Tạo động lực cho giới trẻ sáng tạo

TP Hồ Chí Minh là địa phương có đội ngũ thanh niên, trí thức trẻ lớn nhất của cả nước. Ðây là lực lượng có những đóng góp cụ thể, quan trọng cho thành phố trên nhiều lĩnh vực thông qua các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo các công trình, sản phẩm. Ðể phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo, cống hiến của giới trẻ thành phố cần có những cơ chế tạo động lực, đòn bẩy phù hợp tình hình mới.

Mô hình thiết kế cầu thông minh của nhóm sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.
Mô hình thiết kế cầu thông minh của nhóm sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.

Những sản phẩm từ góc nhìn thực tế

Dù chỉ đang là những học sinh THCS nhưng các em học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp đã làm nhiều người ngạc nhiên với công trình "Thuyền điều khiển lượm rác trên sông". Bạn Kiều Bạch Như Ý, đại diện nhóm cho biết: Hằng ngày chứng kiến các cô, chú công nhân vệ sinh khó nhọc vớt rác từ dưới sông cho nên nhóm chúng em đã nghĩ ra ý tưởng này. Sản phẩm khoa học này của các em đều được thiết kế thông qua việc sử dụng nguyên liệu tái chế, kết hợp kiến thức lập trình của môn tin học. Với sự hỗ trợ của giáo viên, nhóm học sinh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, thực hành, thiết kế sản phẩm sao cho tiện lợi và hoàn chỉnh nhất. Theo bạn Kiều Bạch Như Ý, từ sản phẩm này, các em học sinh còn muốn gửi đến mọi người thông điệp cần ý thức hơn trong việc xả rác ra môi trường để tạo nên cảnh quan mới cho các con sông, rạch của thành phố.

Cũng từ việc quan sát từ thực tế cuộc sống và trăn trở với sự khó nhọc của những người khuyết tật, nhóm sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã cho ra đời mô hình xe lăn điện sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu, lắp ráp. Sinh viên Huỳnh Quang Linh cho biết, với lợi thế là cả nhóm đều có những kiến thức nền về động lực học và đam mê nghiên cứu cho nên trong quá trình triển khai các bạn đều rất tâm huyết. Với khả năng tạo sự thuận lợi, hỗ trợ tốt cho người khuyết tật khi sử dụng, nhóm hy vọng sản phẩm sẽ được hỗ trợ để có thể thương mại hóa nhằm tiếp cận đến người có nhu cầu sử dụng. Hiện các bạn chỉ đang ngồi trên ghế nhà trường cho nên rất khó để thực hiện ý định này.

Còn với nhóm sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh do bạn Phạm Hữu Tài làm trưởng nhóm, dù học ngành cơ khí nhưng lại cho ra đời một sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tài cho biết, qua nhiều ngày đến các trang trại trồng rau tìm hiểu thì nhóm đã chế tạo thành công hệ thống trồng rau tự động. Ðiểm nổi bật của hệ thống này là rau sẽ được trồng trong nhà, mọi thứ đều hoàn toàn tự động, điều khiển qua điện thoại thông minh. Ðây là sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi bởi ở một đô thị như TP Hồ Chí Minh thì nhu cầu về rau an toàn là rất lớn. Hiện nhóm đang chuẩn bị các điều kiện để có thể đưa sản phẩm này ra giới thiệu với thị trường.

Cần những kết nối phù hợp

Những năm qua, phong trào học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học là một trong những thế mạnh của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố, nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và những ngành mũi nhọn khác. Từ những cuộc thi sáng kiến, hiến kế, giải thưởng nghiên cứu khoa học, đề xuất các ý tưởng sáng tạo, những gương mặt trí thức trẻ, những nhà nghiên cứu khoa học tương lai đã xuất hiện và có những đóng góp rất lớn cho thành phố trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, để các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu của giới trẻ trở nên hữu ích, thiết thực với đời sống và tạo ra động lực mới, kích thích cho giới trẻ khi tham gia vào hoạt động này, thành phố, các đơn vị liên quan vẫn cần những cơ chế, chính sách phù hợp. Giám đốc Saigon Innovation Hub Huỳnh Kim Tước cho rằng: Hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp hiện đang rất "hút" giới trẻ nhưng khi đi vào con đường này, các bạn cần chuẩn bị cho mình nhiều thứ như: tri thức, bản lĩnh, động lực và khả năng sáng tạo, đổi mới. Có như thế, kể cả khi thất bại thì các bạn cũng sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để kích thích sự sáng tạo của giới trẻ, các đơn vị, trường, viện cần có sự kết nối khoa học và chặt chẽ để các công trình, sản phẩm của các em khi thành công không rơi vào cảnh bị lãng quên dẫn đến tình trạng mất dần động lực vì thiếu "điểm tựa". Ðơn cử như, để giúp các em học sinh có thể tham gia nghiên cứu, sáng tạo, Thành đoàn cần phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo để giúp học sinh định hướng và tạo động lực cho các em ngay từ khi còn học phổ thông. Ðội ngũ giáo viên cũng cần có tư duy và truyền lửa về tinh thần khởi nghiệp để các em nuôi khát vọng góp sức vào xu hướng xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải, cho rằng: Với mỗi kết quả cụ thể từ các công trình, sản phẩm là một niềm vui, động lực rất lớn đối với giới trẻ. Qua sản phẩm đó cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, trí tuệ của họ cho nên Thành đoàn luôn tạo điều kiện, động viên thanh niên thành phố nỗ lực hơn nữa trong việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, khám phá những chân trời mới của tri thức khoa học. Trong đó, các cuộc thi, liên hoan sáng tạo là dịp để tuổi trẻ thành phố giới thiệu đến đông đảo người dân và thanh thiếu nhi về những mô hình, ý tưởng sáng tạo của các cá nhân, tập thể tiêu biểu, đóng góp trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật, nghiệp vụ chuyên môn trong quá trình học tập và lao động của mình. Từ sân chơi này, các bạn được giao lưu, trao đổi và tiếp cận nhiều kiến thức quan trọng về học thuật, nghiên cứu, sáng tạo. Thành đoàn cũng kết nối với các đơn vị liên quan để đưa các đề tài, sản phẩm sáng tạo có tính ứng dụng thực tiễn cao đến các đơn vị hữu quan tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng.