Sớm bình ổn giá thịt heo

Thị trường TP Hồ Chí Minh bình quân tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày, nhưng hiện tại mức tiêu thụ chỉ khoảng 3.500 đến 3.700 con/ngày. Tuy thế, giá thịt heo vẫn cao, cần đẩy nhanh các giải pháp để bình ổn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

 Quầy bán thịt heo tại cửa hàng thực phẩm CP food ở quận 10, TP Hồ Chí Minh.
Quầy bán thịt heo tại cửa hàng thực phẩm CP food ở quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Thịt heo đang có giá cao bất thường. Nguyên nhân được xác định: Do dịch tả heo châu Phi lan rộng làm giảm đàn; do dịch Covid-19 làm giảm sức mua và mức chênh lệch giá từ trại chăn nuôi đến người tiêu dùng. Để bình ổn giá thịt heo trên thị trường, ngày 12-3, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn giảm giá heo hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg. Nhiều DN đã hưởng ứng. Hiện tại, giá heo hơi của các DN đã giảm, nhưng giá bán trên thị trường vẫn cao. Cụ thể, giá heo hơi tại thị trường miền nam ở mức 78.000 đến 82.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo về chợ ngày 16-3, đạt 3.780 con, mức tiêu thụ vẫn thấp. Theo Sở Công thương thành phố, ngày 17-3, thịt heo ba rọi bán giá 150.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, thịt vai 170.000 đồng/kg, thịt cốt lết 150.000 đồng/kg. Giá thịt heo ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng hơn so với giá bình quân từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg.

Để kéo giảm giá thịt heo về mức hợp lý, theo các chuyên gia nông nghiệp, giải pháp cần thực thi hiện nay là tăng cường tái đàn, các DN giảm giá heo hơi, giảm bớt tầng nấc trung gian trong chuỗi phân phối, khuyến nghị người tiêu dùng sử dụng các loại thực phẩm khác như thủy sản, hải sản, thịt bò, gia cầm để thay thế thịt heo.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đến nay dịch tả heo châu Phi đã được kiểm soát. Ngành chăn nuôi heo cả nước hiện còn 109.000 con heo giống; 2,7 triệu heo nái. Chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phát triển, chuồng trại, cơ sở vật chất cơ bản còn nguyên. Từ cơ sở này, ngành nông nghiệp đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung đẩy mạnh việc tái đàn heo để sớm hồi phục ngành chăn nuôi. Các DN lớn giảm giá heo hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg là một giải pháp góp phần bình ổn thị trường. Tuy vậy, nhiều DN chăn nuôi lớn cho rằng, chỉ có DN giảm giá thì chưa đủ lực để bình ổn thị trường mà cần có sự chung tay của nhiều thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng như thương lái, cơ sở giết mổ, kho hàng, vận chuyển, tiểu thương…

Phó Tổng Giám đốc Công ty C.P. Việt Nam Lê Xuân Huy phân tích, giữa tháng 2-2020, giá heo hơi trên thị trường hơn 85.000 đồng/kg, một số DN chăn nuôi lớn đồng hành với ngành nông nghiệp hạ giá heo hơi xuống mức 75.000 đồng/kg. Tuy vậy, một số thương lái sau khi mua heo của công ty với giá 75.000 đồng/kg khi ra khỏi cổng trang trại đã bán với giá 85.000 đồng/kg, lãi ngay 10.000 đồng/kg. Đây chính là tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: Để phát triển bền vững thị trường thịt heo trong tương lai, ngành công thương thành phố đang thực hiện các giải pháp như tổ chức kết nối, hỗ trợ các công ty chăn nuôi gia súc mở rộng thị trường, đưa sản phẩm thịt heo cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng (đã giết mổ, pha lóc) thông qua hệ thống phân phối của thành phố. Cần sớm hình thành sàn giao dịch heo của thành phố để đẩy mạnh kết nối các đối tượng chủ thể trong ngành sản xuất này, bảo đảm nguồn cung ổn định, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Theo Đề án xây dựng Sàn giao dịch heo do Sở Công thương thành phố thực hiện, quy mô thị trường thịt heo ở TP Hồ Chí Minh đạt 17.000 tỷ đồng/năm; thị trường đạt sức tiêu thụ 10.000 con heo/ngày. Nguồn thịt heo cung cấp cho thị trường thành phố chủ yếu do 10 tỉnh, thành phố lân cận với 1.500 cơ sở chăn nuôi, 24 cơ sở giết mổ, 70 thương lái, 100 thương nhân kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền cùng 12 nhà bán lẻ hiện đại. Sàn giao dịch heo là mô hình giao dịch hiện đại, phổ biến ở nhiều nước, giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với thị trường, cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch thông tin về hàng hóa giao dịch cho tất cả chủ thể liên quan; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn thị trường, giá thành ổn định và hướng tới xuất khẩu chính ngạch.