Nỗ lực "xanh hóa" các tuyến kênh, rạch

Theo các chuyên gia đô thị, nạo vét, cải tạo, chỉnh trang các con kênh, rạch bị bồi lắng, ô nhiễm là giải pháp căn cơ, bền vững để xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực cải tạo và đã "xanh hóa" nhiều tuyến kênh "đen" trên địa bàn.

Rạch Sơ Rơ (phường Thạnh Xuân, quận 12), một trong nhiều dự án vừa được nạo vét, chỉnh trang trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Rạch Sơ Rơ (phường Thạnh Xuân, quận 12), một trong nhiều dự án vừa được nạo vét, chỉnh trang trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Với người dân khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, con rạch Rỗng Tùng đã xanh, sạch giống như là họ được chuyển đến nơi ở mới khang trang, hiện đại. Trước đây, án ngữ bên cạnh nhiều nhà dân khu vực này là một dòng kênh đen kịt, hôi thối, quanh năm đọng rác, gây ngập úng. Nay, con rạch đã trở thành một công viên, nhà nào cũng được hưởng không khí thoáng mát. Hai bờ rạch đã được kè bê-tông kiên cố, những bãi rác trước đây đã trở thành những bãi cỏ, khóm hoa quanh năm khoe sắc.

Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân (quận 12) Nguyễn Tiến Đạt cho biết, để có được sự đổi mầu nước các con rạch là do sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tất cả các gia đình đều cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và xuống các tuyến kênh, sông, rạch trên địa bàn. Hiện, rạch Rỗng Tùng đã được nạo vét, kè kiên cố. Theo kế hoạch, năm 2022, phường tiếp tục phát triển xanh dọc hai bên tuyến rạch Bà The, cải tạo các điểm rác phát sinh, rác lâu năm thành vườn hoa, mảng xanh. Hằng tuần, phường bố trí lực lượng thực hiện tổng vệ sinh, vớt rác, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch.

Theo UBND quận 12, đến nay, toàn quận đã thực hiện việc nạo vét, cải tạo, đưa vào sử dụng 9/18 tuyến kênh, rạch; chín tuyến kênh, rạch còn lại đang được triển khai thi công. Các dự án nạo vét, kiên cố hóa các tuyến kênh mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan đô thị sạch đẹp và nhất là phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, không để xảy ra ngập úng…

Không chỉ quận 12 mà nhiều địa phương ở TP Hồ Chí Minh cũng đã nạo vét, cải tạo được các dòng kênh trước đây là nỗi ám ảnh của người dân về ô nhiễm, ngập úng. Các quận 6, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân đã cải tạo, nâng cấp kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5 km; quận Bình Thạnh cải tạo rạch Lăng; TP Thủ Đức cải thiện môi trường, khai thông dòng chảy cho tuyến kênh Rạch Bầu Hòn (phường Hiệp Bình Phước)... Tính chung đến nay, TP Hồ Chí Minh đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét 81,2 km sông, kênh, rạch với tổng số 229 tuyến; khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài gần 60 km góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường…

Theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, qua hai năm thực hiện cuộc vận động "Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" theo Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Bước đầu, người dân đồng tình ủng hộ, tham gia dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải bừa bãi ở nơi cư trú, nơi làm việc, rồi cùng nhau thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa góp phần cải thiện vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Đến nay, các quận, huyện, thành phố đã giải quyết được toàn bộ 825 điểm ô nhiễm về rác thải trên địa bàn; trong đó, có 159 điểm đã được chuyển hóa thành điểm sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên...

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2021, thành phố sẽ dồn lực thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) và kênh Tham Lương - Bến Cát (quận Tân Bình, Bình Tân); khôi phục kênh Hàng Bàng (quận 5 và 6), kênh A41 (quận Tân Bình)... nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan, tạo môi trường sống xanh, sạch cho người dân. Tuy nhiên, cái khó của chương trình này là thiếu vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Người dân cần chỗ ở ổn định, bảo đảm sinh kế, con cái học hành thuận tiện. Chủ đầu tư cần giải quyết bài toán về hiệu quả kinh tế...

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để giải quyết bài toán về vốn khi thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, thành phố nên khuyến khích những giải pháp xã hội hóa. Sau khi chỉnh trang, làm sạch kênh, rạch thì giá trị nhà, đất sẽ tăng lên hàng chục lần. Đây là vấn đề kinh tế khả thi, trong đó Nhà nước lo bồi thường, giải tỏa, tư nhân lo phát triển dự án.

Theo PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, thành phố nên tính toán giải pháp sử dụng nguồn lực tại chỗ để hồi sinh các kênh, rạch bị bồi lắng, ô nhiễm. Khi tiến hành dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch, cần tính toán mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó triển khai dự án. Đồng thời, có thể triển khai xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng. Trước mắt, thành phố có thể tập trung thực hiện một số tuyến kênh, rạch chính như rạch Xuyên Tâm, tránh việc đầu tư dàn trải...

Thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang hoàn thiện Đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045. Theo đó, Ðề án xác định thành phố sẽ quy hoạch, đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn cùng hệ thống kênh, rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng gắn với mô hình phát triển các trung tâm phụ đô thị có những chức năng hỗn hợp như văn hóa giải trí, hoạt động cộng đồng, thương mại dịch vụ, cư trú, du lịch, tiêu thoát nước và cải thiện môi trường. Khi đã hoàn thiện quy hoạch, hoàn thiện cơ sở pháp lý chắc chắn, thành phố sẽ huy động được các nguồn lực xã hội tham gia chỉnh trang và cải tạo các tuyến kênh, rạch...