Những nghĩa cử trong đêm

Họ đều là những người lao động bình thường, nhưng khi màn đêm buông xuống, họ lại lên đường làm nhiệm vụ giúp người. Sửa xe, cứu hộ xe máy, tai nạn giao thông... chỉ cần thấy là họ lập tức giúp đỡ mà chẳng cần ai nhớ mặt, đền ơn...
 

Thành viên đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân giúp đỡ người đi đường bị hư xe trong đêm.
Thành viên đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân giúp đỡ người đi đường bị hư xe trong đêm.

Khi người dân đang quây quần bên gia đình thì những thành viên của đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân lại miệt mài trên các tuyến đường của quận. Thấy hai cô gái đang dắt bộ xe đạp điện bị hư gần đường Tên Lửa (quận Bình Tân), các thành viên nhanh chóng đề nghị được giúp. Sau khi kiểm tra tình trạng xe, một thành viên lấy bộ đồ nghề với đủ dụng cụ, ốc vít, bơm vá... Nhoáng cái xe đã sửa xong, hai cô gái mừng rơi nước mắt. Một đoạn đường khác, phát hiện xe người bán hàng rong hết xăng, đội nhanh chóng cho xăng, bơm bánh để người này đi tiếp. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Những lời cảm ơn, những nụ cười vui mừng của người đi đường là động lực để cả đội tiếp tục công việc đến sáng.
 
 Chủ nhiệm đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ: “Tôi là dân xây dựng, thường xuyên về nhà trễ. Nhiều lần, tôi đang về nhà thì bị hỏng xe phải dắt bộ, đẩy xe một quãng đường dài rất mệt. Tôi nghĩ, mình là thanh niên mà còn mệt, nếu là người già, phụ nữ mà không được ai giúp đỡ sẽ còn vất vả, nguy hiểm hơn. Do đó, tôi quyết định ra đường hỗ trợ người dân sau mỗi ngày làm việc”. Lúc đầu, đội chỉ có 3 - 4 người đồng hành với anh Hiền. Rồi “tiếng lành đồn xa”, số lượng thành viên ngày càng nhiều. Đến nay, đội đã có 32 thành viên, trong đó người trẻ nhất chỉ mới 19 tuổi. Nhiệm vụ của đội là ra đường từ 20 giờ 30 phút, các thành viên chia thành nhiều nhóm rảo qua các cung đường của quận Bình Tân. Khi thấy có người hư xe, xịt lốp, hết xăng... đội giúp sửa chữa, bơm vá, đổ xăng cho họ. Đội còn chuẩn bị túi cứu thương để sơ cấp cứu người gặp tai nạn trên đường, đưa người say xỉn về nhà, tìm người lạc...
 
 Gần 5 năm qua, Biệt đội SOS Sài Gòn đã giúp đỡ hàng nghìn trường hợp gặp sự cố giữa đêm. Người sáng lập kiêm Đội trưởng Phạm Văn Sắc (25 tuổi) cho biết: Vốn có nghề sửa xe, nhiều lần đi trên đường lúc đêm khuya, thấy nhiều người bị hư xe dắt bộ mà không tìm được nơi sửa; hay lúc sau cơn mưa, đường ngập, nhiều phụ nữ hư xe giữa đường... “Lúc đó nghĩ, mình biết vá xe, sửa xe, tại sao không dừng lại giúp họ. Vì thế mình và một số anh em trong nhóm phượt lên ý tưởng về một đội cứu hộ giúp đỡ những người gặp sự cố giao thông vào lúc nửa đêm. Ý tưởng nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Sau nhiều lần họp bàn, vào tháng 3-2017, đội cứu hộ SOS Sài Gòn ra đời. Hiện, đội có 10 thành viên chính thức và rất nhiều cộng tác viên ở khắp TP Hồ Chí Minh” - anh Sắc chia sẻ. Tuy nhiên, làm việc tốt đâu có dễ! Thời gian đầu, cả nhóm đều rất chật vật “xin” giúp người khác. Họ thường bị người dân từ chối nhận giúp đỡ, đôi khi còn nặng lời. Mọi người đều sợ bị lừa, không tin rằng thời buổi này có những người đi làm không công vào lúc đêm hôm như vậy. Không ít lần, những người cứu hộ bị đánh do cứu người tai nạn giao thông, mà người nhà nạn nhân tưởng mình gây tai nạn. Có người còn tưởng nhóm là kẻ cướp, vá xe giá “cắt cổ”.
 
 Anh Nguyễn Tô Tuấn Tú (32 tuổi), đội Hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân bộc bạch: Có rất nhiều chuyện “cười ra nước mắt” trong quá trình hỗ trợ người dân gặp sự cố. “Buồn, tủi thân và chạnh lòng lắm chứ! Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp, người được hỗ trợ sau đó quay lại cảm ơn, có người còn xin tham gia đội để được hỗ trợ người dân... Những điều đó khiến chúng tôi rất vui và thấy ấm áp, là động lực để các thành viên gắn bó với công việc này nhiều hơn” - anh Tú khẳng định.
 
 Hình ảnh người đàn ông chạy xe máy có gắn thùng đồ to đùng kèm tấm bảng nổi bật “Gặp là giúp” đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người dân ở Sài Gòn. Anh tên Nguyễn Thành Nhân (ngụ ở huyện Hóc Môn) ban ngày làm nghề xe ôm nhưng tối tối lại rong ruổi trên đường để giúp người. “Tôi bắt đầu hành trình từ 19 giờ tại ngã tư An Sương, sau đó hướng về quận 2, vòng về quận 8, Điện Biên Phủ... để hỗ trợ tất cả người đi đường gặp sự cố. Mỗi ngày tôi về nhà lúc ba giờ sáng hôm sau”.
 
 Để tránh hiểu lầm, các đội hỗ trợ ban đêm đều tự thiết kế đồng phục có in lô-gô, số điện thoại đường dây nóng phía sau lưng. Mỗi khi hỗ trợ, cứu người đều quay clip lại để làm bằng chứng... Làm việc thiện nguyện, các thành viên trong đội tự túc xăng xe, mỗi tháng còn góp quỹ để mua trang thiết bị hỗ trợ người dân như: săm xe, ống bơm, bông, băng, bao tay y tế... “Mỗi lần giúp được người về nhà an toàn, em rất vui như mình được giúp. Lúc đầu người thân cũng lo lắng vì công việc về đêm, nhưng dần họ hiểu ra và rất ủng hộ việc của em và các thành viên trong đội đang làm” - một thành viên của đội cứu hộ quận Bình Tân chia sẻ. Không ít người thắc mắc, tại sao phải làm chuyện bao đồng, tự lấy dây buộc mình? Tại sao phải lấy tiền túi để giúp đỡ người không quen biết? Anh Nguyễn Hoàng Phúc, đội cứu hộ SOS Sài Gòn khẳng định: “Bản thân mình từng được người dân giúp khi bị tai nạn giao thông. Khi trải qua cảm giác được mọi người giúp đỡ vào đêm khuya mình mới hiểu được sự hỗ trợ ấy đáng quý biết chừng nào. Thành viên trong đội đa phần đều đã trải qua cảm giác đó. Thế nên dù ai nghĩ gì thì nhóm vẫn tồn tại, vẫn giúp đỡ mọi người hằng đêm”.