Tăng tốc phát triển từ cải cách hành chính

TP Hồ Chí Minh chọn năm 2019 là năm đột phá về cải cách hành chính (CCHC) để phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn, tạo nền móng vững chắc trong việc tăng tốc phát triển kinh tế, xứng đáng là thành phố đáng sống, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển.
TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển.

Chuyển biến từ cơ sở

Chỉ ít phút được cán bộ phòng Quản lý đô thị UBND quận Bình Thạnh cung cấp thông tin, anh Quang Tùng (37 tuổi) đã biết được miếng đất muốn mua nằm trong quy hoạch mở rộng hẻm cho nên không thể xây dựng. Tương tự, cầm giấy phép xây dựng trên tay, ông Nguyễn Văn Hà (60 tuổi, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) tỏ vẻ vui mừng khôn xiết. Lần đầu đi làm thủ tục xây lại nhà, ông được ban tư vấn pháp luật của xã hướng dẫn tận tình. Hai tuần sau, ông đã được cấp phép.

Sự hài lòng của anh Tùng, ông Hà chính là kết quả sự nỗ lực trong suốt thời gian dài về công tác cải cách thủ tục hành chính của chính quyền cấp cơ sở tại TP Hồ Chí Minh. Với đặc thù là một xã nghèo, trình độ dân trí còn thấp, lãnh đạo xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) đã chọn lọc những quy định quan trọng và in thành những tờ bướm phát cho người dân tham khảo, thậm chí, cử cán bộ đến các hộ gia đình có người già yếu, thực hiện ký giấy tờ nhà đất, nếu có yêu cầu. Chủ trương của xã là linh hoạt giải quyết yêu cầu của người dân một cách thuận lợi nhất. Để triệt tiêu tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, làm khó người dân, lãnh đạo xã đã đặt ra tiêu chuẩn “ba không, bốn tự, năm phải” đối với cán bộ, công chức. Đó là, không nhũng nhiễu dân, không lạnh nhạt với dân và không từ chối các yêu cầu hợp pháp của dân; tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức; tự học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tự phê bình và phê bình góp ý đồng nghiệp và tự tiếp thu sửa chữa, hoàn thiện bản thân; phải gần dân, trọng dân; phải nghe dân, tin dân; phải lịch sự trong giao tiếp với dân; phải khiêm tốn, trung thực; phải tận tình, hết lòng vì dân. Những quy định này được in thành văn bản và dán ngay tại các phòng tiếp công dân. Nếu người dân phát hiện những cán bộ, nhân viên nào sai phạm đều có thể liên hệ trực tiếp vào số điện thoại di động của lãnh đạo xã được niêm yết công khai tại UBND xã.

Tại quận 12, đồng chí Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận cho biết, hiện nay dịch vụ công trực tuyến của quận 12 đã khá hoàn thiện với việc có thể giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến trên các lĩnh vực hộ tịch - tư pháp, quản lý đô thị - tài nguyên môi trường, đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký lao động, đăng ký thu gom chất thải rắn, các giải pháp tiếp nhận phản ánh, góp ý, đánh giá việc giải quyết hồ sơ và phần mềm tương tác với người dân thông qua ứng dụng di động. Không cần lên trụ sở quận, người dân có thể ở nhà truy cập qua trang web dịch vụ công trực tuyến để đăng ký, khai báo, xử lý các hồ sơ giấy tờ, theo dõi quá trình xử lý và nhận thông báo kết quả qua email, tin nhắn điện thoại. Theo đồng chí Hiếu, thời gian tới, quận 12 sẽ tiến hành nâng cấp thêm nhiều giải pháp, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ tốt cho người dân. Mục tiêu của lãnh đạo quận 12 là xây dựng quận thành "văn phòng không giấy mực".

Tiền đề để thành phố phát triển mạnh mẽ

Chưa khi nào, quyết tâm tạo đột phá trong CCHC của chính quyền thành phố lại lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay. Từ chính quyền cấp cơ sở đến cấp thành phố đều phát động các phong trào thi đua. Thành phố thi đua “Năm đột phá CCHC và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội”, cấp cơ sở thì thi đua đơn vị đạt được sự hài lòng của người dân, DN nhiều nhất. Trọng tâm cao nhất của phong trào thi đua là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo để đánh giá thu nhập tăng thêm.

Trao đổi về quyết tâm đột phá trong CCHC, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Sau hơn 30 năm đổi mới, TP Hồ Chí Minh giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng nhìn vào thực tiễn phát triển, thành phố nhìn nhận một số vấn đề còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân, DN. Đó là: tăng trưởng kinh tế dù đạt chỉ tiêu nhưng còn nhiều thách thức về chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, hội nhập của DN; bảy chương trình đột phá chưa tạo được kết quả nổi bật, có chương trình còn chậm tiến độ; chương trình xây dựng nông thôn mới chưa tạo chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu ở một số nơi chưa được cải thiện, nâng chất… Từ những bất cập đó, thành phố quyết tâm phải đột phá trong CCHC. Để tạo được đột phá, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ mười nhiệm vụ, giải pháp, với yêu cầu xuyên suốt là bảo đảm nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét. Ngoài việc tiếp tục phát động, duy trì các phong trào thi đua, 85 đầu việc trên các lĩnh vực dự án, đô thị môi trường, kinh tế - ngân sách, nội vụ, văn hóa - xã hội,… thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố được ủy quyền cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, đối với lần ủy quyền tổng thể, toàn diện trên các lĩnh vực theo Nghị quyết 54, thành phố kỳ vọng sẽ là một trong những đột phá giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm chi phí hành chính và thời gian chờ đợi của người dân, DN. Đồng thời, công tác này sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố. Với việc phân quyền mạnh mẽ, cộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo từ cấp cơ sở, thành phố kỳ vọng, năm 2019 sẽ tăng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý qua mạng, nhất là mạng cấp độ 3 và 4...

Có thể nói, năm 2019 là năm có tính chất “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng, kết quả thực hiện năm 2019 sẽ góp phần rất lớn vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020. Nhiệm vụ tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cải cách của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành những mục tiêu đề ra, hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp trong năm 2020.