Nâng cao hiệu quả chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa

Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã góp phần tạo ra không gian trao đổi, mua bán giữa các doanh nghiệp (DN) với nhà sản xuất, cung ứng trong nước. Ðây cũng là tiền đề quan trọng hỗ trợ các loại đặc sản, nông sản thực phẩm an toàn của các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…

Khách hàng tham quan, mua hàng tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2019 giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương.
Khách hàng tham quan, mua hàng tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2019 giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương.

Qua bảy năm triển khai, Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN trao đổi, tăng cường hợp tác đầu tư giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thông qua chương trình, đã có 2.283 hợp đồng được các đơn vị ký kết để trao đổi, mua bán hàng hóa.

Với khu vực Ðông và Tây Nam Bộ, theo đánh giá của Sở Công thương thành phố, chương trình đã tạo được mối liên hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại, mang đậm dấu ấn và có sức lan tỏa sâu rộng; tạo được sự gắn kết, phối hợp giữa các sở, ngành chức năng địa phương trong việc tạo điều kiện cho DN liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối; là cầu nối giao thương, cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường khu vực. Qua đó, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mới đây, Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2019 giữa TP Hồ Chí Minh và 45 tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục thu hút hơn 2.300 DN tham gia. Trong đó, hơn 550 DN đăng ký trưng bày, giới thiệu hàng hóa tại 450 gian hàng. Các DN còn lại là các đơn vị cung ứng và thu mua, gồm: 42 đơn vị phân phối hiện đại, 100 DN đầu mối xuất khẩu, 167 DN suất ăn công nghiệp…

Trong khuôn khổ hội nghị, khoảng 500 biên bản và hợp đồng ghi nhớ liên kết sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa… đã được các đơn vị ký kết. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Huỳnh Trang cho biết thêm: "Gần 2.000 sản phẩm đặc trưng vùng, miền trên phạm vi cả nước đã được giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng, nhà thu mua của thành phố. Năm nay, hội thảo đã góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, xem đây là yêu cầu cấp bách mà người tiêu dùng đang đòi hỏi. Hội nghị cũng mời một số đối tác nước ngoài và các đầu mối xuất khẩu để xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng ra thị trường thế giới"…

Thực tế cũng cho thấy, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng chương trình vẫn còn gặp một số trở ngại, khó khăn. Tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để và quảng bá đến người tiêu dùng; sự phối hợp giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương vẫn thiếu tính thống nhất, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối đến nay vẫn chưa bền vững; nhiều sản phẩm có lợi thế so sánh của các địa phương do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng hiện đại…

Ðể chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương cần đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn. Chú trọng cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại, xem đây là tiền đề quan trọng trong kết nối giao thương hai chiều, hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Cùng với đó, ngành công thương các tỉnh, thành phố cần xây dựng hệ thống "phát tín hiệu" thị trường định hướng sản xuất cho các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất những sản phẩm thị trường trong nước và nước ngoài cần. Thành phố cần phối hợp các địa phương thực hiện thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường thành phố, đồng thời triển khai các chương trình để hệ thống phân phối ký hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, giúp nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm…

Thứ trưởng Công thương Ðỗ Thắng Hải đánh giá, sau bảy năm tổ chức, quy mô và hiệu quả của chương trình ngày càng có sức ảnh hưởng lớn, số lượng các mặt hàng tham gia trưng bày và giới thiệu ngày càng dồi dào, phong phú, số lượng các hợp đồng ký kết tăng mạnh... TP Hồ Chí Minh và các địa phương cần tiếp tục phát triển đa dạng loại hình DN tham gia chương trình, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực thương mại trong kết nối vùng. Ðồng thời, cần gắn hoạt động của chương trình này với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tổ chức sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng dự báo thị trường…