh còn trở thành “bệ đỡ” để kết nối, giúp các hội viên ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh.

Khách hàng chọn mua sản phẩm túi xách làm từ lục bình tại gian hàng khởi nghiệp của Hội LHPN quận 2.
Khách hàng chọn mua sản phẩm túi xách làm từ lục bình tại gian hàng khởi nghiệp của Hội LHPN quận 2.

Tại ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp, việc làm và kết nối doanh nghiệp (DN) giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam do Hội LHPN thành phố tổ chức tại công viên Gia Định từ ngày 11 đến 16-5 năm nay, các hội viên phụ nữ có thêm cơ hội thực hiện hoài bão của mình.

Tại khu vực Khởi nghiệp ở công viên Gia Định (quận Gò Vấp), các gian hàng của hội viên phụ nữ bày biện đầy ắp các sản phẩm do chính mình làm ra.

Chị Nguyễn Thị Trinh (quận 2) giới thiệu mặt hàng giỏ xách thời trang làm bằng lục bình, tre, cói… tự tin cho biết: “Đây là sản phẩm do các hội viên tự làm ra, hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện môi trường và an toàn cho người sử dụng. Nhờ Hội Phụ nữ, chúng tôi có cơ hội được quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Mấy ngày tham gia giới thiệu sản phẩm, chúng tôi nhận được rất nhiều hiệu ứng tích cực cũng như động viên để chị em mạnh dạn khởi nghiệp”.

Từ một người không có việc làm, chị Nguyễn Thị Trà (34 tuổi, huyện Hóc Môn) được tham dự lớp học nghề do Hội Phụ nữ tổ chức, chị quyết định tự kinh doanh. Chị Trà phấn khởi cho hay: “Biết tôi muốn mở cửa hàng bán trà sữa, Hội và trung tâm dạy nghề hướng dẫn pha chế miễn phí, định hướng phát triển nghề, tư vấn mặt bằng, địa điểm thuận tiện và hỗ trợ vốn để mở quán. Hiện, quán khá đắt khách vì trà sữa ngon, công thức mới lạ và nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, thu nhập của quán ngày càng ổn định. Tôi còn tạo việc làm cho ba chị em khác từ quán trà sữa này”.

Không chỉ quảng bá sản phẩm, bán được hàng, các hội viên còn có cơ hội chia sẻ, truyền cảm hứng từ những câu chuyện khởi nghiệp của mình. Cầm trên tay bó rau cải được để trong bao bì bắt mắt, thạc sĩ, bác sĩ dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp tự tin cho biết đây là sản phẩm do mình và một người bạn tự nghiên cứu, tự trồng. Đam mê rau sạch, năm 2015, chị Diệp đã gặp người bạn cùng sở thích là một nữ thạc sĩ hóa học, hai người đã nghiên cứu và ứng dụng phương pháp vi sinh vào trồng trọt. Tự nghiên cứu ươm rau tại quận Tân Bình rồi lên tận Kon Tum, nơi có khí hậu lạnh, để trồng các loại rau ôn đới, cuối cùng, thương hiệu rau quả hữu cơ Happy Vegi ra đời.

Chưa dừng lại ở đó, hai nữ thạc sĩ đã nghiên cứu, viết phần mềm ứng dụng quét mã QR code để cung cấp thông tin về quá trình sản xuất rau an toàn từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch và ngày đóng gói xuất xưởng... Tất cả thông tin này khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc ngay trên chiếc điện thoại thông minh qua tem dán bên ngoài bó rau, củ, quả. “Đến nay, sau bốn năm gắn bó, mỗi ngày cung cấp 100 kg rau sạch ra thị trường, dự án kinh doanh đã bắt đầu có lãi. Tôi nghĩ thành công bước đầu này là khá may mắn và đi đúng hướng”, chị Trần Ngọc Diệp bộc bạch.

Chia sẻ về hoạt động hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp Nguyễn Thị Lan cho biết: “Từ nhiều năm nay, Hội thường xuyên liên kết với các DN, đơn vị tổ chức hướng nghiệp và dạy nghề cho chị em phụ nữ khó khăn trên địa bàn. Hội phối hợp các đơn vị tư vấn, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với khả năng, trình độ của từng chị em. Khi chị em có ý định kinh doanh, chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn, tư vấn mặt bằng sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phát động các phong trào như bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu phố, hộ gia đình; liên kết với các đơn vị, tổ chức thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy tại các trường học…”.

Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ cho phụ nữ, thời gian qua, Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đã liên kết, phối hợp Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố, Trường trung cấp Lê Thị Riêng và các đơn vị dạy nghề, đào tạo hơn 2.500 lao động nữ và 71,1% học viên các lớp học nghề như bảo mẫu, dịch vụ chăm sóc gia đình, trang điểm, làm móng... đã có việc làm.

Thực tế, nhiều chị em đã có những ý tưởng khởi nghiệp từ những nghề mình đã được học và hướng dẫn lại cho chị em khác hoặc thành lập những nhóm ngành nghề, tổ hợp tác giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hội viên như: Tổ hợp tác may gia công huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh; nhóm kết cườm, làm hoa giả quận 1, 7, 9; nhóm nấu ăn quận Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Củ Chi…

Hội cũng thường xuyên tổ chức các chuyên đề, tọa đàm tại cơ sở, phối hợp với các DN tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa DN với lao động nữ để định hướng, giới thiệu việc làm hoặc đào tạo nghề cho hội viên.

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ, Hội xác định sẽ tiếp tục là “bệ đỡ” kết nối thông qua các lớp học chuyên sâu về kinh doanh trực tuyến và trình bày trực tiếp qua các buổi sinh hoạt cà-phê khởi nghiệp, hỗ trợ cho vay vốn đến 100 triệu đồng mỗi trường hợp nếu hội viên có nhu cầu. Riêng với những ý tưởng, dự án cần vốn lớn hơn, Hội sẽ giới thiệu đến Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố. Hy vọng, với những hỗ trợ từ Hội và các đơn vị, tinh thần khởi nghiệp, tự làm chủ bản thân sẽ được nuôi dưỡng và lan tỏa bắt đầu từ việc phát triển kinh tế gia đình để góp phần xây dựng thành phố phát triển bền vững.