Người lưu giữ ký ức về Khởi nghĩa Nam Kỳ

Ông Trương Thành Hỷ, nguyên cán bộ điện ảnh cách mạng bưng biền Nam Bộ là một trong những nhân chứng lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ hiếm hoi còn sống tại TP Hồ Chí Minh. Với ông, ký ức về cuộc khởi nghĩa cách đây 80 năm chưa bao giờ phai mờ, vẫn hiển hiện đầy sống động trong con người đã 96 tuổi đời, nhất là trong những ngày tháng 11 này...

Ông Trương Thành Hỷ (bên phải), nhân chứng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ông Trương Thành Hỷ (bên phải), nhân chứng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Theo chỉ dẫn của anh cán bộ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, chúng tôi đến thăm ông Trương Thành Hỷ vào một chiều cuối tháng 10. Bên trong căn nhà nhỏ, chiếc ti-vi đang phát bản tin buổi chiều. Ông Hỷ cho biết, ngày nào ông cũng đọc báo, xem ti-vi để nắm tin tức. Những thông tin, bài viết về Bác Hồ, về kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ông đều theo dõi kỹ, thậm chí còn lưu giữ lại những bài viết ấy cho riêng mình. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Hóc Môn, ông kể câu chuyện xưa mà không cần thời gian nhớ lại, dù đã diễn ra cách nay 80 năm.

Ông Hỷ cho biết, ngôi nhà ông ở trước đây cũng là nơi các đồng chí cán bộ cách mạng đến họp về công tác xây dựng lực lượng trên địa bàn Hóc Môn. Lúc đó, ông ở độ tuổi mười lăm, mười sáu, chưa hiểu nhiều về công việc của người lớn. “Mỗi lần đi học về, thấy trong nhà có món mắm kho là tôi biết nhà đang có khách. Khi đó, tôi liền ra trước nhà chơi, đồng thời cũng là canh chừng lính làng cho mẹ”, ông Hỷ nhớ lại.

Có thời gian, mẹ ông, bà Trương Thị Mừng, còn giấu một cán bộ cách mạng ở buồng trong, rồi bà ra ngoài ngồi tụng kinh niệm Phật. Thấy bà tụng kinh, bọn lính cho qua mà không cần để ý khám xét. Việc một người đàn bà góa dám giấu người đàn ông lạ trong nhà mình là chuyện cấm kỵ, dễ bị người đời dị nghị, nhưng mẹ ông không màng đến điều đó. Sau này ông mới biết, người mà mẹ mình che giấu trong nhà một thời gian chính là đồng chí Võ Văn Tần, khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ...

Trước khi Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra, vào ngày 15 và 16-11-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại một địa điểm bí mật ở Hóc Môn, ngoại thành Sài Gòn do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, chủ trì. Hội nghị cân nhắc so sánh lực lượng giữa địch và ta về quân sự, chính trị; cho rằng ưu thế chính của cách mạng là về chính trị, cụ thể là phong trào phản đế dâng cao. Trong binh lính người Việt Nam tại ngũ có sự thúc bách đòi khởi nghĩa, không chịu chết thay cho thực dân Pháp ở biên giới Thái-lan và lực lượng vũ trang của cách mạng biểu lộ quyết tâm cao trong việc nổi dậy đánh đổ chính quyền địch. Theo ý kiến của số đông, hội nghị quyết định hạ lệnh khởi nghĩa và giao cho Ban Thường vụ Xứ ủy quyết định ngày, giờ khởi nghĩa.

Theo kế hoạch khởi nghĩa, các vùng chung quanh như Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc thuộc Chợ Lớn; Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè thuộc Gia Định và một số nơi khác thuộc Tân An, Thủ Dầu Một... có nhiệm vụ bí mật đưa lực lượng trung kiên tới những địa điểm đã được quy định, gần thành phố. Khi súng nổ thì vào đánh chiếm những nơi quan trọng như Khám Lớn và một số nhà giam khác, giải thoát tù chính trị; dựng chướng ngại vật ở những chỗ quy định để chặn pháo binh địch...

Ông Hỷ tiếp tục câu chuyện... Chiều ngày 22-11-1940, trước khi cuộc khởi nghĩa diễn ra, người dân tập trung khá đông tại khu vực chợ Hóc Môn. Hôm đó, gánh hát bội của ông Sáu Ngói được lệnh biểu diễn phục vụ bà con cho đến khi có tiếng súng báo hiệu khởi nghĩa. Quá 24 giờ đêm ngày 22-11-1940, rạp hát đã vãn, những người giả thường dân đi xem hát ra khỏi rạp tản vào các quán nước, tiệm ăn mà pháo lệnh ở Sài Gòn vẫn chưa nổ. Trước tình hình đó, không thể trì hoãn thêm được nữa, Ban lãnh đạo hội ý chớp nhoáng và quyết định ra lệnh tiến công. “Các nhóm xung kích nghĩa quân từ bốn phía nhất tề xông thẳng vào đồn Hóc Môn, dinh lũy của chủ quận Bùi Ngọc Thọ. Nghĩa quân tràn vào như nước vỡ bờ, cờ đỏ búa liềm xuất hiện. Nghĩa quân phát loa kêu gọi quận Thọ và tay chân quy hàng, nhưng chúng ngoan cố chống trả quyết liệt”, ông Hỷ say sưa kể.

Trước tình hình đó, đồng chí Đỗ Văn Dậy, Quận ủy viên, động viên nghĩa quân bằng mọi cách trèo lên đồn và chính đồng chí mang dao găm, xung phong bám ống nước leo lên trước. Khi đồng chí leo đến lưng chừng thì bị địch bắn trọng thương ngã xuống. Đồng chí Dậy được đồng chí Nguyễn Văn Cưu (Mười Cưu) đón đỡ và cõng đưa về ấp Láng Chà, làng Tân Thới Tây cứu chữa. Tấm gương dũng cảm tiến công của đồng chí Dậy đã động viên mạnh mẽ tinh thần quyết chiến của nghĩa quân…

Khởi nghĩa Nam Kỳ dù thất bại nhưng đã khơi dậy tinh thần yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí đoàn kết quật khởi giành và bảo vệ chủ quyền. Những tấm gương dũng cảm hy sinh của đảng viên Đảng Cộng sản lãnh đạo và làm nòng cốt trong Khởi nghĩa Nam Kỳ giúp nhân dân khẳng định niềm tin đối với vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản, nhận thức rõ chỉ có Đảng Cộng sản mới một lòng một dạ vì Tổ quốc, vì nhân dân...

Ông Hỷ lấy trong tủ ra một cuốn sổ dày, trong đó là hình ảnh, những bài viết về Bác Hồ, về cách mạng Việt Nam mà ông tâm đắc. Ông chia sẻ, sau này, ông muốn gửi tặng lại quyển sổ cho Đoàn Thanh niên xã Thới Tam Thôn để các bạn trẻ hiểu thêm về lịch sử cách mạng nước nhà, hun đúc thêm niềm tự hào dân tộc. “Đã là người con Hóc Môn, nhất là giới trẻ, thì phải nhớ ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến; phải giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng để sống xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước”, ông Hỷ nói những lời gan ruột...

Bí thư Đoàn xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn Nguyễn Phương Thảo cho biết, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, Đoàn Thanh niên xã thường tổ chức cho các bạn trẻ đến thăm hỏi ông Hai (ông Trương Thành Hỷ) để nghe ông kể chuyện truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước cho các bạn. Đoàn xã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến thăm những địa chỉ đỏ nhằm giúp các bạn trẻ hiểu thêm lịch sử đấu tranh của huyện nhà, tinh thần yêu nước, quật khởi của người con Hóc Môn, từ đó có lý tưởng sống cao đẹp, xây dựng quê hương ngày thêm tươi sáng hơn...