Phát huy truyền thống đất thép anh hùng

Những đổi thay có thể được gọi tên ở mỗi ấp, khu phố để vùng đất thép anh hùng thật sự đổi mới từng ngày. Diện mạo mới của quê hương Củ Chi hôm nay đã thể hiện ý chí quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền và sự đồng hành, chung sức của từng người dân.

 Mô hình trồng hoa lan trên giàn chậu đem lại nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm cho hộ nông dân Bùi Thị Xi, xã Phú Mỹ Hưng.
Mô hình trồng hoa lan trên giàn chậu đem lại nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm cho hộ nông dân Bùi Thị Xi, xã Phú Mỹ Hưng.

Thay mầu áo mới...

Sau chiến tranh, những dấu vết khốc liệt của đạn bom hiển hiện khắp nơi trên đất Củ Chi, nền kinh tế thuần nông lạc hậu, ruộng chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp (dưới 2 tấn/ha). Lực lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm cho nên đời sống người dân rất khó khăn. Thế nhưng, với tư duy và sự nhạy bén của chính quyền, nhân dân nơi đây, Củ Chi hôm nay đã là huyện đầu tiên của TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Ðổi thay từ những con đường bê-tông len lỏi khắp xóm, ấp, xóa dần cảnh nắng bụi, mưa bùn một thuở. Toàn huyện đã có 486 tuyến đường được bê-tông nhựa nóng với tổng chiều dài 687 km và 1.188 tuyến đường được rải sỏi đỏ, đá dăm với tổng chiều dài 675 km. Hệ thống kênh mương thủy lợi với chiều dài hơn 1,2 km hằng năm đều được duy tu, sửa chữa phục vụ mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, dân sinh. Nhà văn hóa, sân chơi, hệ thống điện chiếu sáng phủ kín khắp ấp, khu phố. Hơn 300 công trình cơ sở vật chất văn hóa, 226 câu lạc bộ đội nhóm được khai thác hiệu quả. Mỗi xã đều có các câu lạc bộ (CLB), loại hình sinh hoạt văn hóa như: CLB đờn ca tài tử, CLB gia đình hạnh phúc, CLB ông bà cháu, CLB dưỡng sinh, aerobic,... phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho người dân.

Người nông dân cũng đã không còn cảnh lam lũ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhiều người dân đã biết làm chủ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất, giảm bớt lao động chân tay. Những vườn rau sạch, rau thủy canh, những cây trồng áp dụng nông nghiệp công nghệ cao cho trái trĩu cành; những vườn lan đua nhau khoe sắc thắm; những chú cá cảnh đủ loại xuất khẩu ra nước ngoài; những làng nghề đan đát, tráng bánh tráng cũng đã thay đổi phương thức sản xuất bằng công nghệ, nâng cao chất lượng và mẫu mã đẹp hơn,... Sản lượng nông sản cung cấp hằng năm khoảng 208.000 tấn rau; 8.000 tấn thủy sản; 110.000 tấn sữa bò tươi; 35.000 tấn thịt các loại và 22,4 triệu cành lan mỗi năm. Doanh thu bình quân trên một héc-ta đất nông nghiệp đạt gần 500 triệu đồng/ha/năm. Ðời sống người dân không ngừng được nâng cao. Ðầu năm 2010, người dân Củ Chi có thu nhập từ 21,6 triệu đồng/người/năm, thì đến đầu năm 2020 là hơn 63 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo hiện nay chỉ chiếm 0,64%, hộ cận nghèo là 2% tổng dân số toàn huyện (theo tiêu chí mới giai đoạn 2019 - 2020 của thành phố)…

Niềm tin và nỗ lực

Chia sẻ về sự đổi thay của làng quê, ông Nguyễn Văn Gẳng, người dân xã Tân Thạnh Ðông, huyện Củ Chi hồ hởi cho biết: "Có được kết quả này là nhờ sự đồng thuận giữa chủ trương, cách làm và sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới". Thật vậy, lãnh đạo huyện xác định xây dựng cuộc sống nông thôn mới là "điểm khởi đầu" cho một đời sống mới tốt đẹp hơn. Những cố gắng không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các chỉ tiêu, mà còn hiện diện rõ hơn trong quyết tâm nâng chuẩn để phù hợp với sự đổi mới các tiêu chí, đồng thời cũng là mục tiêu tiếp theo: Về đích huyện văn hóa nông thôn mới nâng cao. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, làm từ dưới cơ sở làm lên. Mỗi phần việc, mỗi công trình đều bám sát, phục vụ lợi ích của người dân. Khi thấy được mục đích, hiệu quả, người dân sẵn sàng đồng lòng, chung sức. Câu chuyện làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ở Củ Chi là một thí dụ tiêu biểu. Nhà nước đầu tư, bà con hiến đất, vật kiến trúc, ủng hộ ngày công lao động cùng mở rộng những con đường. Có đường, phải có đèn chiếu sáng. Bà con lại cùng Nhà nước chung tay lắp đèn điện chiếu sáng trên các con đường. Theo số liệu thống kê từ năm 2010 đến 2020, vốn huy động từ sức dân gần 380 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ðiều quan trọng là tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết giữa chính quyền và người dân luôn thắt chặt.

Ðạt được những kết quả đáng mừng như hôm nay, là bài học mà thế hệ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ đảng viên thấm nhuần qua từng phần việc: Sâu sát, lắng nghe và đồng hành; kịp thời nắm bắt, hiểu và chia sẻ với người dân ở cơ sở. Dân cần gì, Nhà nước có thể đáp ứng được gì? Ðiều gì cần bà con chia sẻ?… Câu trả lời chỉ có được sau những buổi cán bộ, lãnh đạo về cơ sở vào cuối tuần, cả ở những cuộc gặp gỡ thân tình của người dân như ngày đại đoàn kết, một đám tiệc… Ở đó, người dân đã chia sẻ, tâm tình, thậm chí phản biện những việc chưa tốt, chưa hay. Ði cơ sở để được nghe, để kịp thời khắc phục, sửa chữa, xác định những việc phải làm ngay, những việc còn cần sự bàn bạc… Ðiều này cho thấy, người dân đặt niềm tin sâu sắc vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Ðảng; ý chí, nghị lực và sức mạnh đồng thuận của con người Củ Chi luôn được trân trọng, gìn giữ và phát huy. Truyền thống cách mạng quê hương, sự thống nhất trong Ðảng bộ, chính quyền cộng hưởng với sự đồng thuận trong nhân dân đã và đang giúp Củ Chi đạt được nhiều thành quả phát triển sau 45 năm xây dựng kể từ ngày quê hương sạch bóng quân xâm lược.