Những vở diễn đặc biệt

Sân khấu nhỏ, khán giả không đông nhưng đến những đoạn cao trào hay hài hước, tiếng vỗ tay bên dưới kéo dài thật lâu. Ánh sáng hài hòa, âm nhạc cuốn hút cùng lời thoại, diễn xuất chuyên nghiệp khiến người xem quên mất đây chỉ là buổi báo cáo kết thúc học kỳ của sinh viên trường nghệ thuật.

Cảnh trong trích đoạn “Lão hà tiện” của sinh viên, đạo diễn Võ Cẩm Tiên được dàn dựng với nhiều nét mới, thu hút người xem.
Cảnh trong trích đoạn “Lão hà tiện” của sinh viên, đạo diễn Võ Cẩm Tiên được dàn dựng với nhiều nét mới, thu hút người xem.

Làm mới các vở kinh điển

Một lần nữa, nhiều khán giả vỡ òa cảm xúc với “Cô gái Đan Mạch” - một tiểu thuyết giàu cảm xúc đã chuyển thể thành công sang phim điện ảnh cách đây không lâu. Thế nhưng, ở phiên bản mới - kịch nói - và thể loại độc thoại, phần diễn xuất của nam diễn viên trẻ Mai Bảo Vinh, sinh viên năm 3, lớp Đại học Diễn viên Kịch - Điện ảnh K2B, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh (SKĐA) TP Hồ Chí Minh ngay tại sân khấu nhỏ của trường đã khiến nhiều khán giả bất ngờ, xúc động. Chị Nguyễn Ngọc Anh, một khán giả đến xem chương trình cho hay: “Nếu không nghe người dẫn chương trình giới thiệu, tôi không tin đây đơn thuần là buổi biểu diễn để thi hết học kỳ của sinh viên. Rất giàu cảm xúc và chuyên nghiệp từ cách dàn dựng đến biểu diễn. Tôi đã đọc sách, xem phim “Cô gái Đan Mạch” nhưng khi xem phần trình diễn độc thoại của các bạn, tôi thấy rất nhiều nét mới. Làm mới cái đã trở nên quen thuộc trong lòng khán giả là việc không dễ dàng”.

“Độc thoại LiLi Elbe” của biên kịch trẻ Tùng Trần lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, phim điện ảnh “Cô gái Đan Mạch” cũng gây được ấn tượng. Dẫn dắt nhẹ nhàng nhưng đầy tinh tế, tác giả đẩy cảm xúc của người xem lên đỉnh điểm để sẻ chia khát khao được là chính mình của LiLi, để tôn vinh tình yêu trong cuộc sống. “Khi bắt tay thực hiện phần trích đoạn này, em biết là rất liều lĩnh nhưng vẫn muốn làm chỉ để nhắn nhủ với mọi người thông điệp rằng, khi yêu người ta sẽ hy sinh cho tình yêu, cho người yêu của mình. Có những phân đoạn rất khó để diễn trên sân khấu kịch hay nhiều phân đoạn phải thực hiện thật tinh tế tranh phô. May mắn là em tìm được một biên kịch tài năng và một diễn viên ăn ý. Em luôn tin tưởng mọi người sẽ làm thật tốt để đưa LiLi tỏa sáng trên sân khấu. Với em, dù chỉ là bài tập báo cáo kết thúc học kỳ nhưng vẫn phải cố gắng hết sức để mọi thứ “tới nơi tới chốn”, Cao Dương Nhã Ngọc, lớp Đạo diễn sân khấu liên thông K3 Trường đại học SKĐA TP Hồ Chí Minh, đạo diễn “Độc thoại LiLi Elbe” chia sẻ. 

Bên cạnh “Cô gái Đan Mạch”, trích đoạn “Lão hà tiện” của Võ Cẩm Tiên hay trích đoạn “Macbeth” theo hình thức song ngữ Việt - Anh của Huỳnh Tấn Mẩm… cũng khiến người xem thích thú vì sự phá cách, ấn tượng trong cách làm. Chỉ trên sân khấu nhỏ của trường với điều kiện còn nhiều hạn chế, các đạo diễn, diễn viên tương lai đã thuyết phục được khán giả bằng chính tài năng và sự khéo léo của mình. Họ khiến khán giả cùng khóc cười, hạnh phúc, cùng khổ đau, tức giận với những nhân vật do mình làm mới từ các vở kinh điển. Họ khiến người xem quên đi không gian chật hẹp chung quanh để hòa mình vào dòng chảy đong đầy cảm xúc của những trích đoạn tươm tất kéo dài chưa đến 30 phút. Nơi mà nhân vật được tạo ra rõ nét cùng sự kết hợp hài hòa với âm nhạc, ánh sáng, phục trang và cả những trái tim say mê nghệ thuật.  

Giọt mồ hôi trên sân khấu

Để có gần 30 phút tỏa sáng trên sân khấu, các sinh viên tham gia biểu diễn mất rất nhiều thời gian, công sức cho từ khâu lên ý tưởng, hoàn thiện kịch bản, tập luyện, chuẩn bị phục trang, thiết kế. Thay vì chọn biên kịch, diễn viên chuyên nghiệp trên thị trường, các đạo diễn tương lai chọn đồng hành cùng bạn bè mình, những người trẻ yêu nghề, mê sáng tạo. Nhìn cách các bạn tỉ mẩn vẽ từng họa tiết trên các bộ trang phục và giải thích bông hoa này ý nghĩa gì, họa tiết kia tại sao nằm chỗ đó mới thấy được sự kỳ công, chu toàn. Ngày nhận được kịch bản người bạn mình yêu mến trong trường đưa tận tay, Mai Bảo Vinh nhận lời ngay vì bản thân cảm thấy thích thú với phần thử thách này: “Tụi em làm việc với nhau rất ăn ý và rất thích kịch bản này. Ban đầu hơi băn khoăn vì “Cô gái Đan Mạch” là bộ phim nổi tiếng như vậy, khi làm trên sân khấu để khác đi rất khó. Cảnh khó nhất trong trích đoạn là thay đồ ngay tại sân khấu, đòi hỏi cách xử lý tinh tế, nếu không sẽ làm hỏng cả vở diễn. Mà càng khó, tụi em lại càng thích vì qua từng bước như vậy sẽ có thêm kinh nghiệm”. 

Không có nhiều kinh phí và muốn tự thử sức mình ở các khâu, đa phần các bạn sinh viên ngoài vai trò đạo diễn còn kiêm thêm thiết kế sân khấu, chọn phối nhạc, chuẩn bị phục trang cùng hàng trăm việc không tên khác. Theo sát lớp Đạo diễn sân khấu liên thông K3 từ ngày nhập môn đến buổi thi học kỳ 3, Thạc sĩ, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học SKĐA TP Hồ Chí Minh đang đồng hành cùng những bạn trẻ “cháy” hết mình với nghề. Điều khiến giảng viên này hạnh phúc nhất chính là tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm của nhiều sinh viên. Càng đáng quý hơn khi họ chấp nhận rủi ro để làm mới các vở kinh điển theo góc nhìn của người trẻ ngày nay. “Tôi không can thiệp nhiều, tôi lắng nghe và tôn trọng các bạn trẻ trong cách họ chuẩn bị mọi thứ cho nên chỉ góp ý khi thật sự cần thiết. Theo tôi, nhiệm vụ của nơi đào tạo là kích thích sự sáng tạo và năng khiếu của người học, tạo điều kiện để người nghệ sĩ làm thành cái của họ chứ không phải ép họ làm theo khuôn mẫu hay bắt buộc đi theo con đường đã quy định nào đó. Truyền nghề là kỹ thuật diễn, cách tổ chức sao cho hay, cuốn hút chứ không áp đặt. Nhiều bạn trẻ ngày nay làm rất tốt và yêu nghề, đó là tín hiệu đáng mừng. Như các sinh viên đạo diễn trong buổi diễn báo cáo này, các bạn rất sáng tạo và chuyên nghiệp. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhiều bạn đã được các sân khấu mời dựng vở, dựng tiết mục và các bạn rất biết cách quảng bá, giới thiệu năng lực bản thân. Điều này sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều trong con đường sắp tới”, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết.

Từ những buổi báo cáo như thế này, những đạo diễn, biên kịch, diễn viên tương lai có cơ hội được cọ xát thực tế, giải quyết các vấn đề phát sinh và làm quen với khán giả. Và khi thật sự nghiêm túc từ những điều nhỏ nhất, cộng với tài năng và sự sáng tạo của mình, họ sẽ có nhiều bệ phóng để bay cao, bay xa trong nghệ thuật.