Nhân rộng mô hình hiến đất làm đường

Những con hẻm nhỏ xíu, ngoằn ngoèo, ngập nước đã khoác lên mình bộ mặt mới khang trang, sạch đẹp nhờ phong trào "hiến đất làm đường" đang được lan tỏa tại TP Hồ Chí Minh.

Người dân hiến đất mở rộng hẻm 62, đường Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3.
Người dân hiến đất mở rộng hẻm 62, đường Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3.

Theo giá bán trên thị trường, 1 m2 đất tại hẻm 62, đường Lý Chính Thắng phường 8, quận 3 có giá bán khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, khi UBND phường vận động người dân hiến đất để mở rộng hẻm, anh Nguyễn Cao Hải đã chủ động thuê người thi công, đập tường, dời cổng nhà vào sâu bên trong để bàn giao cho Nhà nước 5 m2 đất mặt tiền. Tất cả quá trình đập bỏ, di dời cổng được anh thực hiện nhanh gọn trong bốn ngày. Từ hành động đẹp của anh Hải, toàn bộ người dân trong hẻm 62 đã đồng thuận hiến đất cho địa phương. Ðến nay, con hẻm nhỏ hẹp ngày nào đã được nâng cấp khang trang, sạch đẹp, người dân an vui, phấn khởi.

Bí thư Ðảng ủy phường 8 Lê Xuân Lâm, cho biết: Chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm 62 đã có từ năm 2003 nhưng không thực hiện được. Nguyên nhân là do người dân nhầm lẫn giữa hiến đất với quy hoạch giải tỏa. Một số hộ băn khoăn vì nhà có diện tích nhỏ, nếu hiến đất mở rộng hẻm thì sẽ khó khăn về chỗ ở. Ðể thuyết phục người dân, lãnh đạo quận đã tổ chức đối thoại, phân tích các lợi ích sau khi mở rộng hẻm, đồng thời hỗ trợ kinh phí và cho phép các hộ có diện tích nhỏ được sửa chữa, xây dựng tạm để đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Từ đó người dân đồng thuận.

Chủ tịch UBND quận 3 Võ Khắc Thái cho biết, trong 5 năm qua, 1.172 hộ dân trên địa bàn quận đã hiến tổng cộng 9.300 m2 đất với tổng trị giá gần 445 tỷ đồng để mở rộng 34 tuyến hẻm. Trong thời gian tới, quận 3 tiếp tục rà soát các con hẻm có chiều rộng dưới 3,5 m, vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm trên tinh thần đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, thực hiện dự án công khai, minh bạch.

Không chỉ riêng quận 3, đến nay phong trào "hiến đất làm đường" đã lan tỏa tại nhiều địa phương khác của thành phố. Báo cáo mới nhất của MTTQ thành phố cho thấy, từ năm 2003 đến nay, hàng chục nghìn hộ dân đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất, tương đương hơn 2.200 tỷ đồng, tính theo đơn giá Nhà nước. Ðiển hình như quận 2, người dân hiến 21.100 m2 (trị giá gần 122 tỷ đồng), quận 7 hơn 5.500 m2 (trị giá 74 tỷ đồng), quận 12 hơn 11.000 m2 (trị giá 33 tỷ đồng), các huyện: Hóc Môn hơn 510.000 m2 đất (trị giá hơn 33 tỷ đồng), Củ Chi hiến gần 750.000 m2 đất (trị giá 355 tỷ đồng), Bình Chánh hiến 790.000 m2 đất (trị giá hơn 540 tỷ đồng)... Tại quận 9, qua 15 năm vận động đã mở rộng hơn 100 tuyến hẻm, đường với số tiền 180 tỷ đồng, người dân hiến gần 20.000 m2 đất làm đường trị giá khoảng 350 tỷ đồng…

Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến đất, ngoài anh Nguyễn Cao Hải (quận 3) còn có cựu chiến binh Nguyễn Văn Coi (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) đã hiến 500 m2 đất; ông Bùi Công Hiệp (phường Long Trường, quận 9) tặng mảnh đất 2.500 m2 cùng căn nhà để mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi…

Bí thư Quận ủy quận 3 Trần Trọng Tuấn, cho biết: Trong việc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, nhiều trường hợp người dân chưa đồng thuận hết nhưng công trình vẫn khởi công. Khi thi công, cán bộ cơ sở sẽ chứng minh cho người dân hiểu, tin tưởng và thấy lợi ích của việc mở rộng hẻm, không chỉ giải quyết vấn đề thông thoáng, giao thông thuận tiện mà còn góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, khắc phục tình trạng ngập úng, bảo đảm an ninh trật tự, thuận tiện cho phòng cháy chữa cháy, ngầm hóa điện, cáp viễn thông.

Từ kinh nghiệm các địa phương cho thấy, để người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước thì phương thức đối thoại, thuyết phục, bám sát cơ sở để nắm bắt và tháo gỡ tại chỗ các vấn đề người dân còn lấn cấn hoặc những phát sinh mới là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Bên cạnh đó, việc chính quyền địa phương ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ tối đa quyền lợi chính đáng sẽ giúp người dân tin vào các chính sách của Ðảng, Nhà nước qua đó tạo sự đồng thuận cao. "Tấc đất, tấc vàng" nhưng có nhiều thứ còn quý hơn vàng. Ðó chính là tinh thần "hiến đất làm đường" của người dân TP Hồ Chí Minh.