Ðột phá đưa TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh là địa phương có vai trò và vị thế quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, quá trình này đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức lớn (tăng dân số, quá tải hạ tầng, ngập lụt, ô nhiễm, kết nối vùng,…). Ðặc biệt, sự “chững” lại trong quá trình phát triển đô thị đang xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, nhất là  cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra yêu cầu về sự thay đổi về tư duy, công tác quy hoạch tổng thể để thành phố có sự định hướng phát triển dài hạn, bền vững và xứng tầm.

Một góc đô thị TP Hồ Chí Minh hôm nay.
Một góc đô thị TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Bài 1: Mặt trái của quá trình đô thị hóa

Là một đô thị đặc biệt, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực và có đóng góp quan trọng đối với cả nước. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã khiến thành phố đối mặt nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nhiều vấn đề báo động

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong hơn 45 năm qua, thành phố là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước. Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thành phố vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371 nghìn tỷ đồng, đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Ðặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020. Trên các lĩnh vực khác, thành phố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðơn cử, trong lĩnh vực giảm nghèo tăng hộ khá tính đến cuối năm 2020, thành phố đã hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố khóa 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn dưới 0,3%. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu xây dựng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Tương tự, ở các chương trình giáo dục, y tế,… thành phố đều có những kết quả tích cực, nhất là  đổi mới, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, nâng cao hiệu quả công tác tại các đơn vị.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ tại TP Hồ Chí Minh khiến thành phố đối mặt nhiều nguy cơ, nhất là tốc độ phát triển đô thị chưa cân bằng với yếu tố “hiện đại” và “bền vững”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Ðình Hưng, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Yếu tố bền vững ở đây được hiểu rằng, sự phát triển bền vững không chỉ thỏa mãn nhu cầu của con người trong giai đoạn hiện tại mà còn cho cả tương lai với các tiêu chí cần phải đáp ứng: kinh tế, xã hội và môi trường. Thực tế cho thấy, các yếu tố này đều đang có những bất cập. Cụ thể, yếu tố môi trường đang là vấn đề đáng báo động với thành phố suốt nhiều năm qua. Hệ thống kênh, rạch, nhất là khu vực nội thành đã bị ô nhiễm nặng nề. Theo thống kê, hiện có đến 60-70% chiều dài của các tuyến kênh nội thành bị ô nhiễm nặng. Thậm chí, quá trình đô thị hóa cũng đã “khai tử” nhiều dòng kênh vốn có chức năng trữ và thoát nước trong mùa mưa cho thành phố. Tương tự, ô nhiễm không khí rất đáng lo ngại. Với quy mô số dân hơn chín triệu người, thành phố hiện có hơn 825 nghìn ô-tô và 8,12 triệu xe máy. Con số này không ngừng tăng lên theo từng năm, dù đây đang là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trầm trọng cho thành phố.

Ðược xem là nơi “đất lành chim đậu” nhưng nhiều năm qua, sự đa dạng trong các tầng lớp dân cư cũng khiến thành phố đối mặt tình hình mất an ninh trật tự. Các loại tội phạm hình sự, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp. Trong thực thi chính sách và chất lượng cung ứng dịch vụ công, vẫn còn nhiều vấn đề khiến người dân chưa hài lòng và chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố. Giới chuyên gia đánh giá: Những vấn đề này đã làm giảm sức hấp dẫn của thành phố đối với nhà đầu tư, du khách.

Làm gì để phát triển đô thị bền vững ?

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thư tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức và công nghệ mới. Là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực, TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Với các mục tiêu về kinh tế - xã hội trung và dài hạn đã đề ra tại Ðại hội Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, có thể thấy bức tranh tổng thể của thành phố trong thời gian tới sẽ là gắn tăng trưởng kinh tế với thu nhập bình quân đầu người; thúc đẩy tiến bộ xã hội; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. 

Ðề xuất các giải pháp cho các mục tiêu này, PGS, TS Nguyễn Văn Luân, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố cần chuyển đổi một cách mạnh mẽ mô hình tăng trưởng sang chiều sâu và duy trì tốc độ tăng trưởng 8%/năm giai đoạn 2021- 2030; phát triển mạnh kinh tế tư nhân để tạo động lực quan trọng cho kinh tế thành phố. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Chuyển đổi mô hình quản lý thành phố theo đề án Chính quyền đô thị đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính một cách thiết thực, hiệu quả. Ðứng ở góc độ phát triển bền vững, TS Nguyễn Ðình Hưng cho rằng: Thành phố cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật, tăng cường phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự xã hội. Trong bối cảnh thời đại số hiện nay, thành phố cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, xây dựng đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, thành phố cần quan tâm các mô hình, phương thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm đến mức thấp nhất những tác động lên môi trường, cuộc sống.

(Còn nữa)