Phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ

Rừng ngập mặn Cần Giờ, huyện Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2000. Qua hơn 20 năm, đến nay, Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ thể hiện rõ vai trò là lá phổi xanh không chỉ bảo vệ cho thành phố mà cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
 

Phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ

Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ nằm trọn trong địa giới hành chính của huyện Cần Giờ với tổng diện tích 75.740 ha, trong đó vùng lõi chiếm 4.721 ha, vùng chuyển tiếp 29.880 ha và vùng đệm là 41.139 ha. Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước.
 
 Theo ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, nỗ lực phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn đã biến vùng đất hoang sơ, trơ trụi bị hủy diệt do chiến tranh trở thành những cánh rừng xanh tươi bạt ngàn, cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho các loại sinh vật phát triển. So với các nước Đông - Nam Á, hầu hết các loại thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn đều có mặt ở rừng Cần Giờ. Điều này cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, trong đó có hệ thực vật sau thời gian dài khôi phục và phát triển không những đạt về diện tích, mà còn phong phú hơn về chủng loại so với thời kỳ trước chiến tranh. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cũng như góp phần bảo vệ dân cư và hạ tầng ven biển. Phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thành công là nhờ đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư địa phương, từ việc chung tay trồng rừng trong suốt giai đoạn sau chiến tranh cho đến việc nhận khoán bảo vệ rừng, nhiều người trong số các hộ tham gia bảo vệ rừng hiện nay trước đây đã từng chặt phá rừng. Ngoài ra, việc giao rừng cho người dân chăm sóc và bảo vệ đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao sinh kế, ổn định cuộc sống và gắn bó với rừng ngập mặn Cần Giờ như hiện nay.
 
 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: “Việc gìn giữ và phát triển tài nguyên Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, áp lực phát triển kinh tế ngày càng gia tăng… là một quá trình rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, chính xác và sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của toàn xã hội. Quan trọng hơn hết, là làm thế nào để danh hiệu Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ đem lại lợi ích cho con người, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững huyện Cần Giờ nói riêng và cho cả TP Hồ Chí Minh nói chung. Điều này yêu cầu sự nhận thức đúng đắn của lãnh đạo chính quyền các cấp, sự tham gia có trách nhiệm của người dân, sự ủng hộ của toàn xã hội, nhất là lòng yêu mến, bầu nhiệt huyết và tinh thần quyết tâm của cả cộng đồng”. PGS, TS Viên Ngọc Nam, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh nhận định: “Rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường cho thành phố, tạo điều kiện thích hợp cho các ngành, như ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu, du lịch sinh thái, giáo dục… Thời gian tới, để Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ tiếp tục phát triển bền vững, cần có những nghiên cứu tổng hợp và toàn diện về đa dạng sinh vật; quản lý tổng hợp tài nguyên rừng ngập mặn cần có sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức trong nước và nước ngoài nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh vật, qua đó đưa ra các chiến lược cụ thể để bảo vệ và phát triển rừng…”.
 
 Cả nước có 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó chỉ TP Hồ Chí Minh có một khu rừng phòng hộ ven biển nằm trong thành phố. TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước, Phó Chủ tịch Hội đất ngập nước đề xuất: “Nên xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một trung tâm nghiên cứu về rừng ngập mặn quốc gia, khu vực và thế giới. Bởi, với tiềm lực khoa học và kinh tế của thành phố, vị trí của khu rừng ngập mặn này, có thể gắn với phía đông của thành phố trong tương lai để nghiên cứu khoa học. Do đó, nên nâng tầm khu rừng ngập mặn Cần Giờ vừa trở thành một mô hình mẫu để phục hồi một vùng đất ngập nước bền vững, vừa trở thành trung tâm nghiên cứu, giáo dục về rừng ngập mặn của cả nước, khu vực Đông - Nam Á và thế giới. Đồng thời, xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành một công viên giải trí, thư giãn cao cấp. Khu rừng cách trung tâm thành phố không xa, lại có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và không khí trong lành…”.