Nhiều bến thủy nội địa hoạt động không phép

Hiện nay trên địa bàn thành phố tồn tại hơn 60 bến thủy nội địa (TNĐ) không phép, hoạt động trái quy định của pháp luật. Nguyên nhân, do thành phố chậm ban hành quy hoạch mạng lưới cảng bến và đường thủy, khiến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng lúng túng trong công tác xử lý vi phạm. 
 

Một bến thủy nội địa không phép ở khu vực sông chợ Đệm, có tàu chở vật liệu xây dựng cập bến.
Một bến thủy nội địa không phép ở khu vực sông chợ Đệm, có tàu chở vật liệu xây dựng cập bến.

Cùng Ðội Thanh tra giao thông số 2 - Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố đi kiểm tra, chúng tôi đến một bến TNÐ không phép mặt chính hướng ra sông Cần Giuộc, đoạn gần cầu Ông Thìn thuộc địa bàn xã Ða Phước, huyện Bình Chánh. Phía trên bờ là một khuôn viên đất có quy mô gần 10.000 m2 chứa vật liệu xây dựng (VLXD) như cát, sỏi, đá với nhiều xe xúc, xe cẩu đang bốc VLXD từ một chiếc tàu cập dưới sông lên bãi. Sau khi VLXD được bốc dỡ để vào bãi đất, nhiều xe ba bánh vào bãi chở hàng đi thông qua đường bộ bên trên để cung cấp cho các công trình thi công xây dựng gần đó. Một người quản lý bãi VLXD này cho biết: Bến TNÐ này hoạt động đã gần 20 năm, chuyên thu mua và kinh doanh VLXD như cát, đá từ các nơi ở miền tây và khu vực TP Hồ Chí Minh chở đến, sau đó cung cấp cho các công trình thi công xây dựng khu vực lân cận. Dù hoạt động không phép nhưng bến thủy kinh doanh VLXD này đứng tên Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Ngân và có giấy phép của Sở Kế hoạch và Ðầu tư cấp. Có mặt tại bãi VLXD, người đại diện DNTN Hoàng Ngân cho hay: Vì hoạt động không phép cho nên bến thủy chứa vật liệu xây dựng này gần như tháng nào cũng phải đóng phạt cho các cơ quan chức năng đến kiểm tra như UBND xã, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy… "Mỗi lần đóng phạt từ 10 đến 15 triệu đồng cho nên mỗi năm tiền phạt lên đến cả trăm triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận đóng để được tồn tại, bởi trên thực tế nhu cầu mua VLXD của người dân địa phương và chủ các công trình xây dựng là có cho nên chúng tôi vẫn phải kinh doanh…", người đại diện quản lý bến thủy bộc bạch.

Tiếp tục theo Ðội Thanh tra giao thông đến một bến TNÐ không phép khác ở khu vực gần chợ đầu mối Bình Ðiền, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, chúng tôi ghi nhận bến thủy này cũng kinh doanh VLXD với quy mô hàng nghìn mét vuông, tàu chở vật liệu tấp nập cập bến. Gần đó, ở khu vực sông chợ Ðệm nhiều bến thủy không phép kinh doanh VLXD cũng hoạt động bình thường cho nên các thanh tra viên thuộc Ðội Thanh tra giao thông số 2 đến kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt theo quy định…Theo lực lượng Thanh tra Sở GTVT, qua kiểm tra thực tế, hiện thành phố có 63 bến TNÐ hoạt động không có giấy phép, tập trung ở các quận, huyện 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Ðức, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Trong đó, địa phương có nhiều bến thủy hoạt động không có giấy phép là quận 9 với 18 bến, Bình Chánh 13 bến, huyện Hóc Môn 8 bến… Thanh tra Sở GTVT nhận định, hầu hết các bến TNÐ nằm trong danh sách không phép đều kinh doanh mặt hàng VLXD, có thời gian hoạt động từ 10 đến 20 năm qua. Trong số 63 bến thủy không phép có 50% số bến là không có giấy phép vì không đủ điều kiện để cấp phép theo Thông tư số 50 của Bộ GTVT quy định về quản lý cảng bến TNÐ, số bến còn lại trước đây đã được Sở GTVT cấp phép nhưng quá trình hoạt động không bảo đảm điều kiện quy định cho nên bị rút giấy phép hoạt động, và xếp vào diện không có giấy phép. Cùng với tình trạng các bến TNÐ không phép vẫn ngang nhiên hoạt động, việc chính quyền địa phương chậm gia hạn giấy phép đối với các bến thủy đã hết hạn, cũng là vướng mắc khiến Thanh tra Sở GTVT lúng túng trong công tác xử lý cũng như kiểm tra nhằm bảo đảm hiệu quả của việc quản lý nhà nước đối với các bến thủy này. Theo Phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND huyện Bình Chánh đề nghị huyện cho ý kiến về việc gia hạn cấp phép đối với 25 bến TNÐ nhưng chờ mãi huyện vẫn chưa trả lời. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước.

Ghi nhận từ thực tế, các chủ bến TNÐ không phép vẫn chấp nhận nộp phạt khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra và nhu cầu mua bán, kinh doanh là nhu cầu thiết thực. Qua trao đổi, nhiều chủ bến TNÐ mong muốn thành phố sớm có quy hoạch cảng bến TNÐ để người kinh doanh có cơ sở nắm bắt điều kiện quy định, tạo điều kiện để việc kinh doanh bảo đảm hợp pháp và lâu dài. Phòng Quản lý giao thông thủy cho biết: Ðể chủ động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bến TNÐ, Sở GTVT đã soạn thảo tiêu chí về điều kiện hoạt động bến TNÐ trên địa bàn thành phố trình UBND thành phố xem xét có ý kiến. Tuy nhiên, trước mắt nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như bảo đảm hoạt động của hệ thống bến TNÐ, đầu tháng 12-2020, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Công an thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện: 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Ðức, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp xử lý triệt để các hành vi vi phạm đối với 63 bến TNÐ hoạt động không phép. Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An cho biết: Sở cũng đề nghị Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Công an cấp huyện, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an cấp xã xử phạt vi phạm hành chính đối với các bến TNÐ hoạt động không phép theo thẩm quyền được giao tại Ðiều 34, Ðiều 35, Nghị định số 132 ngày 25-12-2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường TNÐ.