“Nhà trọ” giá rẻ cho người lao động

Chỉ vỏn vẹn từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng, người lao động nghèo ở Sài Gòn có thể thuê một chiếc võng để ngủ qua đêm, kèm theo đó là các dịch vụ về tắm rửa vệ sinh… miễn phí.

Chị Loan soạn lại rổ trái cây, chuẩn bị cho buổi bán dạo.
Chị Loan soạn lại rổ trái cây, chuẩn bị cho buổi bán dạo.

23 giờ đêm, quốc lộ 1A, đoạn thuộc quận Bình Tân, gần Xí nghiệp PouYuen lấp lóe ánh điện từ các bảng hiệu cho thuê võng để ngủ đêm với giá 15.000-20.000 đồng/chiếc. Cạnh đó là những tiệm sửa xe, vá vỏ 24 giờ. Cả dãy quán võng thời điểm này gần như đã kín khách đến thuê. Hàng chục chiếc võng mắc san sát nhau trên hàng cột sắt đen sì. Mọi người cuộn mình chìm vào giấc ngủ sau một ngày lao động mệt mỏi. Khẽ khàng đặt chiếc mẹt cóc ổi trên nền gạch, giũ vội chiếc võng cho đỡ cát bụi, chị Loan đưa đứa con ngủ gà gật lên võng. Vừa soạn mớ trái cây, chị Loan trần tình, quê chị ở An Giang, vào Sài Gòn mưu sinh đã hơn ba năm. Hai vợ chồng đều thất nghiệp, không có tiền thuê nhà trọ cho nên mướn võng ngủ mỗi đêm. "Tôi bị tật một bên mắt cho nên xin việc ở xí nghiệp không được. Gần đây, tôi vay mượn được chút tiền, sáng sớm ra chợ Bình Ðiền (quận 8) mua ít cóc xoài, đậu phộng, bánh tráng… rồi tối tối đến mấy quán nhậu bán. Dịch Covid-19, quán nhậu đóng cửa, lúc mở lại cũng rất vắng khách, việc buôn bán cũng bấp bênh, có lúc kiếm 50.000-100.000 đồng, cũng có bữa không được đồng nào". Cũng giống hoàn cảnh chị Loan, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, anh Lê Văn Tình (40 tuổi, quê Bình Ðịnh) bán vé số dạo cũng phải dạt ra quán võng để ngủ đêm. "Trước tôi lấy vỉa hè làm nhà, bạ đâu ngủ đó. Lúc có dịch, người ta không cho ngủ vỉa hè nữa nên tìm gầm cầu, hầm chui… Từ khi biết được mấy quán võng, tôi thường ghé vào mỗi khi mệt. Tính ra, mỗi ngày tốn 15.000 đồng; mỗi tháng khoảng 450.000 đồng, được cái có cả nơi tắm rửa, giặt đồ, phơi đồ và cả sạc điện thoại. Tuy nhiên, điều bất tiện là ngủ chung, sợ lây Covid-19 vì không ai đeo khẩu trang, nhưng kệ thôi chứ không biết tính sao", anh Tình tâm sự.

Chợ đầu mối Thủ Ðức cũng có nhiều quán võng đêm cho người lao động nghỉ tạm. Anh Lý, chủ một quán cà-phê võng cho biết: "Lúc trước, cánh thuê võng ngủ đêm phần lớn là người lao động làm việc ở chợ đầu mối. Chờ buổi chợ sớm, họ thường ra đây thuê võng ngủ cho tiện. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, nhiều người mất việc, không còn khả năng thuê nhà trọ cho nên họ ra thuê võng làm chỗ ngủ. Khách không chỉ có đàn ông mà còn có cả gia đình, trẻ em, phụ nữ…". Phía sau các quán võng còn có khu vực vệ sinh, nơi tắm giặt, phơi đồ… Vắt kiệt nước bộ quần áo vừa giặt, ông Trần Văn Bảy (55 tuổi, quê Nghệ An), hành nghề chạy xe ôm bộc bạch: "Tôi thuê võng ngủ hằng đêm cũng gần được một tháng nay. Chỗ này còn cho tắm giặt miễn phí nên đỡ được ít tiền. Lang bạt ở Sài Gòn hơn chục năm nhưng đồ đạc không có gì ngoài chiếc ba-lô với vài bộ đồ cũ, ít đồ dùng cá nhân. Với tôi, có nơi ngả lưng mỗi đêm là tốt lắm rồi". Theo lời ông Bảy, chạy xe ôm dạo này rất vắng khách, lại phải cạnh tranh với cánh tài xế công nghệ cho nên cả ngày có khi chỉ chạy được vài chuyến. Tiền thuê võng với tiền mua chai nước suối là sạch túi. "Tài sản" người đàn ông này luôn giữ khư khư bên mình là chiếc điện thoại di động "thời kỳ đồ đá". Bao nhiêu mối làm ăn nằm hết trong này. Nó là phương tiện "hành nghề" quan trọng chẳng kém gì chiếc xe cà tàng của ông. Bươn chải gần 20 năm ở Sài Gòn, bà Trần Thị Hà (65 tuổi, quê Nam Ðịnh) gửi giấc ngủ ở quán võng gần 5 năm nay. "Tôi còn nhớ đêm đầu thuê võng ngủ, không tài nào chợp mắt được vì nó cứ đung đưa, muỗi cắn, lạ chỗ, lại sợ bị mất cái túi vé số là coi như trắng tay. Dần dần rồi quen thôi, giờ đặt mình xuống là ngủ liền", bà Hà kể.

Đối với những người lao động, buôn thúng bán bưng ở nội thành, tìm được một quán ngủ võng cũng là một điều khá xa xỉ. Trước đây tại khu vực cầu Ông Lãnh (quận 1) hay Bến xe miền Ðông (quận Bình Thạnh) cũng có các quán cho thuê võng, tuy nhiên sau này việc kiểm tra giấy tờ của người ngủ qua đêm khá khó khăn cho nên các quán đã đóng cửa. Các quán võng dời địa chỉ ra khu vực ngoại thành, chợ đầu mối… Phần lớn khách thuê võng đều là dân lao động tự do, toàn người nghèo khổ, anh Huy Hoàng (chủ một quán cà-phê võng phường An Lạc, quận Bình Tân) chia sẻ. Theo anh, nhiều người cũng có khả năng thuê nhà nhưng họ muốn dành dụm thêm chút tiền để gửi về quê. Một thân một mình, có nơi yên tâm để ngả lưng là mừng rồi.

Ðêm đêm, dưới ánh đèn đường Sài Gòn, hàng trăm phận người buôn gánh bán bưng kết thúc một ngày mưu sinh vất vả. Không chốn về, thế nên những chiếc võng thuê hằng đêm giúp họ chợp mắt vài tiếng đồng hồ càng thêm quý.