Sức lan tỏa từ các khu công nghiệp

Khởi đầu từ dự án xây dựng khu chế xuất (KCX) Tân Thuận đầu tiên vào năm 1991, đến nay TP Hồ Chí Minh có 19 KCX, khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.530 ha, trong đó, 17 KCX, KCN hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 68,4%. Ngoài ra, thành phố cũng thành lập Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung để thu hút các dự án công nghệ cao.
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu Công nghệ cao thành phố.
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu Công nghệ cao thành phố.

Sau 17 năm thành lập, đến nay, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) thu hút 156 dự án. Trong đó, vốn trong nước gần 40 nghìn tỷ đồng cho 101 dự án, vốn FDI là hơn 5,2 tỷ USD cho 55 dự án. Những tập đoàn, công ty có công nghệ cao, uy tín thế giới, như: Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, Microchip, Nipro, Datalogic, Samsung, Rockwell Automation... cũng đã đầu tư tại SHTP. Dự kiến năm 2019, giá trị sản xuất toàn SHTP đạt 17 tỷ USD và đến năm 2020 vượt mốc 20 tỷ USD. Về chất lượng nguồn lao động, năm 2010, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (tốt nghiệp trung cấp trở lên) chỉ chiếm khoảng 7%; đầu năm 2019 tăng lên 48%, trong đó 20% số lao động có trình độ đại học. Năng suất lao động bình quân giai đoạn 2015 - 2019 ước đạt 295 nghìn USD/lao động, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Tính đến tháng 9 năm nay, SHTP đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 966 triệu USD và dự kiến đến năm 2020, số thu ngân sách sẽ đạt từ 1 đến 1,5 tỷ USD/năm.

Quyền Trưởng Ban quản lý SHTP Lê Bích Loan chia sẻ: Năng suất lao động theo giá trị gia tăng của lao động SHTP luôn cao gấp 20 lần so với năng suất lao động bình quân của cả nước. Giá trị xuất khẩu của SHTP tăng trưởng đều đặn qua từng năm và đạt mốc 13,2 tỷ USD vào năm 2018, bình quân tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm. Mục tiêu trong tương lai, chúng tôi phấn đấu đưa SHTP trở thành Trung tâm không gian khoa học sáng tạo, là hạt nhân Khu đô thị sáng tạo phía đông của thành phố, chuyên cung cấp và nuôi dưỡng nhân lực, vốn, công nghệ cao, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Để thực hiện mục tiêu này, theo bà Loan, SHTP đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu triển khai với năm phòng thí nghiệm: vi mạch - bán dẫn, vật liệu na-nô, công nghệ sinh học, cơ khí và tự động hóa, năng lượng mới. Các công nghệ mới được nghiên cứu, chuyển giao tiêu biểu như: Chế tạo chip led cực tím, công nghệ chế tạo màng mỏng truyền nhiệt trên nền na-nô các-bon… Cùng với đó, SHTP ưu tiên thu hút các dự án đón đầu sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, rô-bốt…

Tính đến cuối năm 2018, các KCX, KCN trên địa bàn thành phố thu hút 1.603 dự án với tổng vốn đầu tư 10,67 tỷ USD, trong đó dự án có vốn FDI là 562 với tổng vốn đầu tư 5,97 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 1.041 dự án, vốn đầu tư 4,7 tỷ USD. Việc hình thành các KCX, KCN với sự đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ của doanh nghiệp đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 285 nghìn lao động. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong các KCX, KCN thành phố đến cuối năm 2018 đạt 66,51 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15% kim ngạch xuất khẩu chung của toàn thành phố và chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của thành phố. Hàng hóa các KCX, KCN xuất khẩu đến hơn 45 quốc gia trên thế giới, trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm 42,11%, thị trường EU chiếm 16,27%, Mỹ chiếm 15,44%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5,96%...

Nói về những hạn chế, bất cập, theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCX và KCN thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), phần lớn các dự án FDI trong KCX, KCN sản xuất gia công là chủ yếu, quy mô vốn đầu tư còn nhỏ (số dự án có vốn FDI bình quân dưới năm triệu USD chiếm 73%). Số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn thấp. Nguyên nhân là do trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển KCX, KCN, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết số lao động thất nghiệp, việc tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài chưa cao cho nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, các KCX, KCN đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào các ngành: điện tử - viễn thông - tin học, hóa chất - dược phẩm, cơ khí chế tạo, chế biến lương thực, thực phẩm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của thành phố. Nhưng so với yêu cầu đặt ra, kết quả chưa có đột phá mạnh mẽ, chưa thu hút được dự án đầu tư lớn có tính chất lan tỏa.

Phó Trưởng ban Quản lý HEPZA Đào Xuân Đức cho rằng: Định hướng đến năm 2030, HEPZA đẩy mạnh và thực hiện việc chuyển dần các KCN hiện hữu thành KCN xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao để tiến đến xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ. Để thực hiện được điều này, HEPZA ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng KCX, KCN. Đồng thời, về lâu dài, nghiên cứu xác định loại hình cần chuyển đổi cho từng KCN, KCX sang KCN hỗ trợ, KCN đổi mới sáng tạo và đô thị, dịch vụ. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu xây dựng các KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.