Nhân rộng mô hình tuyên truyền bảo vệ môi trường

Là đô thị lớn của cả nước, bên cạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Mô hình tái chế rác thân thiện với môi trường tại quận 8.
Mô hình tái chế rác thân thiện với môi trường tại quận 8.

Cách đây hơn một năm, thành phố đã triển khai cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Cuộc vận động ngay lập tức đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, bởi vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường cũng là nỗi bức xúc của đông đảo người dân. Xác định nhân dân là chủ thể chính trong việc thực hiện Chỉ thị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch, nội dung tuyên truyền đến 24 quận, huyện để triển khai đến các tầng lớp nhân dân tại địa phương. Trong đó, nhấn mạnh nội dung các địa phương phải chú trọng tập trung vào các mô hình, giải pháp cụ thể, thiết thực để tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân và giải quyết các điểm tồn đọng rác, các điểm trung chuyển rác gây ô nhiễm trên địa bàn khu dân cư. Mỗi quận, huyện chọn một xã, phường làm điểm về môi trường sạch đồng thời chọn một điểm tồn đọng rác để xử lý triệt để.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh Triệu Lệ Khánh, trong quá trình triển khai, các địa phương luôn chú trọng các giải pháp, mô hình tuyên truyền, vận động đến được với từng đối tượng trong địa bàn dân cư, cụ thể: tổ chức các lớp tập huấn về luật và công tác bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tổ chức hội thi tiểu phẩm tuyên truyền, giải quyết tình huống về bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu dân cư;… Qua một năm thực hiện MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội 24 quận, huyện đã tổ chức hơn 11.000 cuộc (trong đó hệ thống MTTQ là 4.661 cuộc) tuyên truyền với hơn 1,6 triệu lượt người tham dự; phát hơn 1,2 triệu phiếu, tờ gấp tuyên truyền, tặng gần 50.000 móc khóa tuyên truyền cho người dân;… Tính đến tháng 12-2019, toàn thành phố đã cải tạo 517/600 điểm thường xuyên gây ô nhiễm môi trường trở thành điểm sáng bảo vệ môi trường.

Từ thực tiễn đó, nhiều ý tưởng, các sản phẩm tái chế mang tính ứng dụng cao trong đời sống nhân dân cũng đã ra đời. Tại quận 3 có mô hình “Chuyến xe xanh - gạch sinh thái” của Đoàn thanh niên; tại quận Phú Nhuận có mô hình “Thiết kế các chai nhựa thành các thùng rác” trang bị ở dọc kênh Nhiêu Lộc của MTTQ và các đoàn thể phường 14; quận Thủ Đức: “Thiết kế vỏ xe cũ thành các thùng rác” trang bị trên các tuyến đường của quận;… Bà Nguyễn Minh Thư, ngụ phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức cho biết: “Qua cuộc vận động, người dân trong hẻm chúng tôi rất tích cực hưởng ứng, bởi việc giữ gìn môi trường trong sạch cũng chính là giữ gìn môi trường sống của người dân”. Ngoài ra, trong công tác phối hợp tổ chức đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân trên địa bàn, thực hiện cam kết không xả rác bừa bãi và bỏ rác đúng nơi quy định, bảo đảm thời gian thu gom rác cũng được các tổ chức và người dân tiếp cận rất hiện đại và tiện ích. Đơn cử như thông qua các giải pháp cung cấp số điện thoại, các ứng dụng trực tuyến (Zalo, Facebook, Email) các đơn vị tiếp nhận đã xử lý thông tin phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, các tụ điểm còn tồn đọng rác, các điểm mất vệ sinh môi trường rất kịp thời, tạo hiệu ứng rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân. Thông qua các hình thức này, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận được hơn 4.000 thông tin phản ánh. Qua đó, đã chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý được gần 4.000 tin, đạt (99,5%).

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, qua một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân thành phố; thúc đẩy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường. Một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố để việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 được thuận lợi. Đến nay, thành phố đã tổ chức, sắp xếp được 1.869 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; đã chuyển đổi 658 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU về Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì thành phố chọn tiêu chí sạch là tiêu chí quan trọng để triển khai. Bởi vì, vấn đề sạch gắn với mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi ấp và nếu làm tốt thì chính người dân được hưởng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cấp chính quyền từ nay đến tháng 5-2020, vận động ít nhất 80% hộ dân tham gia thực hiện Cuộc vận động. Đồng thời, tiếp tục duy trì mô hình 15 phút vì thành phố văn minh - sạch đẹp; công thức 5 + 1 (cứ 5 hộ dân liên kết đảm nhận phần đường trước nhà mình sạch); các sáng kiến công trình tiêu biểu; lắp ca-mê-ra giám sát việc xả rác ra đường, kênh, rạch; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc xả rác…