“Quả ngọt” từ chương trình tín dụng chính sách xã hội

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hàng chục nghìn hộ được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh và vượt qua ngưỡng nghèo.

"Cửa hàng xanh" của chị Trần Thị Ngọc Mỹ (phường 10, quận 6) được hình thành từ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
"Cửa hàng xanh" của chị Trần Thị Ngọc Mỹ (phường 10, quận 6) được hình thành từ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với 50 triệu đồng vay với cơ chế ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), gia đình chị Phạm Thị Quí (một hộ nghèo ở khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9) đã mượn 4 ha đất bỏ hoang và đầu tư trồng sen lấy ngó, búp, bông để bán. Sau đó, gia đình chị phát triển thêm dịch vụ chụp ảnh và du lịch sinh thái ở ao sen. Sau bốn năm, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đạt mức thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho hơn 10 lao động với mức thu nhập từ 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/người/ngày… Cũng nhờ nguồn vốn 50 triệu đồng ban đầu từ Ngân hàng CSXH và nhiều hỗ trợ khác của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 6, chị Trần Thị Ngọc Mỹ (phường 10, quận 6) đã mở được một cửa hàng kinh doanh những sản phẩm sạch, an toàn. Sau ba năm kiên trì, cửa hàng của chị Mỹ đã kinh doanh có hiệu quả và phát triển tốt, tạo thêm việc làm cho bốn lao động trong gia đình với thu nhập từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Phương Hoa cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đã có 51 nghìn 654 hộ gia đình hội viên đang vay vốn từ nguồn vốn được Ngân hàng CSXH ủy thác cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp (thông qua 10 chương trình tín dụng ưu đãi), với tổng dư nợ hơn 1.421 tỷ đồng, thủ tục vay đơn giản và nhanh chóng…

Trên toàn địa bàn thành phố, Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên cho biết: Trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp gần 264 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, kinh doanh; góp phần giúp gần 72 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2014-2015 và 2016-2018; giải quyết việc làm cho gần 123.600 lao động; hỗ trợ gần 4.900 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; giúp hơn 17.300 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới gần 155.700 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn năm huyện ngoại thành; hỗ trợ 126 lượt người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng có vốn làm ăn, khởi nghiệp. Đồng thời, qua quá trình sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần giúp người nghèo tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng dần vị thế trong xã hội; đặc biệt là từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Hiệu quả của tín dụng CSXH trên địa bàn cho thấy phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của Ngân hàng CSXH là phù hợp, hiệu quả với điều kiện thực tiễn của thành phố.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình tín dụng CSXH, ông Trần Văn Tiên đề nghị các cơ quan trung ương cần mở rộng đối tượng thụ hưởng là sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn là hộ có mức sống trung bình và nâng mức cho vay lên mức 2,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và giá cả thị trường hiện nay. Đồng thời, xem xét, có cơ chế khoanh nợ, hoặc giãn nợ từ 3 đến 5 năm cho những sinh viên vay vốn tại Ngân hàng CSXH nhưng sau khi ra trường lại chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, việc làm không phù hợp ngành học… Bên cạnh đó, cần bổ sung chính sách cho vay ưu đãi đối với các hộ dân ở các thị trấn, phường còn sản xuất nông nghiệp có nhu cầu vay vốn để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và sửa chữa các công trình nước sạch, công trình vệ sinh nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thành phố nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, giúp thành phố chủ động và thực hiện tốt hơn chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2020 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng chí cũng đề nghị các tổ chức và cơ quan liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao ý thức trách nhiệm chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH; nhất là đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình triển khai thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là ở những chi nhánh Ngân hàng CSXH, để làm tốt công tác tư vấn, giúp cho đối tượng vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả; hướng dẫn người dân cách thức giảm nghèo, thoát nghèo; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với chủ trương của thành phố về khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho người lao động.