Tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BÐKH), nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã chủ động tìm những giải pháp, trong đó có tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng liên kết vùng để ứng phó vấn đề mang tính toàn cầu này.

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay. Ảnh CTV
Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay. Ảnh CTV

TP Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong nhiều năm qua. Cùng với nhiều mặt tích cực mang lại, sự phát triển nhanh của thành phố cũng tạo ra áp lực lớn đối với việc cải thiện, nâng cao điều kiện môi trường sống cho người dân. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi BÐKH. Theo kịch bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) ban hành năm 2016, nếu nước biển dâng 100 cm thì 17,84% diện tích của TP Hồ Chí Minh nguy cơ bị ngập, trong đó, quận Bình Thạnh ngập 80,78% và huyện Bình Chánh ngập 36,43% diện tích. Tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tỉnh lân cận trong việc bảo vệ môi trường, thích ứng BÐKH, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường chia sẻ và công khai dữ liệu môi trường nước lưu vực sông, nhất là vấn đề giám sát chất lượng nước mặt kênh rạch liên tỉnh như Thầy Cai, An Hạ, Ba Bò. Liên kết với tỉnh Long An xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn Thủ Thừa cho kế hoạch xử lý chất thải rắn giai đoạn 2020 - 2025. Phối hợp các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, Tây Ninh xây dựng phương án triển khai công tác vớt, xử lý lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh (như các sông Sài Gòn, Ðồng Nai, Cần Giuộc).

Nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược thích ứng BÐKH bằng cách kết nối các địa phương trong vùng trên cùng hệ thống sông Sài Gòn - Ðồng Nai để phối hợp hành động nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng của người dân, đưa kiến thức thông qua hoạt động ngoại khóa, môn học trong các trường học từ phổ thông tới đại học.

Giám đốc Sở TN và MT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, ngoài liên kết trong nước, nhiều năm qua, thành phố cũng đã chủ động hợp tác quốc tế trong ứng phó và thích ứng BÐKH và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2009, thành phố đã tham gia hoạt động của tổ chức C40 (tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng BÐKH); tham gia các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Giai đoạn 2011 - 2013, TP Hồ Chí Minh đã hợp tác thành phố Ô-xa-ca (Nhật Bản) trong chương trình phát triển thành phố phát thải các-bon thấp và với thành phố Rốt-téc-đam (Hà Lan) trong chương trình "TP Hồ Chí Minh phát triển về hướng biển thích ứng với BÐKH".

Hiện, thành phố đang phối hợp Bộ TN và MT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện Thỏa thuận Pa-ri năm 2015. Thông qua Dự án hợp tác kỹ thuật "Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV)" (gọi tắt là dự án SPI- NAMA), thành phố đã tiến hành kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn năm 2013. Trên cơ sở đó, thành phố tiếp tục triển khai công tác kiểm kê khí nhà kính trong năm 2016, 2018; đồng thời sẽ liên tục triển khai kiểm kê khí nhà kính hai năm một lần vào những năm chẵn.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các giải pháp ứng phó BÐKH chưa được như kỳ vọng, nhất là sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa được đồng bộ, thiếu sự chia sẻ thông tin từ lập quy hoạch cho đến việc thực thi chính sách. Một số quy hoạch ngành, lĩnh vực chưa quan tâm tích hợp đầy đủ các yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH đã gây ra một số tác động tiêu cực đến xã hội và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng như chủ động ứng phó BÐKH.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều mục tiêu được đặt ra. Theo đó, lồng ghép các yếu tố BÐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với điều kiện cụ thể phù hợp. Ðánh giá được mức độ ảnh hưởng của BÐKH và mức độ tác động đối với các lĩnh vực, ngành nghề. Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nhằm thích nghi và giảm thiệt hại do tác động của BÐKH, giảm phát thải khí nhà kính trong mười lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao khả năng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư trong công tác ứng phó BÐKH…