Tăng cường xử lý ô nhiễm không khí

Tại kỳ họp HĐND thành phố Hồ Chí Minh diễn ra mới đây, các đại biểu yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố nhanh chóng có giải pháp cấp bách, nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra trầm trọng và có diễn biến khó lường.

Một góc thành phố chìm trong sương mù.
Một góc thành phố chìm trong sương mù.

Nhiều nguyên nhân

Khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hàng nghìn người dân sinh sống và làm việc. Trong đó, có sáu trường học (hai trường mầm non, hai trường tiểu học và hai trường THCS) với hàng nghìn học sinh theo học mỗi ngày. Tuy nhiên, không khí khu vực này được đánh giá ở mức có hại cho sức khỏe.

Theo ông Võ Trường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, nguyên nhân là do các công ty tái chế nhựa nằm phía sau khu dân cư hoạt động gần hai năm nay. Cứ chiều đến, toàn bộ khu vực này lại bụi trắng như sương mù. Quan sát của chúng tôi cho thấy, chỉ một đoạn ngắn dọc kênh T17 đã có ba công ty tái chế rác thải nhựa hoạt động. Trong nhà xưởng các công ty này chứa rất nhiều bao ni-lông đã qua sử dụng. Nước dùng để rửa bao ni-lông được hút từ dưới kênh đen. Hằng ngày, số ni-lông này sẽ được cắt ra thành các mảnh nhỏ, số phế thải dư thừa sẽ được đốt thành tro mịn. Chính công đoạn này gây ô nhiễm không khí, góp phần gây nên tình trạng bụi mù quanh khu vực.

Không chỉ tại Bình Chánh, quận 2 cũng là địa phương có tình trạng ô nhiễm không khí đứng đầu tại TP Hồ Chí Minh. Tại khu vực vòng xoay Mỹ Thủy có nồng độ các chất ô nhiễm (bụi lơ lửng) vượt 99%, mức độ ô nhiễm tiếng ồn vượt 100% ngưỡng cho phép. Ngoài ra, giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), quận Gò Vấp, An Sương (quận 12)... thường xuyên có nồng độ ô nhiễm vượt quy chuẩn. Theo ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và môi trường (Sở TN-MT) TP Hồ Chí Minh cho biết: Ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra. 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Tình trạng ô nhiễm này chủ yếu từ ba loại nguồn chính là: ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông, ô nhiễm không khí do hoạt động công nghiệp và ô nhiễm không khí do hoạt động xây dựng. Cụ thể, thành phố hiện có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố, chưa kể hai triệu phương tiện vãng lai và khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm không khí, nhất là vào khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân.

Thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hầu hết nằm xen kẽ với khu vực dân cư cho nên khí thải từ các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân. Trong khi đó, hoạt động xây dựng cải tạo, chỉnh trang đô thị diễn ra khắp nơi, tần suất suốt ngày đêm gây ra ô nhiễm không khí, tiếng ồn.

Giảm ô nhiễm bằng giải pháp nào?

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp HĐND thành phố Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT thành phố cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường phải được nhận diện và đánh giá hết sức chính xác. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 327 điểm đặt trạm quan trắc thủ công. Sở dĩ phải đặt trạm quan trắc thủ công vì trạm quan trắc tự động mới đang được thành phố ghi vốn để đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm sáu trạm quan trắc tự động; đến cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ vận hành thêm 50 trạm quan trắc. Các trạm quan trắc này hoạt động trên tất cả lĩnh vực như nguồn nước, không khí... để đưa ra thông số về môi trường. Theo ông Thắng, khi có các trạm quan trắc tự động sẽ đánh giá được chính xác tình trạng ô nhiễm không khí. Còn về các biện pháp để giảm ô nhiễm không khí, ông Thắng cho rằng, cần hạn chế xả thải liên quan đến kiểm soát phương tiện giao thông. Ngoài ra, thành phố cần tăng cường xử phạt và có phương án kiểm tra, di dời những cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra ngoài trung tâm.

Theo các chuyên gia đô thị, cần có giải pháp kiểm soát các phương tiện giao thông để giảm bớt khí thải từ hoạt động vận tải. Cần kiểm tra khí thải từ các xe máy cũ, kiểm soát khí thải ô-tô. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn là khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng mới, phát triển phương tiện giao thông công cộng. Đối với các nguồn xả thải công nghiệp, cần có các biện pháp cải thiện kiểm soát ô nhiễm đầu cuối, siết chặt tiêu chuẩn xả thải... Trồng nhiều cây xanh, vừa tăng vẻ đẹp đô thị, vừa giảm ô nhiễm môi trường.