Nhiều cơ hội cho học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập

Năm học 2020-2021, TP Hồ Chí Minh có khoảng 16 nghìn thí sinh sẽ không trúng tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông (THPT) công lập sau kỳ thi tuyển sinh diễn ra vào giữa tháng 7 này.

Một buổi thực hành của các em học sinh tại Khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II.
Một buổi thực hành của các em học sinh tại Khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II.

Dù vậy, những học sinh (HS) này vẫn còn nhiều lựa chọn như chuyển sang học các trường THPT tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng…

Không thi đậu vào lớp 10 công lập năm học 2019-2020, em Huỳnh Võ Phi Long, HS Trường trung học cơ sở (THCS) Lương Ðịnh Của, quận 2, quyết định học nghề tại Khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (quận 9). Phi Long cho biết: "Sau khi hoàn thành chương trình học ở đây, em vừa được cấp bằng nghề vừa được cấp bằng THPT. Nếu muốn, em có thể học liên thông lên cao đẳng ngành cơ khí chế tạo. Muốn tiếp tục thi đại học cũng được vì đã tốt nghiệp THPT. Nói chung, vừa học nghề vừa học văn hóa cũng có nhiều cơ hội cho bản thân".

Tương tự, năm 2019, em Bùi Thanh Long, HS Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận 2), không thi đậu vào trường công lập, em cũng quyết định học nghề tại Khoa Cơ khí chế tạo, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II. Thanh Long dự định, sau khi tốt nghiệp THPT và có bằng nghề sẽ học liên thông lên cao đẳng ngành Cơ khí chế tạo. "Em có thể đi làm ngay sau khi có bằng nghề hoặc quyết định đi học tiếp. Cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn khi hiện nay lực lượng lao động lành nghề đang thiếu hụt và các doanh nghiệp (DN) đang rất cần lao động có chuyên môn. Ba mẹ em cũng ủng hộ em vừa học nghề vừa học văn hóa không phải vì học phí được miễn 100%, mà vì khi ra trường tìm việc làm thuận lợi hơn", Thanh Long tâm sự…

Những năm gần đây, số HS tốt nghiệp THCS chọn học nghề tăng lên vì những ưu điểm của hình thức học tập này: HS được miễn học phí, vừa học nghề vừa học văn hóa để tốt nghiệp THPT, được dự thi vào đại học...

Năm 2018, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II có 426 HS tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề. Năm 2019 tăng hơn hai lần với gần 900 HS đăng ký học nghề tại các khoa của nhà trường. Ðể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các DN, nhà trường đã đầu tư trang thiết bị, xưởng thực tập hiện đại như ba xưởng thực tập theo mô hình của Ðức; các thiết bị công nghệ tự động hóa theo xu hướng công nghệ 4.0… Cùng với đó, Trường cao đẳng Kỹ nghệ II đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo với các Tổ chức JICA (Nhật Bản), Dự án GIZ (Ðức), triển khai đào tạo thí điểm các chương trình ứng dụng phần mềm; xây dựng chương trình đào tạo logistics theo chuẩn quốc tế…

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II Trần Việt Phú, cho hay: "Chủ trương đào tạo của trường là đáp ứng nhu cầu của DN, đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho nên luôn chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề cho HS, sinh viên. 100% HS, sinh viên nhập học đều được trường ký cam kết bảo đảm việc làm. Trong quá trình học tập, HS, sinh viên của trường được các DN "đặt hàng" tiếp nhận vào làm việc, nên tỷ lệ có việc làm sau sáu tháng tốt nghiệp bình quân các nghề đều đạt hơn 95%. Một số ngành nghề đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước phát triển như Ðức, Nhật Bản… (nghề hàn, cơ khí, xử lý nước thải), sau khi hoàn thành chương trình học, các em được giới thiệu làm việc tại nước ngoài có thu nhập cao"…

Năm học 2020 - 2021, toàn thành phố có khoảng 90 nghìn HS tốt nghiệp THCS. Theo số lượng đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 có hơn 82 nghìn HS đăng ký; còn khoảng tám nghìn HS tốt nghiệp THCS không đăng ký dự thi vào các trường công lập mà có xu hướng học nghề, học các trường tư thục, đi du học, học tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN… Theo hệ thống trường lớp tuyển sinh THPT năm học 2020 - 2021 mà Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) thành phố công bố, trong số hơn 82 nghìn HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10, các trường THPT công lập trên địa bàn chỉ tuyển hơn 66 nghìn HS. Như vậy, có khoảng 16 nghìn HS không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Tính tổng thể, toàn thành phố có 24 nghìn HS tốt nghiệp THCS sẽ không học tại các trường công lập.

Theo Sở GD-ÐT thành phố, với các mô hình học tập hiện nay thì không thiếu chỗ học cho HS sau khi học xong chương trình lớp 9. HS có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác nhau như học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm GDTX, hay học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh dè dặt trong việc cho con em mình đi học nghề sau khi học hết lớp 9. Quan niệm "thích làm thầy hơn làm thợ" vẫn tồn tại trong không ít người dân. Trong khi thành phố hằng năm thiếu hàng chục nghìn lao động có nghề được đào tạo ở các trường trung cấp, cao đẳng thì số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lại thất nghiệp ngày càng tăng. Ðây là thực trạng đang tồn tại không chỉ riêng ở thành phố mà còn xảy ra trên bình diện chung cả nước.

Cũng thẳng thắn nhìn nhận, để công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả, nhất là hướng các em học nghề, các trường nghề cần phải nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của các DN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay...

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH