Nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu

Trong 10 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh đạt 25,469 tỷ USD, giảm 3,8% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm chủ yếu là do giá trị mặt hàng dầu thô giảm so cùng kỳ năm trước (giảm 46,2% do giá bình quân giảm 54,1%), nhưng các mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm mạnh cũng là yếu tố làm cho hoạt động xuất khẩu từ đầu năm đến nay của thành phố giảm.

Công nhân Công ty Good Life (TP Hồ Chí Minh) sơ chế trái cây trước khi xử lý bằng hơi nước nóng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Công nhân Công ty Good Life (TP Hồ Chí Minh) sơ chế trái cây trước khi xử lý bằng hơi nước nóng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Để giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững thị trường truyền thống, đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu mới, kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu, nhất là tìm giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản… Không chỉ TP Hồ Chí Minh, mà nhiều địa phương khác ở phía nam cũng đang gặp khó trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Theo Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại, trong 10 tháng đầu năm 2015, mặt hàng gạo của Cần Thơ xuất khẩu giảm 1,5% so cùng kỳ; nhiều DN xay xát hoạt động cầm chừng do gạo tồn kho còn nhiều. Trong 10 tháng đầu năm 2015, Cần Thơ đã xuất khẩu hơn 526,6 nghìn tấn gạo, đạt 62% kế hoạch. Sản lượng thủy sản xuất khẩu gần 110 nghìn tấn, đạt 61% kế hoạch, giảm 11,6% so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu thủy sản của Cần Thơ hiện vẫn chưa khả quan do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU thấp; mặt khác, do giá xuất khẩu cạnh tranh và những rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe.

Ở bình diện chung, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 5,45 tỷ USD, giảm gần 18% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 28%; cá tra 1,3 tỷ USD, giảm 12%; cá ngừ 383 triệu USD, giảm 6%; mực bạch tuộc đạt 345 triệu USD, giảm 13% so cùng kỳ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý III năm 2015, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng âm 16,5% so cùng kỳ năm 2014. Một số thị trường lớn đều giảm mạnh từ 6 đến 26% như thị trường Mỹ giảm gần 27%, EU giảm 19% và Nhật Bản giảm 15%.

Theo Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy sản Trường An (quận Bình Tân) Nguyễn Hào Căn, mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ hiện nay từ 11,79 USD xuống 9,42 USD/kg, tức đã giảm 20% so cùng kỳ năm 2014. Đại diện của VASEP cho rằng, nguyên nhân làm cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh từ đầu năm đến nay là do thị trường tiêu thụ kém, sự biến động tỷ giá tiền tệ và nhà nhập khẩu tìm cách ép giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2015, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu giảm sau bảy năm gần đây tăng trưởng liên tiếp là do nông sản của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, công nghệ chế biến thấp và hạn chế này không được cải thiện, trong khi nhu cầu của thị trường đòi hỏi chất lượng của sản phẩm ngày càng cao.

Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước hiện có khoảng 600 cơ sở chế biến gạo quy mô công nghiệp; 260 cơ sở chế biến chè; 465 nhà máy chế biến hạt điều; 18 nhà máy chế biến hồ tiêu và 276 cơ sở, nhà máy chế biến cà-phê nhưng vẫn hoạt động dưới dạng sơ chế giản đơn, số DN có công nghệ chế biến sâu rất ít. Những mặt hàng nông sản được sơ chế bằng những thiết bị cũ rõ ràng chất lượng sẽ không cao và sức cạnh tranh của những sản phẩm được chế biến từ đó yếu cũng là điều dễ hiểu.

Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông sản Huỳnh Lê (quận 4) Lương Quốc Minh khẳng định, nông sản của Việt Nam ngày càng khó tiêu thụ tại thị trường nước ngoài là do chất lượng chưa được nâng cao. Để giá trị các mặt hàng nông sản được nâng lên, cần phải tăng cường liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo quy mô công nghiệp.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, Trưởng Ban Tư vấn Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long Lê Việt Dũng, phân tích, Cần Thơ muốn nâng tầm giá trị các mặt hàng nông sản buộc phải tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị, hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo điểm nhấn riêng, vừa thể hiện được vai trò trung tâm kết nối các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với nhiều quốc gia, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam là “hàng đặc sản”. Tuy nhiên, do khâu chế biến, bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được chúng ta đầu tư đúng mức dẫn đến nhiều đặc sản của ta thành của rẻ và dần dần bị các sản phẩm cùng loại của các nước chiếm thị phần. Muốn tồn tại và phát triển, không còn cách nào khác, chúng ta phải nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua đó tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế...