Tập trung chỉnh trang, phát triển đô thị

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh có những đột phá mạnh mẽ trong công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại mọc lên, hàng nghìn người dân sống trong những khu nhà lụp xụp ven kênh, rạch, những chung cư cũ đã thay đổi cuộc sống.

Chung cư Nguyễn Kim (quận 10) sau khi được xây mới.
Chung cư Nguyễn Kim (quận 10) sau khi được xây mới.

Dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, ước muốn xây dựng thành phố phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình sẽ không còn xa…

Những đổi thay đáng ghi nhận

Ông Hà Văn Bảy (cán bộ hưu trí) không giấu được niềm vui khi về sinh sống trong căn nhà tái định cư khang trang, sạch sẽ rộng 60 m2 tại chung cư Nguyễn Kim (phường 7, quận 10). Gia đình ông Bảy và hàng trăm hộ dân khác được tái định cư tại chỗ khi di dời để bàn giao chung cư Nguyễn Kim đã xuống cấp để chủ đầu tư xây dựng. Chỗ ở không xáo trộn, việc làm và việc học của con không bị ảnh hưởng là những hạnh phúc bình dị nhất mà ông Bảy và những hộ dân được hưởng lợi từ chương trình xây mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố trong những năm qua. Theo đó là niềm vui của các hộ dân sống dọc hai bờ rạch Rỗng Tùng, rạch Ông Học (phường Thạnh Xuân, quận 12) đã có được môi trường sống khang trang, sạch đẹp.

Trong ký ức của người dân, hai con rạch này đã từng là nỗi ám ảnh bởi quanh năm ngập rác, ruồi, muỗi và mùi hôi thối. Ðã có nhiều người dân buộc phải từ bỏ nơi mình sinh sống bởi không chịu nổi cảnh dịch bệnh hoành hành hoặc thường xuyên phải sống trong cảnh ngập nước. Giờ đây con rạch được nạo vét, chỉnh trang. Mầu nước đen năm xưa giờ đổi xanh, dọc hai bên rạch là những thảm cỏ, luống cây xanh dịu mát như những công viên thu nhỏ để người dân hít thở khí trời.

Hai điểm sáng nêu trên chính là những kết quả đáng ghi nhận của Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị mà TP Hồ Chí Minh đã, đang quyết tâm thực hiện. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, thành phố đã cải tạo, sửa chữa 116 chung cư cũ, dự tính từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có thêm 83 chung cư nữa được cải tạo, sửa chữa hoàn thành. Thành phố cũng đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 2.487 hộ sống ven, trên kênh rạch.

Quận 10 trở thành điểm sáng điển hình của thành phố khi đã di dời giải tỏa được 15 trong số 40 lô chung cư cũ với hơn 1.650 căn hộ; xây mới tại chỗ bốn chung cư với 947 căn hộ để người dân ổn định cuộc sống. Quận 8 lại là minh chứng rõ nét nhất cho sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ của người dân khi thực hiện bồi thường, di dời, tái định cư khoảng 1.000 hộ dân sinh sống ven và trên rạch Ụ Cây. Tất cả những hộ dân đủ điều kiện đều được bố trí an cư tại chung cư Tân Mỹ (quận 7) và An Sương (quận 12). Con rạch ô nhiễm năm xưa nay đã khang trang, sạch đẹp.

Vượt khó để về đích

Ðánh giá lại 5 năm thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, UBND thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, chương trình đã có nhiều chuyển biến tích cực, thành phố đã cơ bản hoàn thành được ba trong số bốn nội dung của chương trình. Cơ sở hạ tầng đô thị được nâng cấp. Việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, mặc dù chưa đạt kết quả cao nhưng cơ bản đã xác định được các khu vực, phạm vi di dời và một số công tác chuẩn bị đầu tư, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Việc ủy quyền, phân công cho UBND các quận, huyện chủ động thực hiện các thủ tục đầu tư xây mới thay thế chung cư cũ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các quận, huyện đã chủ động mời gọi đầu tư, từ đó nhiều chung cư cũ đã được xây mới.

Dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Kết quả di dời nhà trên và ven kênh, rạch còn rất khiêm tốn, chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra (2.487 trong số 20.000 căn, đạt tỷ lệ 12,4%), chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng phần lớn cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường, trong khi chưa kêu gọi được nguồn vốn ngoài ngân sách. Công tác tháo dỡ, xây dựng mới thay thế các chung cư cũ chủ yếu dừng lại ở việc di dời tạm cư người dân để bảo đảm an toàn đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Công tác sửa chữa cũng chủ yếu khắc phục các hư hỏng, sơn sửa, dặm vá mặt ngoài, bổ sung các thiết bị phòng cháy… mà chưa triển khai sửa chữa các kết cấu xuống cấp, nguy hiểm, an toàn chịu lực cũng như cải tạo sửa chữa toàn diện chung cư. Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên được TP Hồ Chí Minh đánh giá là do hiệu quả sử dụng các nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập. Các dự án xã hội hóa chưa thu hút được nhà đầu tư do thiếu tính khả thi và thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị chưa có quy định riêng, đặc thù; chưa có chính sách đột phá trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, nhà ven và trên kênh, rạch. Sự hạn chế còn do cấp ủy, chính quyền các sở, ngành, quận, huyện chưa quyết liệt, chủ động thực hiện, hầu hết các địa phương đều thực hiện dự án chậm so với kế hoạch.

Từ những nguyên nhân này, lãnh đạo thành phố cũng đã rút ra được những bài học cần thiết để tiếp tục triển khai chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025. Thành phố sẽ tập trung thực hiện từng dự án trọng tâm, địa bàn trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải quy mô toàn thành phố dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ. Từ thực tế sau nhiều năm vẫn không triển khai được dự án chỉnh trang nào theo hình thức PPP vì không thu hút được nhà đầu tư, TP Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu xây dựng đề án Thành lập quỹ chuẩn bị đầu tư hoặc cơ chế huy động vốn chuẩn bị đầu tư dự án PPP để chủ động kiểm soát tốt chi phí đầu tư ngay trong bước lập báo cáo, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn đầu tư, tiến tới chấm dứt giao cho các nhà đầu tư tự bỏ chi phí lập nghiên cứu dự án, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư.

Ðể người dân đồng thuận, thành phố sẽ chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư kèm theo chính sách phù hợp để hỗ trợ cho người dân hậu di dời. Nhất thiết phải thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ trên cùng địa bàn hoặc trong dự án (nếu có), không thực hiện bồi thường để khắc phục các hạn chế trước đây, đặc biệt với chung cư cũ, nhà trên, ven kênh, rạch.

Bài và ảnh: NGUYÊN TUẤN