“Nóng” chuyện học phí trường y

Tại cuộc họp Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) khối ngành sức khỏe của TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 vừa diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, câu chuyện tăng học phí nhóm ngành y dược tiếp tục trở thành đề tài nóng...

Sinh viên Y khoa Trường đại học Nguyễn Tất Thành thực hành khám, chữa bệnh.
Sinh viên Y khoa Trường đại học Nguyễn Tất Thành thực hành khám, chữa bệnh.

Bàn đến chuyện học phí của sinh viên nhóm ngành sức khỏe, PGS, TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: Với mức thu chỉ 13 triệu đồng/sinh viên/năm như hiện nay, nhà trường đang rất khó khăn. Trường đang phối hợp 62 bệnh viện và trung tâm y tế để người học có đủ môi trường thực hành. Thế nhưng, chi phí mà trường chi trả cho các bệnh viện thậm chí “không đủ để sinh viên rửa tay với xà phòng sát khuẩn” chứ chưa nói là sử dụng những thiết bị, dụng cụ khác. “Nhiều lúc đích thân hiệu trưởng phải gọi điện năn nỉ bệnh viện để duy trì mức chi phí thấp vì chỉ cần một, hai bệnh viện tăng, mấy chục bệnh viện còn lại tăng theo thì trường không đủ khả năng chi trả. Chúng tôi thật sự rất lo lắng”, PGS, TS Ngô Minh Xuân tâm tư.

Ngoài việc thiếu kinh phí chi trả cho môi trường thực hành, học việc của sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn đứng trước mối lo lớn khác là mất giảng viên và mã ngành đào tạo. Theo phân tích của PGS, TS Ngô Minh Xuân, từ năm 2017 đến nay, khi thực hiện mô hình tự chủ, nhà trường không được thu tăng thêm mà còn bị cắt ngân sách hơn 80 tỷ đồng/năm. Mặc dù Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xây dựng đề án nâng mức học phí lên 32 triệu đồng/năm nhưng vẫn chưa được duyệt. Với các khoản thu hiện tại, trường khó cầm cự trong thời gian tới. Nếu thu nhập và đời sống giảng viên không được cải thiện thì nhiều người sẽ rời trường. Hiện nay, nhiều trường ĐH tư chấp nhận trả lương gấp 10 lần để thu hút nhân tài, nhất là những giảng viên có học hàm, học vị. Khi các thầy cô ra đi, trường sẽ mất vị trí đó, dẫn đến mất mã ngành đào tạo, không đào tạo được. Chỉ cần một giảng viên có học hàm, học vị bỏ đi thì trường sẽ mất một đến hai mã ngành, việc xây dựng lại tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Đại diện nhiều trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần tính toán để đưa ra mức học phí mới phù hợp với điều kiện hiện nay. Khi các khoản thu quá eo hẹp rất khó để bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hành.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, việc đào tạo của nhóm ngành sức khỏe tốn kém gấp năm đến sáu lần các ngành đào tạo khác, nếu cứ yêu cầu các trường “cào bằng” học phí thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ tương lai theo chuẩn hội nhập là rất khó.

Trước những ý kiến đa chiều chung quanh mức học phí một số ngành dự kiến tăng mạnh như Răng - Hàm - Mặt (70 triệu đồng/năm), Y khoa (68 triệu đồng/năm), PGS, TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, mức học phí này không phải quá “sốc” như nhiều người đang nghĩ vì thực ra trường vẫn chưa tính đúng, tính đủ mức phí đào tạo. Bên cạnh đó, không phải ngành đào tạo nào cũng xấp xỉ 70 triệu đồng/năm mà có những ngành chỉ ở mức 30 triệu đồng/năm.

Theo người đứng đầu Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, để nói học phí cao hay thấp thì phải phân tích kỹ ba yếu tố quyết định là đầu tư về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Học phí các ngành không đổ đồng mà dựa trên chi phí đào tạo cần thiết, cốt lõi là bảo đảm chất lượng đào tạo và trải nghiệm của sinh viên. Việc thu học phí quá thấp trong điều kiện hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến nhà trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực của xã hội. Học phí thấp, thu nhập giảng viên không tăng thì trường rất khó giữ chân người dạy. Nếu học phí quá thấp, các trường thuộc nhóm ngành sức khỏe cũng không thể đào tạo được nhân lực bậc cao có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Thời gian qua, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và chương trình đào tạo; đã phối hợp ĐH Harvard Mỹ để xây dựng chương trình đào tạo, thực chất có thể coi đây là chương trình chất lượng cao, với đội ngũ giảng viên khá hùng hậu. Nếu đối đãi không tốt thì khó giữ chân đội ngũ. Hiện nay, sinh viên một số trường y tại Việt Nam có thể thi bằng tương đương để hành nghề y khoa tại Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2024, nếu trường ĐH không được kiểm định chất lượng và được công nhận bởi Liên đoàn Đào tạo y khoa thế giới, sinh viên trường đó sẽ không được tham gia kỳ thi này. Muốn tăng các chuẩn hiện có, các trường cần nguồn kinh phí không nhỏ. Nếu không tăng học phí thì rất khó thực hiện việc này…

Theo PGS, TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, điều quan trọng nhất là học phí phải phản ánh đúng chất lượng đào tạo. Chi phí dành cho đào tạo nhóm ngành sức khỏe là rất lớn, nếu tính toán đúng thì mức học phí mà mỗi sinh viên phải trả sẽ lớn hơn nhiều so với con số các trường dự kiến. Từ trước đến nay, các trường y đều được Nhà nước đầu tư nên có thể duy trì mức học phí thấp. Nhưng khi bước vào giai đoạn tự chủ, tách bạch mọi thứ, phần phí sẽ xuất hiện. Học phí cao đồng nghĩa với việc các trường cần bảo đảm tốt chất lượng bài giảng, phòng thí nghiệm và các dịch vụ khác để phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành của sinh viên. Nếu chỉ riêng học phí tăng còn mọi thứ vẫn như cũ thì sinh viên sẽ không chấp nhận…

Việc tăng học phí trong hệ thống trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe trong bối cảnh hiện nay xuất phát từ thực tế, tuy nhiên, tăng như thế nào để người học không “sốc” và bảo đảm lộ trình là điều quan trọng.