Nỗ lực giảm “điểm đen” giao thông

Số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều khiến hạ tầng giao thông đang chịu sức ép lớn, cộng với ý thức tham gia giao thông của không ít người dân còn thấp đã và đang tạo nên những “điểm đen” về tai nạn, ùn tắc. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm bớt các “điểm đen” về giao thông.

Xử lý ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán khó đối với TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Xử lý ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán khó đối với TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố có 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Con số này năm 2018 là 34. Để từng bước giảm thực trạng này, từ đầu năm 2018, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng chi tiết kế hoạch và triển khai thực hiện.

Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) Ngô Hải Đường cho biết, một trong những giải pháp Sở đang thực hiện là điều chỉnh, tổ chức phân luồng giao thông ở những tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc như tuyến đường sắt đô thị số 1 tại khu vực ngã tư Thủ Đức; dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1); dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận 4, quận 8;... Ngoài ra, ngành giao thông cũng thực hiện việc xử lý kỹ thuật như cải tạo kích thước hình học, điều chỉnh dải phân cách, sắp xếp lại các làn xe, bổ sung biển báo cấm quay xe, cấm ô-tô rẽ trái trong giờ cao điểm, lắp đặt dải phân cách di động, kết nối các chốt đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt ca-mê-ra quan sát giao thông,... góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc.

Bên cạnh các giải pháp “mềm”, ngành giao thông thành phố cũng dành nguồn vốn để triển khai về hạ tầng, kỹ thuật. Trong năm 2018, ngành đã khởi công tám dự án và tổ chức thông xe kỹ thuật, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 13 công trình, hạng mục công trình như hầm chui và cầu vượt thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2); nhánh N1 thuộc dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương (quận 12);… Nhờ đó, tình hình ùn tắc giao thông tại 34 điểm có nguy cơ đã được cải thiện bước đầu, trong đó có 17 điểm có chuyển biến tốt, 10 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và bảy điểm không chuyển biến.

Xác định kéo giảm ùn tắc giao thông là một trong những mục tiêu thuộc bảy chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10, trong giai đoạn 2018-2020, TP Hồ Chí Minh ưu tiên cho mục tiêu giảm ùn tắc giao thông với nguồn vốn bố trí khoảng 96.000 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, thành phố sẽ làm mới và đưa vào sử dụng gần 190 km đường bộ và 49 cây cầu; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2020 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án nâng cấp, đẩy nhanh xây dựng hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng hoàn thành Trung tâm Điều hành giao thông thành phố; rà soát, sắp xếp lại các vị trí dừng, đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè; có giải pháp hạn chế sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe…

Số liệu từ Sở Giao thông vận tải thành phố cho thấy, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn thành phố tồn tại 17 “điểm đen” tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11-2018, thành phố lại phát sinh thêm sáu điểm mới.

Tại khu vực cầu Phú Mỹ (nối quận 2 và quận 7) dù các cơ quan chức năng đã tiến hành cắm biển giảm tốc độ, hạ tốc độ từ 60 km/giờ xuống 40 km/giờ, lắp ca-mê-ra để xử phạt nhưng nhiều vụ tai nạn vẫn liên tục xảy ra, một trong những nguyên nhân là do sự chủ quan, không quan sát kỹ khi xe tải nặng xuống dốc. Tương tự, trên quốc lộ 1A (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Trần Đại Nghĩa thuộc quận Bình Tân) cũng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Theo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, các điểm đen về tai nạn luôn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ từ các cơ quan chức năng.

Trong nỗ lực giảm bớt số “điểm đen” về tai nạn, ngành giao thông thành phố đã thực hiện việc cải tạo kích thước hình học nhằm giải quyết “điểm đen” chân cầu Phú Mỹ (phía quận 2); nghiên cứu điều chỉnh tổ chức phân luồng giao thông nhằm giải quyết hai điểm đen tại giao lộ Đỗ Xuân Hợp - đường số 1 (quận 9) và đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 (đoạn từ trụ điện NDT/T170C đến trụ điện T173C).

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh (PC67) cho biết, để nâng cao hiệu quả việc kiểm soát tình hình giao thông, đơn vị sẽ tăng cường khai thác thiết bị công nghệ số, đẩy mạnh giải quyết các điểm ùn tắc. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2018, đơn vị đã kịp thời xử lý sự cố, ngăn chặn và giải quyết được 34 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Công nghệ thông tin cũng giúp việc kết nối trực tiếp đến các đơn vị để khi có bất kỳ sự cố nào, thông tin sẽ được báo cáo bằng hình ảnh và có chỉ đạo kịp thời, rút ngắn thời gian xử lý chỉ còn 10 đến 20 phút thay vì phải mất từ một đến ba ngày thực hiện các quy trình như trước kia.