Nhân rộng các mô hình hỗ trợ hiệu quả người dân

Thời gian qua, quận Bình Thạnh là địa phương luôn đi đầu về thực hiện những mô hình điểm, giải pháp dân vận hay, góp phần vào quá trình phát triển chung của TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; phát huy mọi nguồn lực để xây dựng quận và thành phố ngày càng giàu đẹp.

Người dân làm thủ tục hành chính ngoài giờ tại trụ sở UBND phường 15, quận Bình Thạnh.
Người dân làm thủ tục hành chính ngoài giờ tại trụ sở UBND phường 15, quận Bình Thạnh.

Nói đến Bình Thạnh, nhiều người thường nhắc đến ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”, bởi ứng dụng này đã tạo được hiệu quả cao, được UBND thành phố Hồ Chí Minh biểu dương, nhân rộng ra nhiều địa phương khác của thành phố. Trong thực tế, địa phương nằm ở cửa ngõ đông bắc thành phố này còn có nhiều sáng kiến, sáng tạo khác được người dân tin tưởng, ủng hộ.

Trong khi nhiều người dùng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber...) chỉ với mục đích trò chuyện, trao đổi qua lại một cách đơn thuần, thì Công an quận Bình Thạnh đã gây dựng mô hình vận động người dân sử dụng mạng xã hội như một công cụ phòng, chống và tố giác tội phạm. Sau gần ba năm thực hiện, đã có tất cả 89 khu phố với 40 ngàn thành viên trên địa bàn quận tham gia vào nhóm tố giác tội phạm trên mạng xã hội. Qua kênh thông tin này, cơ quan chức năng đã phát hiện được 46 vụ lừa đảo với số tiền có giá trị lớn qua các ngân hàng; bắt giữ, xử lý 21 vụ trộm cắp tài sản; xử lý kịp thời hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật hình sự khác. Các nhóm mạng xã hội còn giúp lực lượng chức năng ngăn chặn nhiều vụ việc mâu thuẫn, bất hòa xảy ra tại các địa bàn dân cư.

Công an quận Bình Thạnh cũng là đơn vị tiên phong của thành phố vận động nhân dân lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát về an ninh, trật tự. Ðến nay, trên địa bàn quận đã có 80/89 khu phố (89,8%) gắn ca-mê-ra giám sát an ninh, trật tự với gần 1.900 mắt ca-mê-ra, 143 đầu ghi và 180 màn hình theo dõi 24/24 giờ. Trong đó, có 30/80 khu phố đã được phủ kín toàn bộ hệ thống ca-mê-ra trên các tuyến đường, tụ điểm, địa bàn trọng yếu. Tất cả chi phí lắp đặt đều của cá nhân, doanh nghiệp (quản lý riêng nội bộ) và bằng kinh phí xã hội hóa (ở các địa bàn công cộng). Việc đầu tư cho hệ thống, thiết bị tiếp nhận lưu trữ dữ liệu tại công an phường do ngân sách quận hỗ trợ. Hệ thống ca-mê-ra này đã ghi nhận đầy đủ tình hình an ninh, trật tự tại 286 địa bàn, qua đó hỗ trợ Công an quận điều tra, truy xét, bắt giữ quả tang 29 vụ gồm 52 đối tượng; một vụ tai nạn giao thông và 20 vụ việc khác với 30 đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội.

Ðảng ủy các phường 2, 15, 21, 25 cũng đã có sáng kiến và chỉ đạo thực hiện hiệu quả mô hình “Sao y, chứng thực ngoài giờ hành chính”. Các ngày làm việc trong tuần, tổ tiếp nhận sao y, chứng thực kéo dài thêm thời gian làm việc từ 30 đến 60 phút (từ 17 giờ đến 17 giờ 30 phút hoặc đến 18 giờ; thực hiện hai hoặc ba ngày theo đặc điểm tình hình của địa phương) để giải quyết khối lượng các văn bản cần sao y, chứng thực của người dân. Kể từ khi triển khai mô hình, đến nay, tại bốn phường nêu trên đã thực hiện được hơn 3.500 giờ làm thêm và đã sao y, chứng thực được gần 6.400 văn bản, hồ sơ hành chính.

Nhằm giảm bớt phiền hà, tiết kiệm chi phí và thời gian cho các tổ chức và người dân trong diện phải giải tỏa, di dời tại các dự án, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Bình Thạnh đã có sáng kiến: “Ðối chiếu bản chính để thu nhận bản sao” bổ túc hồ sơ phục vụ công tác bồi thường GPMB. Theo đó, khi các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có nhu cầu chứng thực, sao y, chỉ cần đem theo bản chính và bản phô-tô-cóp-py cần đối chiếu đến liên hệ bộ phận tổ chức hành chính - quản trị để yêu cầu giải quyết. Tại đây, bộ phận chức năng kiểm tra tính xác thực của bản chính bằng việc đọc kỹ, đối chiếu độ chính xác giữa các văn bản cần sao y và hoàn trả ngay toàn bộ các bản chính cho người đến liên hệ. Các bản sao sẽ do lãnh đạo hoặc cán bộ được phân công ký, ghi rõ họ tên; ngày, tháng, năm thực hiện và đóng dấu xác nhận “Ðã đối chiếu bản chính”, giao trả lại cho người có nhu cầu. Nếu bản sao có từ ba trang trở lên sẽ đóng dấu giáp lai lên các trang bản sao. Nhân viên thực hiện việc ghi chép vào sổ theo dõi từng văn bản và tổng hợp, báo cáo lãnh đạo đơn vị. Tiếp đó, cán bộ có trách nhiệm sẽ đóng dấu xác nhận “Ðã đối chiếu bản chính” cho người dân. Trường hợp vì lý do khách quan, không thể thực hiện việc giao trả bản sao ngay, sẽ hẹn hoàn trả trong vòng một ngày làm việc. Theo Ban Bồi thường GPMB quận Bình Thạnh, sau hơn bảy năm thực hiện mô hình này, đến nay, quận đã thực hiện sao y hàng chục nghìn văn bản, được người dân hoan nghênh, đồng tình, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, đồng thời khắc phục được tình trạng chậm trễ trong nộp hồ sơ.

Bác Lê Văn Minh, người dân ở khu phố 2, phường 15 cho rằng: “Cải cách hành chính không nằm tận đâu xa xôi, to tát, có khi chỉ đơn giản qua nụ cười, cái gật đầu của mỗi người dân khi đến liên hệ với chính quyền”. Bí thư Quận ủy Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất nhìn nhận, cái được lớn nhất của mỗi cơ quan, đơn vị khi thực hiện các mô hình trong cải cách thủ tục hành chính là tạo được sự hài lòng của người dân...

Nhiều mô hình hay, hiệu quả mà quận Bình Thạnh đã thực hiện trong thời gian qua đã góp phần làm cho khoảng cách giữa chính quyền và người dân ngày càng gần nhau hơn; cán bộ, công chức các cơ quan công quyền thật sự thân thiện, gần dân, lắng nghe, giải quyết kịp thời những yêu cầu bức xúc của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước đi vào thực tế đời sống. Ðây chính là nền tảng vững chắc nhất để Bình Thạnh tự tin thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ quận nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.