Ðòn bẩy phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông

Giá trị sản xuất sản phẩm của toàn Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) trong 10 tháng năm 2020 đạt hơn 16,2 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Ðây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ðại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ cao trưng bày tại tòa nhà Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.
Ðại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ cao trưng bày tại tòa nhà Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.

Tính đến nay, SHTP có 85 dự án đang hoạt động chiếm hơn 53% và 75 dự án đang triển khai chiếm gần 47% trong tổng số dự án đầu tư. Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao (CNC) 10 tháng năm 2020 đạt 16,223 tỷ USD tăng 19,82% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm CNC đạt gần 21 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,45% so với kế hoạch đề ra. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm CNC của SHTP ước đạt 80,951 tỷ USD và giải quyết việc làm cho 42.246 lao động. Tuy tổng số lao động chỉ chiếm chưa đến 1% so với tổng số lao động của thành phố nhưng năm 2019, SHTP đóng góp giá trị xuất khẩu chiếm đến 37% của thành phố. Năng suất lao động tại SHTP gấp 28 lần so với năng suất lao động bình quân các khu công nghiệp trên địa bàn, gấp 77 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.

Cùng với đó, SHTP cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, đào tạo và ươm tạo; tham gia 11 bài báo khoa học trong nước và quốc tế; hợp tác thương mại hóa ba sản phẩm gồm gel rửa tay khô Silvergreen, nước súc miệng ASIN và kem trị mụn Acnes Goldstars. Ðồng thời, được chấp nhận hai đơn đăng ký giải pháp hữu ích từ Cục Sở hữu trí tuệ và nhận bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp với sản phẩm "Thiết bị chế tạo vật liệu tản nhiệt". Phối hợp với Trường đại học Griffith (Ô-xtrây-li-a) xây dựng đề án "Ứng dụng công nghệ MEMS tại TP Hồ Chí Minh". SHTP cũng đã xây dựng hoàn chỉnh cơ bản kết cấu hạ tầng và khép kín về đường giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, viễn thông và một số công trình hạ tầng khác đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phục vụ sản xuất sản phẩm CNC.

PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, SHTP dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư đạt 3 tỷ USD, với hơn 50 dự án CNC. Trong đó, thu hút thành công từ một đến hai tập đoàn CNC của thế giới đầu tư vào SHTP. Ðến năm 2025, hoàn thành và đưa vào hoạt động của các công trình thuộc các khu không gian khoa học, khu chức năng thương mại - dịch vụ, khu nhà ở chuyên gia, kết nối hạ tầng đồng bộ với các khu vực lân cận, nhất là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ góp phần phát triển SHTP trở thành một môi trường sống, học tập và làm việc lý tưởng nhất của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP Hồ Chí Minh.

Với những lợi thế nêu trên, SHTP đưa ra mục tiêu trở thành nơi đóng góp chủ lực về kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong thời gian tới. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng nội địa đạt hơn 35%. Số lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt hơn 5% tổng số lao động. Phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất sản phẩm CNC của các doanh nghiệp (DN) trong nước giai đoạn 2021 - 2025 tăng gấp hai lần của giai đoạn 5 năm trước (giai đoạn 2015 - 2020). PGS, TS Nguyễn Anh Thi cũng cho biết thêm, do chú trọng thu hút đầu tư các dự án CNC có trọng tâm, trọng điểm, đạt về lượng và chất đã tạo nền tảng bảo đảm sản lượng công nghiệp CNC tại SHTP tăng nhanh và bền vững trong những năm qua. Nguyên nhân cơ bản đạt kết quả nêu trên là do các sản phẩm chủ lực của SHTP đúng theo tiêu chí sản phẩm CNC, có tính cạnh tranh toàn cầu. Hàm lượng giá trị tạo ra từ R&D (nghiên cứu và triển khai) trong cơ cấu giá trị sản phẩm tăng dần, vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm tại các khu công nghiệp cả nước. Ðây là yếu tố quan trọng khiến SHTP đóng góp cho nền kinh tế thành phố và cả nước ngày càng tăng, dự kiến trong năm nay sẽ đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố. Thành công bước đầu của SHTP là cơ sở, mô hình cho các tỉnh trong khu vực mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư các khu CNC tại địa phương mình.

Tuy nhiên, SHTP hiện vẫn đối diện với những khó khăn, thách thức, như thiếu chiến lược quốc gia về CNC, đầu tư CNC còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các loại hình dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Song song đó, chế độ đãi ngộ, nhà khoa học… còn thấp, bình quân như cơ quan hành chính, kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý hoạt động khoa học - công nghệ còn những hạn chế nhất định. DN trong nước đầu tư trong SHTP phần lớn là DN nhỏ và vừa, chưa quan tâm đúng mức đến công tác đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các đơn hàng lớn và thường trễ hạn.

Thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là ở kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành phố đang triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông (quận 2, quận 9 và quận Thủ Ðức). Trong đó, SHTP được xác định là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị này, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực CNC trong nước và nước ngoài, thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ðể thực hiện được mục tiêu nêu trên, SHTP kiến nghị các đơn vị liên quan xem xét, chỉ đạo cho phép SHTP thực hiện cơ chế đặc thù "một cửa liên thông" trong phối hợp với các sở, ngành… để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho DN; xem xét, chỉ đạo tháo gỡ vấn đề quy hoạch và đầu tư công khu không gian khoa học; giao Ban Quản lý SHTP được tiếp tục chủ trì triển khai dự án thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm CNC trong hoạt động nghiên cứu triển khai, tăng cường gắn kết SHTP và Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; sớm thông qua chủ trương đối với các chính sách hỗ trợ cho đầu tư giai đoạn 2 của dự án Intel Việt Nam.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH