Phát triển chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung

Mới đây, Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) đã chính thức tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Ðây là bước đi mang tính chiến lược để chuỗi QTSC trở thành một thương hiệu mạnh, có sức lan tỏa, cạnh tranh với các chuỗi Công viên phần mềm khác tại khu vực châu Á…

Các sản phẩm rô-bốt tự động dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin được trưng bày tại TP Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm rô-bốt tự động dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin được trưng bày tại TP Hồ Chí Minh.

Từ tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc thí điểm thành lập chuỗi QTSC, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát huy vai trò và thương hiệu của QTSC. Chuỗi QTSC ban đầu gồm hai thành viên: QTSC, Khu Công viên phần mềm Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (VNU - ITP), trong đó, QTSC là nòng cốt.

Các thành viên trong chuỗi được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng cho khu CNTT tập trung và khu công nghệ cao; có tư cách pháp nhân độc lập, tự nguyện liên kết, hợp tác với nhau trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các tổ chức, đơn vị có trụ sở tại Việt Nam. Mỗi thành viên chuỗi QTSC đều có định hướng phát triển dựa vào thế mạnh của từng địa phương cho nên không cạnh tranh mà bổ trợ lẫn nhau để phát triển.

QTSC định hướng phát triển mạnh về outsourcing (thuê ngoài dịch vụ: Hình thức sử dụng những nguồn lực bên ngoài để thực hiện công việc mà nhân viên trong công ty cần đảm nhận), R&D (nghiên cứu và phát triển); Khu VNU - ITP phát triển mạnh về khởi nghiệp sáng tạo. HueCIT định hướng phát triển các ứng dụng CNTT trong du lịch - văn hóa. Dự kiến trong năm nay, khu Công viên phần mềm Mekong (Mekong ITP) sẽ trở thành thành viên thứ tư của chuỗi và định hướng phát triển ứng dụng CNTT trong nông nghiệp và gia công quy trình doanh nghiệp (BPO).

Giám đốc HueCIT Lê Vĩnh Chiến cho biết: “HueCIT được thành lập từ năm 2000 trên diện tích đất 2.378 m2, tổng diện tích sàn của tòa nhà năm tầng là 2.450 m2 với đầy đủ các tiện ích cho nên rất thuận tiện cho hoạt động giao thương, hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) CNTT. Hiện, HueCIT đang có 14 DN CNTT hoạt động. Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, HueCIT đã và đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng các sản phẩm phần mềm và cung cấp các dịch vụ CNTT cho các cơ quan nhà nước và xã hội”.

Dự kiến, đến năm 2022, HueCIT mở rộng thêm không gian để phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế và thu hút được 30 DN vừa và nhỏ với quy mô khoảng 500 lao động đến đầu tư và đặt văn phòng làm việc. Ðến năm 2025, HueCIT xây dựng được thương hiệu mạnh trong lĩnh vực CNTT trên thị trường trong nước và nước ngoài, đặt kỳ vọng thu hút hơn 100 DN với khoảng 1.000 lao động, trong đó chú trọng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Việc kết nạp HueCIT tham gia vào chuỗi giúp mở rộng phạm vi, phát triển thương hiệu QTSC tại khu vực miền trung, góp phần tăng thêm sự lựa chọn cho DN, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia phát triển ngành CNTT. Ðối với HueCIT, sẽ kế thừa các bài học kinh nghiệm thực tiễn của QTSC cũng như được hưởng các chính sách ưu đãi nhằm thu hút thêm các DN CNTT và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền trung.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Ủy viên thường trực Hội đồng quản lý chuỗi QTSC, Giám đốc QTSC cho biết thêm, chuỗi sẽ đẩy mạnh kết nạp thêm nhiều thành viên mới như Mekong ITP tại Tiền Giang và thêm một vài khu mà Hội đồng quản lý chuỗi đang khảo sát, đánh giá và tư vấn để trở thành thành viên chuỗi QTSC tại Bến Tre, Cần Thơ... Ðến khi đó, chuỗi QTSC sẽ trở thành một thương hiệu mạnh, có sức lan tỏa và thu hút được đầu tư trong nước và nước ngoài, cạnh tranh với các chuỗi Công viên phần mềm khác tại khu vực châu Á…

Chuỗi QTSC được thiết kế trên cơ sở các thành viên tham gia chuỗi với tinh thần tự nguyện nhưng phải bảo đảm đồng bộ năm yếu tố: Có chung chiến lược phát triển, cùng bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh nhau; cùng sử dụng chung một thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu, kết nối với thương hiệu QTSC được quốc tế thừa nhận; chính sách ưu đãi đầu tư như nhau, được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất mà Chính phủ dành cho QTSC; cùng thực hiện các chương trình xúc tiến và thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; kế thừa và chia sẻ kinh nghiệm quản lý điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Chuỗi QTSC đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 đạt tổng doanh thu dịch vụ từ 15.000 tỷ đồng đến 17.000 tỷ đồng, tổng nhân lực CNTT làm việc trong chuỗi đạt từ 35.000 đến 40.000 người. Ðây là mô hình kinh tế tri thức đặc thù cho nên cần đầu tư nghiên cứu thấu đáo. Trong thời gian tới, QTSC và các thành viên trong chuỗi sẽ tham quan học hỏi mô hình chuỗi ở các nước, tổ chức các hoạt động đào tạo chung trong chuỗi. Cùng với đó, tập trung xây dựng sản phẩm chủ lực của chuỗi, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư vào chuỗi và quan trọng nhất là xây dựng nhận diện thương hiệu của chuỗi QTSC…