Tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao (CNC) với quy mô lớn, hiện đại là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay. Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch gắn với nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững.

Mô hình trồng rau thủy canh tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HUY ANH
Mô hình trồng rau thủy canh tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HUY ANH

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng phát triển theo hướng chuyển dịch nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp CNC, công nghệ sinh học. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy năng suất lao động của ngành nông nghiệp thành phố tăng bình quân 21% một năm. Giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp năm 2019 đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn TP Hồ Chí Minh năm 2019 đạt hơn 63 triệu đồng/người, tăng gần 59% so với năm 2015. Bước đầu, hoạt động của Khu nông nghiệp CNC, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa CNC... có hiệu quả, có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh, hiện, diện tích đất nông nghiệp thành phố khoảng 114 nghìn ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 66 nghìn, đất lâm nghiệp 35.684 ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798 ha. Tổng số hộ đang sản xuất nông nghiệp hơn 25.300, trình độ lao động ngày càng được tăng cao với tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo hơn 70%. So với các địa phương ở nước ta, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố không nhiều. Tuy nhiên, thành phố có vị trí trung tâm, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung. Với lợi thế này, thành phố đã sớm định hướng xây dựng nền nông nghiệp dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các địa phương Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, thành phố hiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu có giá trị cao như hoa lan, cá cảnh, tổ yến. Thành phố đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp CNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ với diện tích gần 90 ha và dự án mở rộng Khu nông nghiệp CNC hiện hữu thêm hơn 23 ha tại huyện Củ Chi... Ðây sẽ là nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao cung cấp cho khu vực phía nam và cả nước.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa nhanh, thì việc phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học CNC là xu hướng tất yếu và cần phải thực hiện ngay. Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh Từ Minh Thiện cho biết, thành phố đang xây dựng đô thị thông minh thì ngành nông nghiệp cũng phải ứng dụng những tiến bộ về khoa học - công nghệ xây dựng nền nông nghiệp thông minh. Để thực hiện điều này, các cơ quan liên quan cần hình thành nhanh các khung chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ - nông nghiệp; đồng thời, có những chính sách phù hợp với thực tiễn trong việc ứng dụng nông nghiệp CNC và ứng dụng nông nghiệp thông minh...

Định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, TP Hồ Chí Minh xác định: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, thành phố sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp CNC gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn và phát triển nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp CNC.

Để thực hiện hiệu quả định hướng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp thành phố cần đẩy nhanh các nhóm giải pháp chính, đó là: Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, CNC, thân thiện với môi trường. Chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của thành phố. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, nhất là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và ngoài nước. Phát triển nông nghiệp và dịch vụ gắn với nông nghiệp ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Từ đầu năm 2019 đến ngày 31-7-2020, các đơn vị liên quan đã phê duyệt phương án vay vốn có hỗ trợ lãi vay (ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất) theo Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12-2-2018 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố cho 550 lượt vay với tổng vốn đầu tư hơn 768 tỷ đồng, trong đó tổng vốn vay gần 433 tỷ đồng. Bình quân vốn đầu tư/phương án là gần 1,4 tỷ đồng; bình quân vốn vay/phương án là 787 triệu đồng.