Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Sau gần sáu năm đưa lực lượng thanh tra xây dựng ở các quận, huyện về Thanh tra Sở Xây dựng thành phố (gọi là Đội Thanh tra địa bàn) đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo khiến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) vẫn còn diễn biến phức tạp và số vụ vi phạm có xu hướng tăng lên.

Lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế tháo dỡ một cụm công trình xây dựng trái phép tại phường Phước Long B, quận 9.
Lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế tháo dỡ một cụm công trình xây dựng trái phép tại phường Phước Long B, quận 9.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, nhiều quận, huyện đề xuất đưa lực lượng này trở về “chỗ cũ” để công tác quản lý TTXD tại địa phương sát sao, chặt chẽ hơn.

Cung cấp hai hồ sơ đang trong quá trình xử lý vi phạm xây dựng sai phép trên địa bàn quận Bình Tân, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận băn khoăn: Dù Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng quận chưa thể tiến hành cưỡng chế đối với công trình vi phạm vì còn vướng mắc về thủ tục cũng như phải tuân thủ các quy định về quy trình cưỡng chế theo luật định.

Cả hai trường hợp xây dựng sai phép này đều được phát hiện, ra quyết định xử phạt vào tháng 12-2018 nhưng ba, bốn tháng sau Thanh tra Sở Xây dựng mới ban hành quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ và đến nay đã 10 tháng trôi qua nhưng công trình vi phạm vẫn tồn tại…

Trong đó có một công trình ở Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B có quy mô xây dựng hàng trăm m2, vi phạm do xây dựng sai so với giấy phép theo kiểu xây nhà “ba chung” nhưng chính quyền địa phương lúng túng khi thực hiện cưỡng chế.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh nhìn nhận: “Theo quy định, địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xử lý công trình không phép, còn Thanh tra Sở Xây dựng xử lý công trình sai phép nhưng lực lượng này chỉ kiểm tra công trình rồi sau đó giao trách nhiệm xử phạt, tổ chức cưỡng chế về cho địa phương là điều khó thực thi. Trong khi để cưỡng chế công trình sai phạm, địa phương phải thực hiện nhiều công đoạn phức tạp”.

Hiện tại, quận Bình Tân có hàng chục hồ sơ vi phạm xây dựng sai phép vẫn “treo” hơn một năm kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Tình trạng vi phạm TTXD tại quận Bình Tân trong những năm qua vẫn diễn biến phức tạp dù đang tồn tại song song hai lực lượng xử lý về TTXD là Đội thanh tra địa bàn và Đội quản lý trật tự đô thị. Từ năm 2017 đến tháng 7-2019 đã phát hiện, xử lý 444 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó có 291 trường hợp xây dựng không phép, 153 trường hợp xây dựng sai phép. Đối với trường hợp xây dựng sai phép, thuộc thẩm quyền xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận Bình Tân mới xử lý được 71 trường hợp.

Tình trạng lúng túng và chậm xử lý vi phạm xây dựng sai phép cũng xảy ra tương tự ở địa bàn quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh... do quy trình xử lý đi qua nhiều cấp cũng như công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và quận, huyện chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận 9 dẫn chứng: Đối với trường hợp xây nhà sai phép, Đội thanh tra địa bàn phối hợp với cán bộ quản lý trật tự đô thị phường lập biên bản vi phạm rồi chuyển cho UBND phường ban hành quyết định đình chỉ, sau đó kiến nghị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt. Do đó, dẫn đến tình trạng công trình xây dựng lúc mới lập biên bản vi phạm chỉ là căn phòng nhưng lúc Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt có khi đã thành... ba, bốn tầng lầu.

Theo lãnh đạo UBND quận 9, thời gian qua, việc xử lý công trình sai phép còn chậm và hạn chế do quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa Đội thanh tra địa bàn với UBND quận, huyện chưa thống nhất đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chủ tịch UBND quận cũng không có thẩm quyền chỉ đạo đối với Đội thanh tra địa bàn cho nên quá trình phát hiện, kiểm tra, giám sát đối với công trình vi phạm cũng không được chặt chẽ và bảo đảm tính chế tài cao.

Nhiều quận, huyện đề nghị nên khôi phục lại Đội quản lý TTXD đô thị trên cơ sở sáp nhập các Đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội quản lý trật tự đô thị ở các quận, huyện, đồng thời giao UBND quận, huyện quản lý lực lượng này nhằm tăng tính chủ động cho địa phương trong công tác kiểm tra và xử lý các công trình xây dựng nói chung. Việc này sẽ bảo đảm sự nhất quán và việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực xây dựng sẽ hiệu quả và chặt chẽ hơn.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, Sở đã xây phương án và trình UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm Đội quản lý TTXD đô thị trên cơ sở sáp nhập các đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội quản lý trật tự đô thị ở các quận, huyện. Trong lúc chờ Chính phủ xem xét, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTXD đô thị trên địa bàn thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc và phân công rõ nhiệm vụ xử lý vi phạm theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, huyện và Giám đốc Sở Xây dựng.

Mới đây, Sở Xây dựng thành phố đã triển khai kế hoạch liên tịch giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn; tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, tất cả các công trình vi phạm TTXD phải được phát hiện, xử lý ngay từ đầu; bảo đảm tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra theo đúng quy định.