Nhân rộng mô hình giáo dục STEM

Giáo dục theo phương pháp trải nghiệm sáng tạo STEM ngày càng phổ biến và mang lại những hiệu quả tích cực. Các trường học tại TP Hồ Chí Minh đang nhân rộng mô hình này…

Học sinh tham quan và trải nghiệm tại Trung tâm đào tạo STEAMZone. ảnh: NGỌC HOA
Học sinh tham quan và trải nghiệm tại Trung tâm đào tạo STEAMZone. ảnh: NGỌC HOA

Mô hình giáo dục trải nghiệm sáng tạo STEM bao gồm liên kết các khối kiến thức về các lĩnh vực: Khoa học; công nghệ; kỹ thuật, sản xuất; toán học đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ. Giáo dục STEM giúp học sinh hình thành và phát triển bốn kỹ năng: Sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm. 

Cô giáo Cao Phần Hà Vy, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, cho biết: Giáo dục STEM đã được trường thực hiện từ năm học 2017-2018, đến nay, nhiều kết quả mang lại có lợi cho sự hình thành và phát triển nhân cách, trau dồi kỹ năng, thái độ học tập cho học sinh, góp phần giáo dục hướng nghiệp ở bậc THCS, nhất là giáo dục tinh thần yêu thích ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống thực tiễn. Giáo dục STEM cũng được xem là cơ hội để phát triển đội ngũ nhà giáo ở Trường THCS Lê Quý Đôn trong nhiều năm qua; là cơ hội đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Để thực hiện, Trường THCS Lê Quý Đôn đã thành lập tiểu ban giáo dục STEM. Tiểu ban này có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp và thường xuyên cho hiệu trưởng về kế hoạch thực hiện các chủ đề STEM trong năm học, tập huấn cho giáo viên bộ môn khoa học tự nhiên. Đồng thời, trường phát triển đội ngũ học sinh tham gia các liên hoan khoa học, các hoạt động giáo dục STEM trong quận và thành phố. Trường cũng thường xuyên định hướng và hướng dẫn giáo viên, nhất là giáo viên các bộ môn khoa học tự nhiên, đưa tinh thần STEM vào trong bài dạy trên lớp của mình chứ không nhất thiết phải đưa học sinh đến học và chế tạo sản phẩm tại phòng thực hành STEM. 

Bằng nhiều phương pháp thể hiện, giáo dục STEM đã tạo niềm đam mê trong dạy và học cho giáo viên và học sinh. Mô hình giáo dục STEM của Trường THCS Lê Quý Đôn đã đoạt Giải nhất trong cuộc thi I-Star (Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp) do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2019 với danh hiệu “Giải pháp đổi mới sáng tạo”. 

Theo các chuyên gia, với sự phát triển của hệ thống giáo dục hiện nay, quá trình học gắn với thực hành ngày càng trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, giáo dục không chỉ trông chờ vào một đơn vị, một tổ chức mà cần có sự liên kết với nhau tạo thành một hệ sinh thái học tập STEM giúp người học tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn. Một hệ sinh thái học tập STEM cần được xây dựng sớm giúp học sinh có được cơ hội tiếp cận đa dạng các trải nghiệm học tập và liên tục ngay từ mẫu giáo cho đến bậc đại học. Ưu điểm của hệ sinh thái học tập STEM giúp người học có cơ hội đa dạng môi trường học tập, chia sẻ được nguồn tài nguyên học tập và xây dựng được chiến lược lựa chọn ngành nghề tương lai. 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, STEM trong chương trình giáo dục phổ thông là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Theo cách tiếp cận liên môn, người học có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Học sinh thực hiện bài học STEM được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu học tập để tiếp nhận, vận dụng kiến thức thông qua thực hành thiết kế, chế tạo, thử nghiệm mẫu thiết kế... 
 
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho hay, Sở đã ban hành hướng dẫn về dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong trường trung học từ năm học 2017 - 2018. Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ các trường đã triển khai, Sở sẽ đánh giá, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của lĩnh vực giáo dục này trong giai đoạn hội nhập. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển mô hình đào tạo nhiều ưu điểm này. 

Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy các hoạt động trao đổi và đồng hành phát triển mô hình giáo dục STEM trên địa bàn thành phố. QTSC là nơi có nhiều sản phẩm công nghệ liên quan đến giáo dục. Thông qua thỏa thuận hợp tác này, QTSC mong muốn thúc đẩy sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục STEM, góp phần định hướng nghề nghiệp và nâng cao chất lượng dạy học trong các trường trên địa bàn thành phố.
 
Hiện, QTSC có Trung tâm đào tạo STEAMZone với quy mô lớn nhất nước để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó, áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào trường học. Thư viện bài học STEM của trung tâm là nơi cho giáo viên soạn bài giảng STEM, xây dựng bài học, xây dựng hoạt động trải nghiệm phù hợp với từng môn học. Ngoài ra, Thư viện bài học STEM còn hỗ trợ các giáo viên, học sinh làm các đề tài nghiên cứu khoa học tại các trường phổ thông. Đây là phương pháp giáo dục mới bao gồm nhiều kỹ năng giảng dạy và tích hợp các lĩnh vực gắn liền với thực tiễn cuộc sống…